Tiền thưởng cho vận động viên giành huy chương Olympic

Olympic là đỉnh cao trong sự nghiệp của nhiều vận động viên, là cơ hội để tên tuổi của họ được ghi vào lịch sử.

Nhưng không như các giải đấu chuyên nghiệp khác, trước đây Olympic không có tiền thưởng đi kèm với huy chương giành được.

Những tấm huy chương đầu tiên

Huy chương Olympic từng không được chuẩn hóa. Tại Olympic hiện đại đầu tiên năm 1986, vận động viên chiến thắng nhận một cành ô liu và một huy chương bạc. Người nhận đầu tiên là vận động viên môn nhảy ba bước James B.Connolly.

Ban đầu huy chương được đính vào ngực, nhưng từ Olympic năm 1960 bắt đầu đổi sang dạng treo quanh cổ. Hệ thống huy chương vàng - bạc - đồng hiện nay xuất hiện từ Olympic năm 1904.

Tại Olympic năm nay, mỗi huy chương sẽ chứa một mảnh ghép hình lục giác của tháp Eiffel nổi tiếng.

Mẫu huy chương của Olympic năm nay - Ảnh: CNN

Mẫu huy chương của Olympic năm nay - Ảnh: CNN

Có nguồn gốc từ giải đấu nghiệp dư

Mặc dù huy chương được cổ động viên săn đón, nhưng giành được chúng không đi kèm với bất cứ khoản tiền thưởng trực tiếp nào từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Điều này do Olympic có nguồn gốc từ một giải đấu nghiệp dư nhằm mục đích tôn vinh thành tích và tinh thần thể thao.

Thay vì thưởng trực tiếp, IOC cung cấp rộng khắp phục vụ công tác phát triển thể thao lẫn vận động viên. Ủy ban tuyên bố: “Chúng tôi tái phân bố 90% tổng thu nhập của mình, đặc biệt cho các ủy ban Olympic quốc gia (NOC) và liên đoàn quốc tế (IF). Như vậy mỗi ngày sẽ có 4,2 triệu USD được dùng để giúp đỡ vận động viên cùng tổ chức thể thao mọi cấp độ. Mỗi IF và NOC tự quyết định cách phát triển thể thao lẫn vận động viên môn mình tốt nhất”.

Giáo sư luật Mark Conrad (Đại học Fordham) nhận định mô hình trên khó lòng thay đổi sớm: “Tôi không nghĩ đã đến lúc vận động viện Olympic được IOC thưởng tiền, vì IOC không xem họ là lực lượng lao động. Ở phương diện nào đó họ đang cung cấp chương trình giải trí cho công chúng đồng thời muốn cạnh tranh giành huy chương”.

Tuy nhiên, vận động viên vẫn kiếm được tiền nếu thi đấu thành công tại Olympic.

Olympic 2024 chứng kiến thay đổi

Liên đoàn Điều kinh quốc tế (WA) vào tháng 4 thông báo vận động viên giành huy chương vàng tại Olympic 2024 sẽ nhận được tiền thưởng. Đây là IF đầu tiên làm vậy.

WA lấy phần doanh thu mà IOC chia sẻ mỗi 4 năm để thưởng. Vận động viên giành huy chương vàng sẽ nhận về 50.000 USD, đội chạy tiếp sức cũng được số tiền tương đương (chia đều mỗi thành viên). Liên đoàn cam kết đến Olympic năm 2028 thưởng cả vận động viên giành huy chương bạc và đồng.

Hiệp hội Các liên đoàn Olympic mùa hè quốc tế (ASOIF) bày tỏ lo ngại cách làm trên làm suy yếu giá trị Olympic cũng như tính độc đáo của sự kiện thể thao này. Nhưng Hiệp hội Quyền anh quốc tế (IBA) noi gương WA với quyết định thưởng tiền cho vận động viên giành huy chương ở các giải đấu. Tiền thưởng cho huy chương vàng - bạc - đồng lần lượt là 100.000 USD - 50.000 USD - 25.000 USD, trong đó vận động viên đều nhận một nửa, còn lại cho huấn luyện viên và NOC.

Theo Chủ tịch IBA Umar Kremlev: “Vận động viên cùng nỗ lực của họ cần được đánh giá cao”.

Không thiếu tiền thưởng

Vào tháng 5, Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết vận động viên thường nhận được tiền thưởng từ NOC, cơ quan nhà nước, nhà tài trợ dựa trên thành tích của họ khi tham dự Olympic. Ông cùng đồng đội từng được Ủy ban Olympic quốc gia Đức thưởng tiền nhờ tấm huy chương vàng tại Olympic năm 1976.

Với thành tích tại Olympic năm 2022, các vận động viên Mỹ nhận về tổng cộng 5,6 triệu USD. Riêng mức thưởng của Ủy ban Olympic & Paralympic cho huy chương vàng - bạc - đồng lần lượt là 37.500 USD - 22.500 USD - 15.000 USD.

Theo Chủ tịch Bach, IOC tập trung phân bổ thu nhập còn NOC và IF (bên hưởng lợi chính từ thành công thương mại của Olympic) tự do lựa chọn cách thức khích lệ vận động viên cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho họ thi đấu.

Giáo sư Conrad chỉ ra rằng mô hình trên chưa hoàn hảo: tiền từ nhà tài trợ thường chỉ đến tay vận động viên là siêu sao, vận động viên ít tên tuổi hơn đôi lúc còn phải tự bỏ tiền túi để đi thi đấu.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tien-thuong-cho-van-dong-vien-gianh-huy-chuong-olympic-220764.html