Tiếng biển

Tiếng biển là âm thanh ấm áp, vang vọng từ biển khơi mà hậu phương của người lính biển lắng nghe hằng ngày.

“Hậu phương đất liền yên tâm nhé vợ ơi/ Anh vẫn vững vàng nơi biển đảo xa xôi.../ Anh không thể ẵm bồng ru con ngủ/ Gửi tiếng biển về yên giấc con thôi..../ Vợ yêu ơi... anh phải đi trực rồi/ Phút chào nhau tiếng biển bỗng mặn môi/ Chiều nay nhé hết ca anh lại hẹn/ Gọi để vợ nghe tiếng biển... tiếng yêu đời...”.

Khi anh đọc cho em nghe đến những câu thơ cuối cùng ấy, anh nghe thấy tiếng em cười không? Có nhớ em nói đùa anh từ ngày yêu nhau đến bây giờ mới thấy chàng lính đảo của em lãng mạn. Chẳng hiểu anh chàng đen cháy vì nắng và gió biển bỗng nhiên hóa thi sĩ lúc nào. Nhưng khi tắt máy, khi ngồi lặng một mình trên triền đê đầy gió – cái triền đê anh thả diều và em hái hoa tanh tách tím suốt những mùa hè tuổi thơ em bỗng nghe rì rầm tiếng biển. Và em lại được nói chuyện với anh trong tiếng biển hát bên mình.

… “Lúc nãy em quên không hỏi, ngoài đảo chồng có nhìn thấy đất liền không?”

“Không em ạ! Nhưng anh thấy em. Thấy các con. Thấy tất cả mọi người. Không cần nắng đẹp trời quang, chỉ cần hướng về phía đất liền là thấy…”.

“Thế sáng nay chồng nhìn thấy những gì?”.

“Như mọi sáng, ba mẹ con vẫn dậy sớm. Em tất bật chuẩn bị mọi việc trước khi đưa các con đến trường. Hai chàng lính bé của anh vừa ăn sáng vừa ngóng về phía màn hình ti vi chờ đợi. Chúng gọi em ầm ĩ khi chương trình dự báo thời tiết bắt đầu…”.

Vâng anh. Ngày nào cũng thế. Mối quan tâm đầu tiên của ba mẹ con em là xem bản tin thời tiết để biết đảo của mình hôm nay bão tố hay bình yên. Chàng lính Út của mình sáng nay trầm ngâm như người lớn, dặn đi dặn lại: “Mẹ nhớ nhắn hôm nay chỗ bố có dông, đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh…”. Em bật cười. Anh thấy chưa, anh tận ngoài đảo, tít khơi xa, nơi em và các con chưa một lần được đặt chân đến nhưng vẫn rất gần. Chỉ với tay qua nỗi nhớ là chạm vào sóng biển, chạm vào anh của mẹ con em.

… “Thế bây giờ chồng còn nhìn thấy những gì?”.

“Thấy em đang ngồi trên triền đê của chúng mình. Tay vẫn cầm tấm áo của anh…”.

Vâng anh. Mỗi lần trả phép anh đều để lại cho mẹ con em một manh áo thấm hơi người. Anh biết không, có manh áo ấy là anh gần em lắm. Chạm vào cổ áo là chạm vào mái tóc cứng đơ vì gió biển. Chạm vào tay áo là chạm vào làn da đen cháy vì nắng Trường Sa. Và nếu em chạm vào ngực áo sẽ thấy ấm nồng, rộn rã trái tim anh, sẽ nghe thấy mùi khơi xa mặn mòi, thấy chao nghiêng những cơn sóng lừng, thấy ầm ầm dông bão, thấy nắng cháy, thấy những cơn mưa xa tít phía chân trời, thấy mồ hôi rơi mặn chát trên con đường tuần tra và thấy cả những thao thức trong nỗi nhớ đất liền, nỗi nhớ mẹ con em. Tất cả những điều đó em nghe trong tiếng biển giữa chiều quê hương thanh bình, giữa triền đê đầy gió và cửa sông mênh mông sóng phù sa. Những con sóng em vừa chạm tay vào sẽ tiếp tục cuộc hành trình ra tận biển mang mùi vị nồng ấm ngọt ngào ra với đảo quê hương. Em sẽ nhờ sóng nói với anh rằng chúng mình không xa vì khoảng cách chỉ là hai đầu nỗi nhớ, chỉ cần với tay qua nó là mình chạm được vào nhau. Mình sẽ nói chuyện với nhau giữa rì rầm tiếng biển – tiếng tình yêu muôn thuở vỗ về.

ĐÔNG THƯ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tieng-bien-390160.html