Tái diễn tình trạng xe quá tải lưu thông trên đê

Mùa mưa bão đã đến, bất chấp chỉ đạo của tỉnh, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, tình trạng xe cơ giới trọng tải lớn hoạt động trên các tuyến đê vẫn diễn ra phổ biến.

Vi phạm vẫn tái diễn

Với 3 sông lớn chảy qua (sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam), Bắc Giang có hơn 154 km đê trải dài qua nhiều huyện, thị xã, TP với chức năng chính là ngăn lũ, bảo vệ mùa màng và đời sống sinh hoạt của người dân. Các tuyến đê hình thành từ nhiều năm, vật liệu đắp nền, thân đê không đồng nhất nên hằng năm xuất hiện một số điểm lún, nứt, xung yếu cần được gia cố, bảo vệ. Đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua, mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ đê điều như lắp đặt các trụ barie, biển cấm xe ô tô có tổng trọng tải trên 12 tấn đi trên đê.

 Xe trọng tải lớn chở cát lưu thông trên đê tả Cầu, thuộc địa bàn thôn Yên Ninh, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa). Ảnh chụp lúc 6 giờ 55 phút ngày 29/6/2024.

Xe trọng tải lớn chở cát lưu thông trên đê tả Cầu, thuộc địa bàn thôn Yên Ninh, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa). Ảnh chụp lúc 6 giờ 55 phút ngày 29/6/2024.

Tuy nhiên qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trụ barie bị hư hỏng (đa số bị can thiệp làm cong gẫy hoặc phá bỏ thanh ngang) làm mất đi tác dụng ngăn chặn xe trọng tải lớn vượt mức quy định lưu thông. Việc chấp hành các quy định pháp luật của các chủ bến bãi chất tải vật liệu ở bãi sông chưa nghiêm; tình trạng xe trọng tải lớn, xe có dấu hiệu quá tải lưu thông trên các tuyến đê vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi như Hiệp Hòa, Yên Dũng, thị xã Việt Yên… đe dọa sự an toàn của các tuyến đê, nhất là trong mùa mưa bão.

Trên tuyến đê tả Cầu qua địa bàn các xã Xuân Cẩm, Đông Lỗ, Châu Minh (Hiệp Hòa), nhiều buổi sáng hoặc chiều muộn có hàng chục xe cơ giới chở cát trọng tải lớn lưu thông. Ông T, 70 tuổi, ở thôn Yên Ninh, xã Đông Lỗ bức xúc nói: “Nhà tôi ở ven đê nên thường xuyên chứng kiến xe ô tô có tải trọng lớn chạy rầm rập qua đây, trong khi biển báo quy định chỉ cho phép xe không quá 12 tấn chạy trên đê. Hoạt động này diễn ra trong thời gian dài, không chỉ làm biến dạng mặt đê mà còn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ kết cấu các tuyến đê”. Quan sát từ cống Yên Ninh (xã Đông Lỗ) đến trạm bơm Ngọ Khổng (xã Châu Minh) có nhiều điểm mặt đê bị nứt, võng, lún. Đáng chú ý, ngay tại cống Yên Ninh, lực lượng chức năng đã xây trụ barie nhưng các xe trọng tải hơn 12 tấn vẫn lách qua một cách dễ dàng.

Theo Thông tư số 54/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các loại xe cơ giới có tổng trọng tải vượt quá 12 tấn không được phép lưu thông trên đê (trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép).

Tương tự, tuyến đê tả Thương từ khu vực giáp ranh giữa xã Hương Gián (Yên Dũng) với xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) thường xuyên có xe trọng tải lớn chạy qua, kèm theo bụi mù mịt. Để qua mắt lực lượng chức năng, các bến bãi và người điều khiển phương tiện thường lợi dụng khung giờ chiều tối, ban đêm hoặc sáng sớm để hoạt động. Bên cạnh tình trạng xe trọng tải lớn thì còn nhiều bến bãi vật liệu xây dựng (VLXD) (có phép và không phép) ven đê vẫn đang hoạt động bất chấp quy định cấm.

Theo quy định của tỉnh, các bến bãi ven sông (được cấp phép) chỉ được hoạt động từ ngày 1/11 năm trước đến 15/6 năm sau. Thế nhưng thời điểm này, nhiều bến bãi tại một số địa phương vẫn hoạt động. Ngày 26/6, khảo sát tại phường Quang Châu (thị xã Việt Yên) vẫn còn 10 bãi tập kết cát, than hoạt động, trong đó bến bãi của Công ty TNHH Thương mại vận tải Chiến Thắng, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Tiến Hiển chưa được cấp phép. Huyện Hiệp Hòa có bến bãi của hộ ông Đào Văn Tân, xã Đông Lỗ; Phạm Công Hà, xã Hương Lâm vẫn có máy xúc, xe cơ giới ra, vào vận chuyển VLXD. Nhiều ý kiến cho rằng ở một số nơi có sự “làm ngơ” của chính quyền sở tại để các bến bãi, xe vi phạm ngang nhiên hoạt động.

Cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương

Để xảy ra vi phạm đê điều trước hết thuộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có bến bãi, phương tiện vận tải và cấp ủy, chính quyền một số địa phương có tuyến đê đi qua. 6 tháng đầu năm nay, lực lượng công an các địa phương đã tuần tra, xử lý 2.235 trường hợp xe cơ giới chở hàng quá tải, quá khổ, lắp thùng không đúng kích thước; tăng 310 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Trong số này có không ít xe chở VLXD quá trọng tải cho phép lưu thông qua các tuyến đê. Mặc dù xử phạt được nhiều trường hợp song thực tế số vụ vi phạm về đê điều vẫn tái diễn.

Lý giải nguyên nhân vì sao khó xử lý dứt điểm, ông Trần Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) cho rằng, do địa điểm xảy ra vi phạm ở xa khu dân cư, thường vào thời điểm chiều tối hoặc sáng sớm, cán bộ xã kiêm nhiệm nhiều việc nên khó phát hiện, xử lý. Trong khi nhu cầu mua cát, sỏi xây dựng công trình của người dân rất lớn. Mặt khác, lợi nhuận kinh doanh VLXD lớn; mức xử lý đối với các chủ bến bãi vi phạm quy định về đê điều, phòng, chống thiên tai chưa đủ sức răn đe.

Cá biệt như trường hợp ông Nguyễn Duy Sỹ, chủ bến cát, sỏi chưa được cấp phép ở xã Hương Gián (Yên Dũng). Tính từ tháng 10/2023 đến tháng 1/2024, ông Sỹ đã bị Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng xử phạt hành chính 2 lần với tổng số tiền 90 triệu đồng, đồng thời yêu cầu dừng ngay hoạt động tập kết vật liệu trên bãi sông, song những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vẫn thấy bến không phép này hoạt động, chủ yếu vào buổi trưa và chiều tối với nhiều xe trọng tải lớn chở nguyên vật liệu vào, ra.

Nhằm bảo vệ các tuyến đê trong mùa mưa bão năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP có đê tập trung cao chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn khẩn trương kiểm tra, rà soát, sửa chữa, lắp dựng bổ sung các barie bị hư hỏng; giao nhiệm vụ cho người có trách nhiệm quản lý và bảo vệ.

Theo ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Việt Yên, toàn thị xã có 18 trụ barie hạn chế tải trọng. Hiện đơn vị đã chỉ đạo các xã, phường có đê tập trung khôi phục, lắp đặt lại các trụ barie bị hỏng; giao cho cán bộ, người dân ở địa bàn sở tại quản lý. Tuyên truyền đến các chủ bến bãi cam kết dừng hoạt động trong mùa mưa bão, ngăn chặn xe có tổng trọng tải vượt quy định chạy trên đê. Tại Yên Dũng, trước vi phạm nhiều lần của hộ ông Nguyễn Duy Sỹ, ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện cho biết huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng củng cố hồ sơ để cưỡng chế trường hợp này.

Được biết, từ nay đến hết năm, công an các huyện, thị xã, TP mở chuyên đề tuần tra, xử lý xe quá tải vận chuyển vật liệu trên đê. Lực lượng chức năng đầu tư thêm cân tải trọng, camera giám sát để có bằng chứng phạt nguội, kiên quyết ngăn chặn, xử lý xe quá trọng tải tham gia giao thông trên đê; điều tra, truy tìm, xử lý nghiêm hành vi phá hoại barie. Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: "Đơn vị tiếp tục chỉ đạo hạt quản lý đê các địa phương tăng cường cử cán bộ, nhân viên tổ chức tuần tra, giám sát, củng cố dữ liệu, phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm".

Cùng với các giải pháp trên, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cần khẩn trương áp dụng biện pháp cứng rắn như cắt, lấp dốc, lập hàng rào vào các bến bãi không phép ven đê; thiết lập hồ sơ xử lý hành chính, xử phạt nghiêm đối với chủ bến bãi vi phạm, xe cơ giới quá trọng tải lưu thông trên đê. Đối với trường hợp cá nhân, tổ chức tái phạm nhiều lần, cần lập hồ sơ chuyển cơ quan công an xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự. Với những đơn vị, địa phương để tái diễn, xảy ra nhiều vi phạm đê điều, cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương.

Bài, ảnh: Nhóm PVKT

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tai-dien-tinh-trang-xe-qua-tai-luu-thong-tren-de-100253.bbg