Tiến trình đàm phán hạt nhân Iran lại gặp trắc trở

Hội nghị đàm phán tại Vienna về việc khôi phục lại Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đã tạm dừng từ hôm 4-12 để các phái đoàn đàm phán quay trở về nước tham vấn ý kiến của lãnh đạo trước khi quay trở lại và quyết định có tiếp tục đàm phán hay không. Nguyên nhân được cho là do phía Iran đưa ra các yêu cầu quá cao.

Đây được xem là một bước chững lại của vòng đàm phán Vienna thứ 7, qua đó làm dấy lên lo ngại khả năng đổ vỡ dàm phán tái diễn. Vòng đàm phán Vienna thứ 7 được khởi động lại vào đầu tháng 12-2021 sau 5 tháng gián đoạn, với sự tham gia thảo luận của đại diện của Iran và các cường quốc Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp và EU. Theo yêu cầu của Iran, phái đoàn Mỹ không được phép tham dự hội nghị đàm phán trực tiếp mà phải tham dự gián tiếp từ bên ngoài hội trường.

Giới quan sát cho rằng những trắc trở trong tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran luôn xảy ra và đều xuất phát từ những bất đồng giữa hai quốc gia chủ chốt trong thỏa thuận là Mỹ và Iran. Trục trặc lần này xuất phát từ việc phái đoàn Iran đưa ra các điều kiện đàm phán mới quá cao khiến các đối tác bất ngờ. Vì thế, các phái đoàn đàm phán đã phải quay về nước để tham vấn ý kiến của lãnh đạo nước mình.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Phái đoàn Mỹ cáo buộc phía Iran đã thu hồi lại toàn bộ các nhượng bộ mà nước này đã chấp nhận qua 6 vòng đàm phán Vienna trước đây. Chính phủ mới của Iran đã đưa ra các văn bản mới có nhiều sửa đổi về các lệnh trừng phạt yêu cầu Mỹ dỡ bỏ, cũng như các đề xuất mới về những gì Iran sẽ phải làm để trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân. Văn bản thứ 3 là về các tiêu chuẩn, định mức bao gồm định mức xuất khẩu dầu và giao dịch ngoại tệ sẽ phải được đáp ứng trước khi Iran đánh giá xem các lệnh trừng phạt có được dỡ bỏ một cách hiệu quả hay chưa.

Các nhà ngoại giao EU cho biết các đề xuất yêu cầu Mỹ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt do Tổng thống Joe Biden áp đặt rõ ràng không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, do đó thể hiện thái độ cứng rắn của Iran đối với các yêu cầu đã được đồng ý trong 6 vòng đàm phán trước đây.

Trong khi đó, phương Tây cũng thể hiện thái độ cứng rắn đối với Iran. Trước khi quay trở lại tiếp tục đàm phán vào ngày 8-12, các nước phương Tây đang cân nhắc việc đưa Iran ra cuộc họp khẩn cấp tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với cáo buộc nước này vi phạm các nghĩa vụ theo thỏa thuận năm 2015. Có thể Iran sẽ phản ứng với một tham chiếu như vậy bằng cách rút khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và từ chối gia nhập lại trừ khi Israel cũng phải tham gia.

Đồng thời, Iran cũng quyết định tiếp tục xúc tiến việc làm giàu uranium bất chấp những lơi cảnh báo của các đối tác đàm phán. Phía Iran không giải thích cho việc đưa ra các yêu cầu mới đồng thời thu hồi lại những nhượng bộ đã có trước đó. Các quan chức Iran khẳng định 2 văn bản chính về lệnh trừng phạt và nghĩa vụ hạt nhân của Iran mà nước này nêu ra tại cuộc đàm phán ở Vienna là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận hạt nhân, đồng thời cho rằng rào cản thực sự là việc Mỹ từ chối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Cuối tuần trước, phía Mỹ khẳng định vẫn sẽ thúc đẩy một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng điều hành Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trước cuối năm nay nếu Iran không khôi phục mức độ tiếp cận thích hợp cho phái đoàn thanh sát hạt nhân của IAEA. Đây là một trong những vấn đề mấu chốt trong việc thực thi Thỏa thuận hạt nhân 2015, nhằm đảm bảo việc kiểm soát của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Mỹ cũng đang phải xử lý các yêu cầu của Israel về việc Mỹ công nhận Iran có liên quan đến việc hạt nhân. Thủ tướng Israel Naftali Bennett nói với nội các Israel rằng ông muốn các cuộc đàm phán ở Vienna bị hoãn lại cho đến khi Iran ngừng việc làm giàu uranium. Ông nói: “Iran phải bắt đầu trả giá cho những vi phạm của mình”.

Một cuộc tấn công quân sự của Israel vào các địa điểm hạt nhân của Iran có thể sẽ chấm dứt mọi cơ hội gây áp lực hiệu quả của Nga hoặc Trung Quốc đối với Iran để thay đổi chiến thuật đàm phán.

Giới chức ở Mỹ cũng như nhiều nước cho rằng quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 của Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump là hành động vô tình phá vỡ mọi ràng buộc hạt nhân đối với Iran. “Ý nghĩa của nó là đã mở ra cánh cửa cho một chương trình hạt nhân không bị kiểm soát, không bị hạn chế của Iran. Điều này rõ ràng là không đúng trong khi Mỹ và Iran đều tuân thủ thỏa thuận”.

Ông Ali Bagheri Kani, trưởng phái đoàn đàm phán hạt nhân Iran, cho rằng việc Iran đưa ra các văn bản chứa đựng các yêu cầu mới hoàn toàn không vượt quá khuôn khổ thỏa thuận đã đạt được năm 2015. Ông Kani cũng khẳng định Iran tham gia đàm phán hướng đến thỏa thuẫn chung, toàn diện với các cam kết thiện chí từ tất cả các bên. Iran muốn Mỹ phải thể hiện rõ quyết tâm gỡ bỏ các lệnh trừng phạt bất công, phi lý để Iran có thể tin tưởng rằng Nhà Trắng nghiêm túc trong việc quay trở lại với Thỏa thuận hạt nhân 2015. Đại diện Iran cũng cho rằng Tehran đã chấp nhận nhượng bộ nhưng sự nhượng bộ đó không tương xứng với những gì Iran nhận lại được. Mặt khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuy thể hiện quan điểm đối thoại, đàm phán với Iran, muốn quay trở lại với thòa thuận hạt nhân nhưng vẫn tiếp tục duy trì các chính sách cứng rắn như thời ông Trump, thậm chí áp đặt thêm một số biện pháp trừng phạt mới. Điều này khiến ban lãnh đạo Iran không hài lòng, không yên tâm với các nhượng bộ đã đưa ra trước đây.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/tien-trinh-dam-phan-hat-nhan-iran-lai-gap-trac-tro-i637272/