Tiến về Sài Gòn
Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - TP HCM hôm nay, tôi đắm chìm trong nỗi nhớ công việc phóng viên chiến trường của mình ngày 30-4-1975
Như một phản xạ tự nhiên khi nói về báo chí góp phần làm nên chiến thắng 30-4-1975, trong tôi lại hiện lên ngồn ngộn kỷ niệm một thời đã qua. Cả cuộc đời làm báo, nay tuổi đã ngoài 75 nhưng tôi vẫn hãnh diện, tự hào về những năm tháng làm phóng viên (PV) chiến trường.
I. Mùa xuân 1975, tôi là PV quân sự thuộc Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị. Tin - bài của chúng tôi phát qua TTXVN. Ra Tết, tôi nhận được lệnh "Chuẩn bị đi mặt trận Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế". Từ năm 1972, tôi đã là một sĩ quan được giao nhiệm vụ làm PV quân sự, chuyện ra mặt trận không có gì bất ngờ.
Những ngày đầu tháng 3-1975, tin tức chiến thắng từ chiến trường Tây Nguyên và trận đánh giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột làm nức lòng hậu phương. Giữa tháng 3, chúng tôi rời Hà Nội lên đường. Tôi và PV Hoàng Thiểm được phân công cùng đi một mũi vào Quảng Trị.




Những bức ảnh ấn tượng của nhà báo Ngọc Đản về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Đại thắng mùa xuân 1975
Rạng sáng 26-3-1975, chúng tôi cùng một tốp PV TTXVN tiến vào Huế. Suốt đêm 25, chúng tôi vượt sông Mỹ Chánh (cầu đã bị phá hủy) rồi chạy bộ vào Huế. Sau những ngày hành quân gian khổ, chúng tôi thở không ra hơi. May mà anh Lâm Hồng Long, nhà nhiếp ảnh lớn tuổi nhất đoàn, còn ít củ sâm chia cho mỗi người một lát mỏng để ngậm nên còn sức.
Những giờ phút đầu tiên Huế giải phóng - ghi lại qua nhiều tấm ảnh chúng tôi chụp được trên đường phố trong tiếng đạn, pháo nổ - giờ đây còn lưu lại như những chứng nhân lịch sử. Sau gần 4 - 5 giờ hoạt động, theo quy định, chúng tôi gặp nhau và cử người đưa tài liệu về Hà Nội.
Sáng 29-3-1975, chúng tôi có mặt ở Đà Nẵng sau khi vượt đèo Hải Vân bằng xe Honda. Dọc đường, thỉnh thoảng những loạt súng của tàn quân địch lại réo qua sườn núi. Chúng tôi vẫn bình tĩnh vì được biết từ ngày 23, Đà Nẵng đã trở nên hỗn loạn. Địch buộc phải bỏ kế hoạch co cụm ở Đà Nẵng và tranh nhau di tản.
Buổi sáng 29-3-1975, trời Đà Nẵng lất phất mưa. Khi chúng tôi có mặt thì bộ binh và xe tăng Quân đoàn 2 (nay là Binh đoàn 12) cùng lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã hiện diện ở thành phố, chiếm giữ sân bay Đà Nẵng.
Gần một tháng sau, tôi và Hoàng Thiểm được lệnh chủ động tìm kiếm, liên hệ với Quân đoàn 2 để tiến về Sài Gòn. Chiều 28-4-1975, chúng tôi tìm được sở chỉ huy cánh quân hướng Đông Bắc. Hôm sau, chúng tôi đến mũi tiến công của Sư đoàn 304 đang phối hợp với Lữ đoàn Xe tăng 203.
Rạng sáng 30-4-1975, sau khi vượt căn cứ Nước Trong, chúng tôi theo xe tăng của Lữ đoàn 203 tiến đánh theo đường 15, vòng qua xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn, vượt cầu Đồng Nai, đè bẹp ổ đề kháng còn lại của địch ở Thủ Đức rồi nhằm thẳng hướng nội thành Sài Gòn. Lúc 11 giờ 24 phút ngày 30-4-1975, chúng tôi có mặt trước Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất).
Trong những giây phút lịch sử đó, tôi đã ghi lại được hình ảnh nội các ông Dương Văn Minh đầu hàng đang bước xuống bậc tam cấp theo sự quản lý của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304 - Lữ đoàn 203; hình ảnh Trung đoàn phó Trung đoàn 66 - Lữ đoàn 204 Phạm Xuân Thệ; chân dung Đại đội trưởng Bùi Quang Thận từ xe tăng 843 nhảy lên tầng thượng Dinh Độc Lập treo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam...
II. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tháng 4-1975, hàng loạt mũi tiến công của quân ta tiến về Sài Gòn. Nhờ bám sát bộ đội, chúng tôi được Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, liên hệ và chỉ dẫn đến Sở Chỉ huy dã chiến Quân đoàn 2, đóng trong cánh đồng cao su ở Xuân Lộc - Đồng Nai.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lúc đó là Cục trưởng Chính trị Quân đoàn 2, căn dặn những điều cần biết về cánh quân này. Ông cho chiến sĩ liên lạc, dẫn chúng tôi đến Trung đoàn 66 - mũi tiến công của Sư đoàn 304 đang phối hợp với Lữ đoàn 203.
Rạng sáng 30-4-1975, sau khi vượt qua căn cứ Nước Trong, chúng tôi đi cùng xe tăng của Tiểu đoàn phó kỹ thuật Lữ đoàn 203 Nguyễn Thanh Bình nhằm thẳng hướng nội thành Sài Gòn, tiến vào Dinh Độc Lập. Lúc đó là xế trưa 30-4-1975…
Chọn đúng thời cơ và khoảnh khắc lịch sử, những tấm ảnh của PV chiến trường chúng tôi đã minh chứng cho chiến thắng hào hùng của quân và dân ta. Những nhân chứng lịch sử trong tư liệu ảnh của tôi còn đủ cả và đã đăng rải rác trên Báo Nhân Dân.
Ngày nay, sự phát triển của khoa học - công nghệ đã làm đổi thay bộ mặt và chất lượng thông tin báo chí, nhất là khả năng truyền tải, đưa tin cập nhật đến từng phút, từng giây các sự việc, sự kiện nổi bật, sức lan tỏa khắp toàn cầu. Nhưng vào thời điểm những năm 1970, PV chiến trường của Việt Nam đưa tin phụ thuộc phương tiện kỹ thuật thô sơ. Máy điện báo, trạm quân bưu… đặt tại các sở chỉ huy cấp quân khu, bộ tư lệnh mặt trận, ở xa nơi xảy ra chiến sự, có khi phải đi bộ mấy ngày đường song PV phải tìm mọi cách liên lạc để gửi tin - bài, hình ảnh.
Vậy mà trong sự kiện 30-4-1975, chúng tôi đã đưa tin - bài, hình ảnh về Hà Nội bằng con đường nhanh nhất. Ngày đầu giải phóng Huế, các phương tiện truyền thông, liên lạc bị cắt đứt, nhóm PV TTXVN bố trí một chiếc ô tô ở phía Bắc cầu Mỹ Chánh. Trưa 26-3, sau khi thu thập xong tài liệu, chúng tôi chuyển ngay cho tài xế. Từ đó, xe chạy 2 ngày đêm ròng rã ra Hà Nội và những hình ảnh đầu tiên Huế giải phóng ra mắt bạn đọc kịp thời.
Cũng trong hoàn cảnh đó, ngày 30-4-1975, các phương tiện thông tin ở Sài Gòn bị cắt đứt, tê liệt hoàn toàn. Nhờ Võ Cự Long, một sĩ quan lái xe của chính quyền Sài Gòn, chúng tôi nhanh chóng đến Bộ Tổng Tham mưu địch rồi sân bay Tân Sơn Nhất. Tại sân bay, tôi chụp được ảnh nữ biệt động Nguyễn Trung Kiên (tức cô Nhíp) dẫn đầu chiếc xe tăng đánh chiếm Tân Sơn Nhất.
Chiều 30-4, tôi quyết định dùng chiếc xe Jeep 6 máy, động viên Long đưa tôi và anh Hoàng Thiểm ra Đà Nẵng. Một mình Long lái xe suốt tối 30 đến rạng sáng 2-5-1975, đưa chúng tôi về Đà Nẵng. Ngay trưa hôm đó, anh Thiểm theo máy bay để đưa tài liệu ra Hà Nội sớm nhất. Báo Nhân Dân và Quân đội Nhân dân hôm 3-5 đã đăng những hình ảnh đầu tiên về giờ phút lịch sử ngày 30-4-1975…
Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - TP HCM hôm nay, tôi đắm chìm trong nỗi nhớ công việc PV chiến trường của mình trong ngày 30-4-1975. Dường như mỗi đoạn đường, mỗi góc phố, mỗi dòng sông vẫn thấp thoáng hình ảnh người chiến sĩ mũ tai bèo thuở nào và người dân thành phố chào đón các chiến sĩ xe tăng, pháo binh trùng trùng điệp điệp. Thành phố hôm nay rộng mở, hiện đại, sôi động, náo nhiệt song vẫn không làm mất đi những gì thuộc về quá khứ của một thời oanh liệt.
Phóng viên chiến trường - chiến sĩ đặc biệt
Trong cuộc đời gần 50 năm làm báo, tôi có quãng thời gian làm PV chiến trường, gắn mình với một số giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Năm 1972, hàng mấy tháng liền, tôi cùng các PV tiền phương có mặt ở mặt trận Quảng Trị. Vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi đã lăn lộn tại đây hơn 20 ngày đêm.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi cùng nhiều đồng nghiệp đã chứng kiến ngày giải phóng Huế 26-3-1975, có mặt ở mặt trận Đà Nẵng ngày 29-3... Ngày 30-4-1975, tôi là một trong những PV đầu tiên ở Sài Gòn ghi lại được những hình ảnh lịch sử.
Năm 1979, tôi đến với nhiều đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang trong vòng lửa đạn. Năm 1984, tôi theo đoàn quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia lên tận biên giới với Thái Lan và chứng kiến các đơn vị chiến thắng rút quân về nước...
Nhà báo quân sự hay dân sự, khi làm PV chiến trường đều phải như chiến sĩ. Là nhà báo, chúng tôi cũng phải lo cuộc sống, chiến đấu hằng ngày như các chiến sĩ; phải tự mang vác lương thực, thực phẩm, đào hầm trú ẩn bom đạn. PV lúc đi lao động thì như anh chị em dân công hỏa tuyến. Trong khi đó, không phút giây nào chúng tôi rời "báu vật" của mình là khẩu súng ngắn, sổ tay, bút ghi chép, máy móc, phim ảnh.
Nhà báo và chiến sĩ đều trải qua gian khổ, vất vả, chịu đựng sự ác liệt của bom đạn như nhau. Nếu không rèn luyện, không giữ vững ý chí chiến đấu thì không thể trở thành PV mặt trận, PV chiến trường.
PV chiến trường còn là người chiến sĩ đặc biệt. Trước hết, PV chiến trường có mặt ở hầu hết các trận địa, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt, nóng bỏng nhất. Nhiều PV đã hy sinh tại chiến trường khi đang tác nghiệp.
PV chiến trường có điều kiện chứng kiến, gặp gỡ, tìm hiểu cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ tại mặt trận. Những bài viết, bức ảnh đầy ắp chi tiết sống động với chân dung những con người cụ thể.
Đã là PV chiến trường thì phải tuân thủ, chấp hành nghiêm kỷ luật, bám sát đơn vị, bám sát chỉ huy các cấp. Trong bộn bề công việc, dưới mưa bom bão đạn nhưng hầu như ở đơn vị nào cũng vậy, chỉ huy, cán bộ các cấp và bộ đội ta luôn quý mến, tạo điều kiện cho PV tác nghiệp, thu thập tài liệu.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tien-ve-sai-gon-196250428195310024.htm