Tiếng chim sáo đã ngừng

Ngọc Phượng tên thật là Trần Thị Ngọc Phượng (1955), quê quán Khánh Hưng, Sóc Trăng, nay là TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Trong nhiều năm, chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam duy nhất sinh sống và làm việc tại Sóc Trăng. Trước năm 1975, chị học Đại học Văn khoa ở Sài Gòn. Sau năm 1975, về công tác trong ngành Văn học Nghệ thuật (VHNT) thuộc tỉnh Hậu Giang. Năm 1993, Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng thành lập, chị là một trong những văn nghệ sĩ đầu tiên về công tác tại đây với nhiệm vụ biên tập viên cho Tạp chí văn nghệ và cho Tỉnh hội đến khi nghỉ hưu. Chị đã qua đời ngày 25-3-2022. Có thể nói, Ngọc Phượng là một trong những nhà thơ gắn liền và có đóng góp với quá trình hình thành và sự nghiệp phát triển của VHNT Sóc Trăng trong 30 năm qua. Nhà thơ Ngọc Phượng từng đạt giải thưởng văn học của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Nhà thơ Ngọc Phượng. Ảnh: HUỲNH VŨ LAM

Ngoài 2 tập truyện Nàng HêRát và Điệp khúc của dã tràng, Ngọc Phượng để lại trên đời hơn 80 bài thơ trong 3 tập: Bài ca chim sáo (in năm 1990 có 15 bài); Thầm lặng (in năm 1992 có 21 bài); Ai cúi nhặt trời xanh (in năm 2000 có 46 bài). Tuy nhiên, trong 82 bài thơ này có nhiều bài được chính Ngọc Phượng tuyển lại, tức là xuất hiện trong 2 tập thơ và có bài xuất hiện trong cả 3 tập thơ. Điều này có nghĩa đây là những bài lúc sinh thời chị rất ưng ý. Theo trang web Hội Nhà văn Việt Nam “Nhiều nhà phê bình văn học đánh giá trong làng thi ca khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thơ Ngọc Phượng đứng riêng một cõi”. Cõi riêng mà thơ Ngọc Phượng tạo ra chính là một góc nhìn tinh tế, quan niệm sống thiện lành, trong suốt về cuộc sống bằng một thứ ngôn ngữ thơ hiện đại, có phong cách riêng.

Dấu ấn xuyên suốt trong 3 tập thơ của Ngọc Phượng đọng lại trong lòng độc giả là một chữ tình yêu. Đó là tình yêu quê hương qua những địa danh quen thuộc (Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Mê, Sa Pa...); là tình yêu gia đình với những hạnh phúc và tan vỡ; là tình yêu thiên nhiên, cuộc sống với những cánh chim, cây lúa, cành hoa; và đặc biệt là tình yêu lứa đôi với nhiều cung bậc và biên độ; khi thì phơi bày qua cảnh thiên nhiên khi thì thâm trầm, ẩn sâu trong cảnh vật. Khi tình cảm hiển lộ phơi bày thì người đọc cảm nhận được: với những vùng đất, thơ Ngọc Phượng thường chọn một địa danh. Nơi địa danh đó, người con gái thấy lòng mình thay đổi bởi một người khác.

Thơ Phượng là những bài thơ hướng nội. Vì vậy, một mảng lớn trong sáng tác của chị là những bài thơ tìm chính bản thể của mình, con người mình, cái riêng của mình. Rất nhiều động từ “tìm”, “chất”, “giữ” được ghép với hình ảnh em. Nhưng vì tìm trong cảm giác hướng nội nên cái có được nhiều khi là sự hụt hẫng, đợi chờ.

Đọc thơ Phượng giống như “khượi mài” một vết thương bình thường sắp lành nhưng chưa thể ngủ yên, vẫn còn râm ran khó chịu. Không đụng đến nỗi buồn cũng chẳng sao, mà chạm đến nỗi đau cũng chẳng làm cho nó tệ hơn. Nó cứ hiện diện thế đấy, bàng bạc thế đấy, không quá buồn mà thấy cứ hiu hiu. Đó là thơ của người đàn bà thất tình nhưng lại trí thức. Tình đơn phương thà như ung nhọt lớn lao, lấy dao giải phẫu kiểu chợ đời tôm cá giải quyết thì dễ, đằng này người đàn bà có học nhưng lỡ duyên yêu đơn phương và khổ một mình giống như vết thương đang liền da muốn khượi mài. Người đọc nhận ra điều đó có ở mình, thơ ngân lên dù chiều đã tắt, vọng âm trầm mà xoáy vào nhau.

Từ tập thơ đầu tay, Bài ca chim sáo, người ta thấy rõ Ngọc Phượng có một phong cách thơ riêng: chất trong trẻo và đơn sơ nhưng rất có sức gợi. Giọng thơ con chim sáo phương Nam mang trong mình điệu lời rất gọn ghẽ, nhún nhường nhưng từng câu thơ có sức miêu tả và liên tưởng thật sâu và nhiều lớp. Bài ca Chim sáo ấy đã bay khắp các vùng miền Tổ quốc, giờ đây đã lặng tiếng.

HUỲNH VŨ LAM

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/tieng-chim-sao-da-ngung-56032.html