Tiền trước, quyền sau
Tỉ phú Elon Musk đã can dự trực tiếp vào chuyện chính trị nước Mỹ và dường như còn buộc ông Donald Trump nghe theo
Chưa chính thức nhậm chức tổng thống, ông Donald Trump đã gây ra nhiều ảnh hưởng trên chính trường nước Mỹ. Trước tiên, ông tuyên cáo những quyết sách như thể chính mình là tổng thống đương nhiệm chứ không phải ông Joe Biden. Rồi ông Trump can thiệp trực tiếp vào chuyện quốc hội thông qua dự luật về ngân sách.
Điều còn đáng được để ý đến hơn là những hành động của tỉ phú Elon Musk. Người này vừa đứng sau, vừa đồng hành lại vừa đi trước ông Trump trong việc gây ra những xáo trộn trên.
Theo Ủy ban Bầu cử Mỹ, ông Musk đã chi hơn 260 triệu USD để hỗ trợ chiến dịch tranh cử tổng thống vừa rồi của ông Trump, chiếm khoảng 1/4 tổng số tiền ông Trump nhận về cho cuộc vận động.
Hiện là người giàu nhất thế giới, tỉ phú Musk có ảnh hưởng cá nhân không hề nhỏ ở Mỹ. Tiền của và ảnh hưởng cá nhân của ông Musk đã góp phần quyết định vào chiến thắng vừa qua của ông Trump, đổi lại bản thân ông Musk cũng kiếm về bộn tiền.
Nhưng xem ra, cái mà ông Musk muốn có được trong việc đầu tư và cá cược vào hành trình trở lại quyền lực của ông Trump không chỉ là tiền mà còn là quyền lực.
Tỉ phú Musk và ông Trump chẳng khác gì hình với bóng trong suốt chiến dịch vận động tranh cử. Tiếp đó, họ luôn sát cánh bên nhau trong suốt quá trình ông Trump chọn lựa nhân sự cho đội ngũ cộng sự.
Ông Elon Musk gần như đã trở thành một phần của gia đình ông Donald Trump. Đương nhiên, ông Trump phải đền ơn, đáp nghĩa tỉ phú Musk đầy đủ và thỏa đáng.
Vì không thể bổ nhiệm ông Musk đảm trách cương vị, chức vụ nào đấy trong bộ máy công quyền, ông Trump sáng tạo ra một cơ quan mới, gọi tên như một bộ trong chính phủ nhưng lại ở ngoài chính phủ, không quản lý mà chỉ mang tính tư vấn. Chỉ thế thôi cũng đủ thấy cái gì cũng có giá của nó!
Về dự luật ngân sách tạm thời mới đây, thiên hạ không thể không đặt ra câu hỏi ai đã dẫn dắt ai giữa ông Trump và ông Musk. Trước tiên, ông Trump đồng ý với dự luật mà Đảng Cộng hòa thỏa hiệp được với Đảng Dân chủ trong hạ viện và chuyện này cứ tưởng đã suôn sẻ.
Vậy mà sau khi ông Musk bất ngờ chống đối dự luật, ông Trump lập tức trở cờ và có động thái tương tự, buộc Đảng Cộng hòa phải đưa ra dự thảo mới nhưng rồi dự thảo này không được hạ viện thông qua, đẩy chính phủ đến sát bờ vực đóng cửa.
Khúc dạo đầu đã như thế thì không biết sắp tới sẽ thế nào. Tỉ phú Musk đã can dự trực tiếp vào công chuyện chính trị trong nước và dường như còn buộc ông Trump nghe theo. Vị tổng thống sắp nhậm chức phải e ngại và nể nang đến mức nào thì mới để tỉ phú hào phóng kia dẫn dắt như thế.
Ông Musk phải tự tin vào uy quyền, ưu thế và ảnh hưởng của chính mình đối với ông Trump đến mức độ nào thì mới dám và có thể chơi tất tay như thế với quốc hội và cả với ông Trump.
Cả hai đều muốn tận hưởng quyền lực và thích thú thể hiện quyền lực. Nếu cùng ở trong cuộc chơi như hiện tại thì bất hòa đã được lập trình sẵn, thời kỳ trăng mật sẽ kết thúc sớm chứ không muộn và rồi không tránh khỏi cảnh "yêu nhau lắm thì cắn nhau đau".
Tuy nhiên, hiện tại chưa đến nỗi thế, giữa ông Musk và ông Trump vẫn còn rất ứng với câu "bỏ tiền mua quyền lời lớn".
Chính phủ thở phào
Thượng viện Mỹ hôm 21-12 đã thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn nhằm giúp chính phủ không phải đóng cửa một phần. Theo đài ABC News, dự luật này được thông qua tại Thượng viện lúc 0 giờ 38 phút (giờ địa phương), tức quốc hội chính thức trễ 38 phút so với hạn chót nửa đêm 20-12 để ngăn kịch bản trên xảy ra.
Vài giờ trước hạn chót, Hạ viện đã thông qua dự luật trên, theo đó chính phủ có ngân sách hoạt động đến ngày 14-3-2025. Ngoài ra, dự luật cấp 100 tỉ USD cho cứu trợ thảm họa, 30 tỉ USD cho nông dân và gia hạn thêm một năm Đạo luật nông nghiệp 2018. Dự luật vẫn cần chữ ký của Tổng thống Joe Biden để có hiệu lực nhưng trên thực tế, việc chính phủ đóng cửa đã được ngăn chặn kể từ khi dự luật qua ải quốc hội.
"Sau vài ngày hỗn loạn ở Hạ viện, thật tốt khi cách tiếp cận lưỡng đảng cuối cùng đã chiếm ưu thế. Đây là một bài học tốt cho năm sau: Cả hai bên phải hợp tác với nhau" - ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số của Đảng Dân chủ tại Thượng viện, nhận định về cuộc bỏ phiếu. Trước đó vài ngày, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã nhất trí về dự luật ngân sách ngắn hạn nhưng Tổng thống đắc cử Donald Trump và đồng minh Elon Musk đã phản đối nó. Đến ngày 19-12, Hạ viện không thông qua được phiên bản điều chỉnh, trong đó có đề xuất tạm đình chỉ trần nợ công trong 2 năm theo đòi hỏi của ông Trump.
Trần nợ công đã trở thành vấn đề gây chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Một số thành viên đảng này lo ngại rằng việc gia hạn hoặc loại bỏ trần nợ công sẽ dẫn đến nguy cơ chính phủ chi tiêu không kiểm soát. Chính phủ liên bang đã chi khoảng 6.200 tỉ USD vào năm ngoái và hiện gánh khoản nợ hơn 36.000 tỉ USD.
Việc thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn nói trên đánh dấu sự kết thúc của quốc hội Mỹ khóa 118. Thượng viện sẽ nghỉ lễ và trở lại vào ngày 3-1-2025. Khi đó, quốc hội khóa 119 sẽ tuyên thệ nhậm chức và cần phải hành động trước giữa năm để cho phép chính phủ vay thêm tiền.
Hoàng Phương
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tien-truoc-quyen-sau-19624122120345456.htm