Tiếng chuông một sứ giả văn hóa!
Tất cả hồi hộp chờ đợi sự xôn xao xô đẩy quẫy đạp của lũ cá trong lưới. Vẫn im lặng. Tất cả vỡ òa khi thấy một quả chuông... Một quả chuông đồng cổ! Nhưng tại sao nó lại ngoài khơi xa bờ thế này? Ai mang nó ra đây thả? Tại sao lại mắc vào lưới?
Một buổi sáng mùa hè rất đẹp năm 1958, ngoài khơi biển Đồ Sơn - Hải Phòng. Trời trong vắt, sóng biển vừa đủ để những con thuyền đánh cá vây lưới sẽ nặng tay hơn ngày thường. Nhưng không như suy nghĩ, những mẻ lưới cất lên nhẹ tếch. Các ngư phủ lão luyện thở dài nghi ngờ kinh nghiệm dày dạn của chính mình... Nhưng lần này thì thật nặng.
Tất cả hồi hộp chờ đợi sự xôn xao xô đẩy quẫy đạp của lũ cá trong lưới. Vẫn im lặng. Tất cả vỡ òa khi thấy một quả chuông... Một quả chuông đồng cổ! Nhưng tại sao nó lại ngoài khơi xa bờ thế này? Ai mang nó ra đây thả? Tại sao lại mắc vào lưới?
Đó là chuyện có thật!
Các bô lão khẳng định. Các nhà khoa học khảo cổ đầu ngành khẳng định đó là quả chuông chùa Vân Bản. Ngôi chùa Vân Bản có tháp Tường Long xưa kia an nhiên trên ngọn Núi Rồng với độ cao 91,7m so với mặt nước biển. Đó là quả chuông được đúc ở thời Trần, khoảng thế kỷ XIII, XIV.
Biết rõ vậy nhờ có bài minh văn đúc rất đẹp, thanh thoát trên thân chuông. Có quai rồng đúc nổi cùng những cánh sen rất sinh động trên các núm gõ và vành miệng chuông trở thành tư liệu quý để các nhà khoa học tìm hiểu văn hóa, mỹ thuật cũng như nghề đúc đồng và vai trò của Phật giáo thời ấy... Chuông xứng đáng được công nhận là Bảo vật quốc gia!
Truyền thuyết kể đó là quả chuông gắn liền với vận mệnh hưng thịnh nước nhà. Thế kỷ XV giặc Minh tràn đến cướp phá, quả chuông “tự” lặn xuống biển đến khi giặc tan nó cũng tự “chui” vào lưới ngư dân.
Đầu thế kỷ XIX trước nguy cơ triều đình nhà Nguyễn phá chùa tháp, như trong sách “Đại Nam nhất thống chí” (triều Nguyễn) ghi: “Năm Gia Long thứ ba phá tháp (Tường Long) lấy gạch xây thành trấn Hải Dương”. Mà tháp bị phá thì chuông rất có thể bị triều đình thu nên nó tự “lặn” xuống biển cho đến khi đất nước hòa bình (1958). Bóc cái vỏ thần bí đi thì hạt nhân hợp lý cho thấy đó là quả chuông rất quý.
Nhưng theo các bậc tu hành và các hòa thượng cao niên thì quả chuông nào được treo ở các chùa, nhất là các chùa “thiêng” cũng đều có linh hồn cả. Đúc xong tượng bao giờ cũng có lễ “hô thần nhập tượng”, với chuông cũng vậy, vì chuông là thanh âm của Phật của Thần vọng về tâm linh con người...
Với nhà Phật thì không thể thiếu âm thanh của tiếng chuông, tiếng mõ vì đó là âm thanh tỉnh thức, đánh thức ở con người tính thiện, tính từ bi hỷ xả, cái vô ngã, vị tha. Trong cuộc đời bao sự tính toán bon chen khiến con người lạc vào bến vô minh, nhờ có tiếng chuông chùa lúc đầu sáng, lúc hoàng hôn như là tiếng gọi bao dung kéo con người trở về cái “nhất tâm” tức sự an lạc cùng những điều thiện tử tế, tốt đẹp. “Nhất tâm” cũng là những điều lành, may mắn, bình yên...
“Hương Sơn phong cảnh ca” của Chu Mạnh Trinh được các cụ xưa coi là kiệt tác, vì nó “rất Phật”: “Thỏ thẻ rừng mai, chim cúng trái/ Lững lờ Khe Yến, cá nghe kinh/ Thoảng bên tai một tiếng chày kình/ Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”. Người tham quan đến Hương Sơn như lạc vào cảnh Phật, ở đó mọi cái, mọi thứ đều đậm chất Phật hoặc mong muốn thành Phật (chim cúng trái, cá nghe kinh). Có thể Chu Mạnh Trinh ảnh hưởng từ bài “Vịnh ni cô” của Thân Nhân Trung (thế kỷ XV): “Chày kình một tiếng tan niềm tục/ Hồn bướm ba canh lẩn sự đời”?!
Tiếng chuông ở nhà chùa còn là tiếng mời thỉnh các bậc trên cõi Niết bàn về với chúng sinh. Như một sự tiếp biến văn hóa, ngày trước, ở nhiều gia đình nhà quê mỗi khi cúng giỗ ông bà ông vải thì “thỉnh” một hồi chuông mời “các cụ” về ăn cỗ. Đó là cái chuông nhỏ, bé xíu xinh xinh, bằng đồng, thường là đi mượn. Phật giáo vào nước ta đã lâu, được “bản địa hóa” trở thành quen thuộc. Ví như khi cúng giỗ ông bà mình thì mở đầu người cúng lại nói lời nhà Phật “Nam mô a di đà Phật”...
Bọn quỷ sứ yêu quái rất sợ Phật nên sợ cả tiếng chuông, tìm cách tránh xa nên ngoài đem đến điều lành, tiếng chuông còn để “tránh mọi sự dữ”. Ngày nay, nhiều cô gái thích treo chuông gió trong phòng riêng, không chỉ là âm thanh vui tai ru mình vào giấc ngủ, còn chức năng khác là vật phong thủy, là âm thanh trong trẻo xua đuổi tà ma yếm khí. Thế là cũng có gốc từ quan niệm Phật giáo.
Với quan niệm động là sống, tĩnh là chết nên tiếng chuông theo nhà Phật ở bất cứ đâu cũng là báo hiệu của sự sống. Trong nhà thỉnh thoảng có tiếng chuông reo, nhẹ nhàng, thong thả tức báo hiệu một cuộc sống yên bình, êm đềm. Thế nên bài ca dao nổi tiếng: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa cành sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ” được hiểu là miêu tả cuộc sống thanh bình, còn phải hiểu thêm đó là sức sống, là cái thế phát triển bình lặng mà mạnh mẽ!
Sống ở Huế, nhất là những ai đến Huế sẽ thấy âm thanh của tiếng chuông chùa là một phần của xứ sở hữu tình này. Khoảng hơn 3 giờ sáng, 108 tiếng chuông ở hàng chục ngôi chùa sẽ thong thả “điểm” vào không gian tĩnh mịch để “thức tỉnh” mọi người. Rất lạ, khách du lịch không hề khó chịu vì âm thanh mà dường như được ru sâu hơn vào giấc mơ êm ái... Với người Huế thì nhiều người dậy rửa mặt, có người đọc sách, có người ngồi thiền, có người đi thể dục... Một ngày mới chậm rãi, nhẹ nhàng rất Huế bắt đầu...
Truyền thuyết Huế kể từ ngày xưa tiếng chuông đã linh diệu lắm. Mỗi khi tiếng chuông vang lên là mọi thú dữ trong rừng núi Thiên Thai đều nằm phủ phục. Chúng hiền hơn và không bắt người. Các bọn lục lâm thảo khấu cũng dần cải tà quy chính!!!
Với làng quê Việt, ngoài tiếng chuông chùa còn có tiếng chuông nhà thờ tăng thêm vẻ đẹp của không gian yên bình. Bài hát “Làng tôi” của Văn Cao sẽ sống mãi nhờ nó gọi ra được cái hồn Việt: “Làng tôi xanh bóng tre/ Từng tiếng chuông ban chiều/ Tiếng chuông nhà thờ rung/ Đời đang vui/ Đồng quê yêu dấu/ Bóng cau với con thuyền một dòng sông”. Giặc Pháp đến xâm lược. Bộ đội ta dũng cảm đuổi kẻ thù. Tiếng chuông báo hiệu hòa bình đã về: “Ngày diệt quân Pháp tan, là lúc tiếng chuông ngân/ Tiếng chuông nhà thờ rung/ Làng tôi theo đoàn quân chiến thắng/ Đánh tan lũ quân thù về làng xưa”...
Trong bản nhạc êm đềm của đời sống Nước Chúa thì tiếng chuông như nốt nhạc tha thiết mà trong trẻo, thánh thiện mà nhẹ nhàng gửi niềm yêu thương của Thiên Chúa đến mọi công dân. Tiếng chuông mời gọi và chỉ lối mọi người, không kể sang hèn, nghèo khổ hay quý phái đến với Chúa. Cứ 4 giờ sáng và chiều, ngày nào cũng vậy, tiếng chuông nhà thờ lại gióng lên, cao vút rồi tan vào không trung, ngân nga nhắc mọi người đến Nhà thờ làm Thánh lễ. Tiếng chuông vút lên bay vào thiên giới, bay vào hồn người.
Tiếng chuông làm ấm lòng người những ngày giá lạnh, làm mát tình người những ngày oi ả. Tiếng chuông nâng cánh những giấc mơ. Tiếng chuông chắp cánh cho tình yêu: “Và như cơn gió thoảng/ Giọng sơn ca hòa trong tiếng chuông nhà thờ ngân nga ngân nga/ Ðể em trong giấc mộng cầm tay anh/ Nhẹ nhàng bay trên bầu trời lung linh sao sáng”. Đó là lời bài hát “Và như cơn gió thoảng” của nhạc sĩ Bảo Chấn viết thật hay về tiếng chuông. Tiếng chuông “như cơn gió thoảng” đưa tình yêu chấp chới bay vào bầu trời Hạnh phúc cũng là bầu trời của Nước Chúa vĩnh hằng!
Trong kiệt tác “Nhà thờ Đức Bà Pari” (1830), bằng thi pháp đối lập của chủ nghĩa lãng mạn, Vichto Huygô miêu tả Quadimôđô có bề ngoài thật xấu xí với cổ rụt, lưng cong, chân khoèo, mắt chột, đã thế lại còn bị câm điếc. Nhưng gã lại có một tâm hồn tận cùng thánh thiện, tận cùng trong sáng. Lâu nay người ta nghe tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà sao hay thế, như có hồn người gửi vào trong đó, thiêng liêng, thánh thiện. Kết thúc tác phẩm người ta mới ngớ ra: chỉ có tâm hồn như Quadimôđô - người kéo chuông của nhà thờ, mới có thể tạo ra tiếng chuông ấy! Rất gần với một thành ngữ Việt “Người làm sao của chiêm bao làm vậy”, rõ nhất là trong nghệ thuật.
Có nhà nghiên cứu văn hóa dựa vào đặc trưng tôn giáo và thang âm cho rằng tiếng chuông chùa âm hưởng Rê - Mi như thôi thúc nhắc nhở mỗi người hãy thực hành thiền minh để quán chiếu bản thân trên con đường giác ngộ, mang tính hướng nội.Tiếng chuông nhà thờ âm hưởng Sol - La đánh thức giác quan, kết nối cộng đồng, giục giã con người hãy học hỏi và thực hành đức tin, mang tính hướng ngoại. Điều ấy cần bàn thêm, chỉ biết rất rõ rằng tiếng chuông chùa và tiếng chuông nhà thờ gắn bó sâu sắc với sinh hoạt của người dân nhiều vùng quê. Cùng là sứ giả trên thiên giới (của Đức Phật và Đức Chúa) đến với mọi người nên đó là âm thanh của khát vọng hướng thiện, hướng tới sự cao cả, an lành, may mắn, tốt đẹp!
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tieng-chuong-mot-su-gia-van-hoa--i670709/