Tiến tới số hóa 100% hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước
Trong Chiến lược Phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu cải cách, hiện đại hóa chức năng quản lý ngân quỹ nhà nước. Theo đó, Kho bạc Nhà nước đang tiếp tục đưa ra một số định hướng và giải pháp để hiện đại hóa công tác này, tiến tới số hóa 100% hoạt động quản lý ngân quỹ.
Đóng góp vào ngân sách gần 19.000 tỷ đồng
Triển khai Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 và Nghị định số 24/2016/NĐ-CP (NĐ 24) của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN), KBNN đã từng bước cải cách công tác quản lý ngân quỹ theo hướng an toàn và hiệu quả. Trên cơ sở hình thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung, vào cuối ngày làm việc, KBNN đã tập trung toàn bộ số dư ngân quỹ từ địa phương về trung ương và gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc làm này một mặt giúp cho việc điều hành thanh khoản NQNN, mặt khác đã hỗ trợ NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, ổn định thị trường ngoại hối.
Thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm
Cải cách, hiện đại hóa chức năng quản lý NQNN là một trong những giải pháp đặt ra tại Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2030. Với định hướng đó, KBNN đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm, nổi bật là mở rộng phạm vi đầu tư, đi vay NQNN; thực hiện giao dịch đầu tư, đi vay NQNN theo nguyên tắc thị trường; giảm dần số dư NQNN nhàn rỗi, tối ưu hóa lợi ích sử dụng NQNN.
Đồng thời, KBNN đã thực hiện theo quy định việc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi theo thứ tự ưu tiên: Tạm ứng, cho vay NQNN cho ngân sách trung ương (NSTW), ngân sách cấp tỉnh; gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại (NHTM) có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của NHNN; mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP).
Về công cụ để xử lý NQNN tạm thời thiếu hụt, KBNN thực hiện phát hành tín phiếu kho bạc và thu hồi trước hạn các khoản đang gửi có kỳ hạn tại NHTM.
Theo đánh giá từ KBNN, việc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho NSTW tạm ứng/vay trong thời gian vừa qua đã đáp ứng được nhu cầu cân đối của NSTW theo chủ trương giảm nợ vay nước ngoài, tăng huy động từ nguồn vay trong nước. Trong bối cảnh phát hành TPCP gặp nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã huy động tối đa các nguồn vốn tài chính nhàn rỗi khác, trong đó có nguồn NQNN. Qua đó, vừa đảm bảo mục tiêu đáp ứng cân đôi ngân sách, vừa ổn định mặt hàng lãi suất chung, giúp giảm áp lực phát hành TPCP trên thị trường, tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN, gắn kết chặt chẽ giữa quản lý NQNN với quản lý NSNN và quản lý nợ.
Việc tạm ứng NQNN cho ngân sách cấp tỉnh giúp các địa phương có thêm một kênh huy động vốn ngắn hạn với nhiều lợi ích quan trọng như: Đảm bảo khả năng thanh khoản cho ngân sách địa phương khi nguồn thu chưa tập trung kịp thời; giảm chi phí vay cho ngân sách địa phương so với việc huy động từ các nguồn lực khác…
Cũng theo KBNN, từ khi triển khai Luật NSNN, Nghị định 24, công tác quản lý NQNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính của nhà nước, gắn kết chặt chẽ với quản lý NSNN. Đặc biệt, việc sử dụng các công cụ giao dịch NQNN đã giúp KBNN tham gia tích cực hơn vào thị trường tài chính, tiền tệ; đồng thời tăng cường vai trò và vị thế của KBNN trong hệ thống tài chính nhà nước. Đến nay, KBNN đã đóng góp vào NSTW gần 19.000 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động của lĩnh vực này. Riêng trong năm 2023, NQNN đã cho NSTW vay 71.973 tỷ đồng; tổng số NQNN đã gửi tại hệ thống NHTM là 959.891 tỷ đồng; nộp vào NSTW 6.060 tỷ đồng.
Hiện đại hóa hoạt động quản lý ngân quỹ
Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu cải cách, hiện đại hóa chức năng quản lý ngân quỹ nhà nước. Theo đó, KBNN đang tiếp tục đưa ra một số định hướng và giải pháp để hiện đại hóa công tác QLNQ phù hợp với tiến trình phát triển của KBNN đã được đề ra trong chiến lược.
Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ KBNN cho biết, KBNN đang tiếp tục cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và thu, chi của các quỹ tài chính nhà nước qua tài khoản thanh toán tập trung của KBNN, đảm bảo minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, KBNN hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung phù hợp với lộ trình xây dựng, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia, đáp ứng yêu cầu thanh toán thông suốt của Chính phủ; đảm bảo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày toàn bộ số dư NQNN được tập trung về tài khoản của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, KBNN từng bước cải thiện chất lượng dự báo và thực hiện dự báo luồng tiền theo ngày. Mở rộng phạm vi đầu tư; thực hiện giao dịch đầu tư, đi vay NQNN theo nguyên tắc thị trường; giảm dần số dư NQNN nhàn rỗi, tối ưu hóa lợi ích sử dụng NQNN; gắn kết chặt chẽ giữa quản lý NQNN với quản lý ngân sách và quản lý nợ nhằm giảm chi phí và rủi ro nợ vay, tăng cường tính hiệu quả, an toàn, bền vững của hệ thống quản lý tài chính công và nâng cao dư địa tài khóa; thiết lập khung quản lý rủi ro hiện đại, đảm bảo các rủi ro trong quản lý NQNN được nhận diện, đánh giá đầy đủ, kịp thời và có chính sách giảm thiểu rủi ro phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Lưu Hoàng, trước mắt trong năm 2024, KBNN sẽ bám sát tiến độ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 24 về chế độ quản lý NQNN. Trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số thông tư liên quan đến hoạt động quản lý ngân quỹ trên cơ sở nội dung của Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 24 được Chính phủ ban hành.
Ngoài ra, KBNN tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy trình nghiệp vụ: Quy trình quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý NQNN; quy trình gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM; quy trình nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP từ nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi của KBNN phù hợp với nội dung sử đổi, bổ sung NĐ 24 và các thông tư hướng dẫn về quản lý NQNN.
Bên cạnh đó, KBNN chủ động xây dựng, trình Bộ Tài chính phương án điều hành NQNN năm 2024 và hàng quý đảm bảo nhu cầu thanh toán chi trả của NSNN. Triển khai hiệu quả các nghiệp vụ sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi theo phương án được Bộ Tài chính phê duyệt; thực hiện tốt quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ. Quản lý hiệu quả việc mở và sử dụng tài khoản của KBNN tại các hệ thống ngân hàng theo quy định.
Đã thực hiện gần 700 đợt đấu thầu giao dịch
Sau hơn 3 năm nâng cấp, mở rộng (từ năm 2020 đến năm 2023), hệ thống quản lý NQNN của KBNN đã thực hiện gần 700 đợt đấu thầu giao dịch NQNN. Tất cả thông tin, dữ liệu của đối tác, nhà đầu tư; giao dịch ngân quỹ; hợp đồng… được lưu trữ trên hệ thống, đảm bảo việc tra cứu hồ sơ 24/7.
KBNN cho biết, dữ liệu này là cơ sở quan trọng cho việc hình thành cơ sở dữ liệu hoạt động nghiệp vụ quản lý ngân quỹ của KBNN, tiến tới áp dụng những công cụ phân tích dữ liệu chuyển đổi dữ liệu thô thành thông tin chuyên sâu hữu ích trong việc quản lý rủi ro, đánh giá lựa chọn đối tác tin cậy, an toàn, hiệu quả.
Theo định hướng Chiến lược Phát triển đến năm 2030, KBNN đang nghiên cứu, triển khai đa dạng hóa công cụ giao dịch NQNN để cải cách, hiện đại hóa chức năng quản lý NQNN. Theo đó, KBNN phát hành thường xuyên tín phiếu kho bạc để cân đối dòng tiền của Chính phủ; bổ sung thêm các công cụ giao dịch NQNN gồm giao dịch bán lại có kỳ hạn TPCP; thiết lập hạn mức thấu chi trên tài khoản của KBNN tại ngân hàng để bù đắp NQNN tạm thời thiếu hụt; gửi tiền có kỳ hạn tại NHNN để sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi. Đồng thời, đa dạng hóa kỳ hạn và nhà đầu tư đối với các nghiệp vụ gửi tiền có kỳ hạn và mua lại có kỳ hạn TPCP hiện tại.