Tiến tới phê chuẩn EVFTA: Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội
Đây là khuyến nghị được đưa ra tại Tọa đàm 'Cập nhật EVFTA: Tiến trình hướng tới phê chuẩn và thực thi EVFTA và các vấn đề trọng tâm về thương mại và phát triển bền vững', sáng 1/11.
Tọa đàm do Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển (IPS) cùng Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) và Viện Friedrich Ebert Stifung (FES) phối hợp tổ chức tại Hà Nội nhân chuyến công tác tới Việt Nam của ông Lange Bernd, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị viện châu Âu (INTA) và đoàn của INTA nhằm đánh giá sự chuẩn bị của Việt Nam với công tác phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam.
Dự kiến, INTA sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc thông qua hai hiệp định vào ngày 31/1/2020 và Hiệp định dự kiến được phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội của Việt Nam vào tháng 5/2020.
Đã có những hiểu biết chung
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Lange Bernd cho rằng từ góc độ của Nghị viện châu Âu (EP), mỗi FTA phải mang tính toàn diện, không chỉ về thuế quan, mà còn cả vấn đề thương mại công bằng và bền vững. Trong hiệp định EVFTA với Việt Nam, Hiệp định có Chương 13 (về thương mại và phát triển bền vững) còn tồn tại nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Bởi vậy, EP sẽ có cuộc thảo luận về các quan điểm xoay quanh hiệp định này vào ngày 6/11. Quá trình phê chuẩn sẽ kéo dài trong 3 tháng tới và đây là quá trình trao đổi khá “gai góc”. EP mong muốn có cùng cách hiểu với Việt Nam về một số vấn đề hiện vẫn chưa rõ ràng tại Chương 13.
Trong quá trình thảo luận, EP và Việt Nam cần phải đảm bảo EVFTA có đầy đủ các quyền của người lao động với những quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Các hoạt động thương mại phải đem lại lợi ích cho người dân và người lao động ở cấp cơ sở, chứ không chỉ là các đại gia kinh tế.
"Trong quá trình thảo luận với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi thấy rằng đã có những hiểu biết chung, gắn kết sửa đổi Bộ luật Lao động và sẽ phê chuẩn hai Công ước ILO đó. Quốc hội Việt Nam cũng dự kiến sẽ bỏ phiếu về việc sửa đổi Bộ luật Lao động ngay trong kỳ họp lần này, mở đường cho việc phê chuẩn 2 công ước ILO đó. Đây sẽ là bước tiến rất lớn để thuyết phục các nước thành viên EU bỏ phiếu cho EVFTA", ông Lange Bernd nói.
Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội
Bên cạnh những đánh giá tích cực, Chủ tịch INTA chia sẻ những tồn tại trong việc đảm bảo quyền của người lao động tại EU, điển hình là thông qua vấn đề buôn bán người và bóc lột lao động được dư luận quan tâm thời gian qua.
Ông Lange Bernd nhấn mạnh: Thực thi quyền lao động không phải là vấn đề một chiều mà là nghĩa vụ ngang nhau của mỗi nước EU. Bản thân EU cũng phải làm tốt chứ không chỉ nhìn sang bên phía đối tác và bảo họ phải làm gì. Các nước EU cũng nhận thấy những vấn đề liên quan tới quyền của người lao động, di cư, di trú bất hợp pháp. Các nước phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của mình bên trong EU.
Khuyến nghị cho Việt Nam, ông Jan Zahradil, Phó Chủ tịch INTA cho rằng các tháng tới đây là giai đoạn có ý nghĩa lịch sử với EVFTA khi EP đưa ra quyết định cuối cùng: “Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội để phát đi những thông điệp tích cực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phê chuẩn hiệp định”.