Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Yên Bái chọn hướng đi cho ngày mới

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái luôn phát huy truyền thống đoàn kết, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực tận dụng thời cơ, vượt qua mọi thách thức, đưa nền kinh tế từng bước phát triển mạnh mẽ.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, mặc dù gặp không ít khó khăn như tình hình thời tiết biến đổi cực đoan, rét đậm, rét hại kéo dài, lũ ống, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất nghiêm trọng, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch COVID-19... ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã phát huy truyền thống đoàn kết, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực tận dụng thời cơ, vượt qua mọi thách thức, đưa nền kinh tế từng bước phát triển mạnh mẽ.

Thực hiện hiệu quả ba bước đột phá chiến lược

Thành phố Yên Bái khang trang, hiện đại. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Thành phố Yên Bái khang trang, hiện đại. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tỉnh Yên Bái xác định cải cách hành chính có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương nên đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ ở tất cả các ngành, các lĩnh vực từ tỉnh đến cơ sở.

Qua đó đã thu được kết quả tích cực như hoàn thành ra soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, các quy hoạch ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh; đổi mới mạnh mẽ phương tổ chức thực hiện chính sách theo hướng công khai, minh bạch; đưa Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, xã vào hoạt động liên thông, giải quyết 100% thủ tục hành chính với tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên 99%...

Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ. Trong 5 năm qua, tỉnh Yên Bái đã huy động hơn 50.000 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực này kết cấu hạ tầng, tập trung cho các dự án trọng điểm, tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các công trình khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; hoàn thành và đưa vào khai thác gần 1.200 công trình hạ tầng đô thị, nông thôn mới, thủy lợi, trường học, y tế; hoàn thành 2 cầu bắc qua sông Hồng, gần 300 km đường tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị...

Ngày 21/9/2020, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức khởi công công trình đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Ngày 21/9/2020, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức khởi công công trình đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tỉnh cũng đầu tư mở rộng mạng lưới truyền tải điện đến gần 92% thôn, bản trong toàn tỉnh với trên 95% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Hạ tầng thông tin, viễn thông được đầu tư đồng bộ, 100% các xã có trạm BTS cung cấp dịch vụ 3G, 4G; tất cả các xã và 80% thôn, bản có cáp quang băng thông rộng cung cấp dịch vụ internet; 100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ, kết nối internet tốc độ cao...

Trong phát triển nguồn nhân lực, Yên Bái tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm. Thực hiện hiệu quả yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo... Yên Bái hiện có trên 53,2 vạn lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63%, vượt 3% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.

Yên Bái cũng tập trung cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc sắp xếp, tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, chuyên môn và yêu cầu vị trí việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh đã xây dựng Đề án 11 về quan tâm đào tạo nguồn nhân lực trẻ, nữ và là người dân tộc thiểu số, đến nay đã có những cán bộ nguồn được quy hoạch vào Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIX.

Kinh tế phát triển đồng bộ, toàn diện

Nhờ thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, nền kinh tế của Yên Bái phát triển khá đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, quy mô sản xuất hàng hóa ngày một tăng. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP) giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước đó chỉ đạt 5,71%/năm. Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm nay ước đạt hơn 33.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, GRDP bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng Sơn Tra tại huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái). Ảnh: Việt Dũng/TTXVN

Hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng Sơn Tra tại huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái). Ảnh: Việt Dũng/TTXVN

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm). Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật với 2 đơn vị cấp huyện đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đưa Yên Bái đã trở thành điểm sáng trong các tỉnh vùng Tây Bắc

Công nghiệp có bước phát triển khá, được cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, hình thành một số sản phẩm chủ lực, lợi thế. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt 13.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015; chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,6%, cao hơn giai đoạn trước.

Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh và khá đa dạng. Tài chính, ngân hàng tiếp tục tăng trưởng khá, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2020 ước đạt trên 3.600 tỷ đồng, vượt 20% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XVIII đề ra.

Chọn hướng đi cho ngày mới

Thành phố Yên Bái nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN

Thành phố Yên Bái nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN

Từ những kết quả đã đạt được, Yên Bái đang tiếp tục tiến bước trên chặng đường tiếp theo. Đại hội lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 với chủ đề: "Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc" đang mở ra nhiều mũi nhọn: chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng nhanh, bền vững; qui hoạch chiến lược phát triển tổng thể kinh tế - xã hội gắn với các trọng điểm kinh tế để khai thác thế mạnh trong tầm nhìn dài hạn.

Tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại gắn với xây dựng nông thôn văn minh giàu đẹp, phấn đấu đến 2025 có 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; công nhận 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Văn Yên và huyện Yên Bình), thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành xây dựng nông thôn mới... Công nghiệp, phát triển nhanh theo hướng hiện đại, thích ứng và hội nhập nhanh, ưu tiên những ngành có nhiều sản phẩm lợi thế, có ý nghĩa chiến lược và bền vững...

Con đường phía trước đang mở ra những bước đi đầy triển vọng để Yên Bái tiếp tục vươn tới mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025.

Đức Tưởng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dia-phuong/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang-yen-bai-chon-huong-di-cho-ngay-moi-20200922102456018.htm