Tiến tới chấm dứt cảnh xếp hàng chờ khám bệnh

Trong 5 năm tới, mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế là phấn đấu 100% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% triển khai tư vấn, khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến.

Mới đây, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo Chương trình chuyển đổi số Y tế quốc gia 2020, thông tin về Chương trình Chuyển đổi số Y tế quốc gia 2020 sẽ diễn ra vào 29 và 30/12 tới, trong bối cảnh dịch Covid-19 và Việt Nam đã tận dụng tối ưu các thành tựu về ứng dụng công nghệ thông tin, huy động nguồn lực xã hội, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy triển khai nhanh chóng kịp thời và hiệu quả.

Tại buổi họp báo, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, y tế là một trong những ngành đầu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số y tế là yêu cầu bắt buộc trước sự thay đổi mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0 với các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, in 3D… dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe.

Họp báo Chương trình chuyển đổi số Y tế quốc gia 2020

Họp báo Chương trình chuyển đổi số Y tế quốc gia 2020

Trong thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn...

Đến thời điểm này, 100% bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có 10 bệnh viện và một phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, trong đó Quảng Ninh có tới 3 bệnh viện (Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh Bãi Cháy, Bệnh viện Sản nhi), Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện đa khoa khu vực An Giang…

Tại Bệnh viện đa khoa An Giang, họp giao ban trên điện tử, mọi số liệu về số lượng bệnh nhân biến động trong ngày, đơn thuốc, thu chi… đều hiển thị đầy đủ nên lãnh đạo có thể can thiệp, điều chỉnh ngay hành vi của bác sĩ nếu có tình trạng lạm dụng kê đơn, chỉ định xét nghiệm quá mức…

“Ngoài ra, có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Một số bệnh viện đã sử dụng mạng xã hội trong tương tác bệnh nhân như thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; phát triển ứng dụng bệnh án điện tử cho bệnh nhân; ứng dụng điện toán đám mây ở Nghệ An, Tiền Giang, Kon Tum...”- Cục trưởng Trần Quý Tường cho biết.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cho tới nay đã có 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Trong lĩnh vực xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, nhiều tỉnh, thành phố đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như Phú Thọ, Bình Dương… Ngành cũng đã xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất; hình thành nền tảng quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế. Toàn ngành đã xây dựng thống kê y tế điện tử trên 36 tỉnh, thành phố. Trong năm 2021, sẽ đẩy mạnh tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hiện, ngành Y tế đang triển khai nhiều hệ thống thông tin lớn như mạng kết nối y tế Việt Nam (yte.gov.vn), hệ thống PACS cloud, ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến và nhiều ứng dụng thiết thực khác, triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc; triển khai hệ thống tiêm chủng quốc gia… hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành Y tế.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin cho biết, mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế 5 năm tới, phấn đấu 100% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến. Đến năm 2025, 15% (khoảng 210 bệnh viện/1.400 bệnh viện) chuyển đổi số thành công và phấn đấu đến 2030, tỷ lệ này tăng lên 50%.

K.Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tien-toi-cham-dut-canh-xep-hang-cho-kham-benh-116995.html