'Tiếng con' - Bài thơ người thương binh viết tặng con gái đầu lòng

Bài thơ 'Tiếng con' ra đời khi tôi được cáng ra đến Quảng Bình (Hoa Thủy, Lệ Thủy). Chúng tôi được đưa tạm vào nhà dân. Lúc này nhiều gia đình ở Hoa Thủy đã sơ tán ra Hà Tĩnh, Nghệ An nhưng một số người vì mưu sinh nên vẫn ở lại, vì vậy mới có tiếng trẻ sơ sinh oa oa vọng đến chỗ tôi nằm...

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tác giả Nguyễn Thế Dũng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài thơ: "Tôi là một bác sĩ mặt trận Quảng Trị 1972, nơi hầu như người Việt Nam nào cũng biết đến với biệt danh "cối xay thịt Quảng Trị 1972". Đêm 25/8/1972, 3 loạt bom B52 đột ngột "rải thảm" trúng giữa khu vực đội phẫu của tôi. Hầu hết thương bệnh binh và anh em quân y hy sinh. Tôi bị mảnh bom cắt nát giữa đùi phải. Hai giờ sau mới có lực lượng của trung đội vệ binh thuộc E164 cắt rừng đến được bãi bom. Tôi được đưa cấp cứu về đội điều trị 204 (đóng ở làng Quất Xá, Cam Lộ), rồi được mổ, bó bột toàn bộ nửa thân dưới và chuyển ra Bắc. Nhưng con đường chuyển thương ra Bắc lại vô cùng ác liệt, gian nan, thương binh luôn cận kề cái chết và thực tế nhiều đồng chí thương binh đã hy sinh trên đường chuyển ra.

Tôi đã phải chịu đựng đúng 3 tháng 3 ngày trên con đường chuyển ra ấy, với nửa thân bột cứng ngắc và nằm như khúc gỗ. Bài thơ "Tiếng con" ra đời khi tôi được cáng ra đến Quảng Bình (Hoa Thủy, Lệ Thủy). Chúng tôi được đưa tạm vào nhà dân. Lúc này nhiều gia đình ở Hoa Thủy đã sơ tán ra Hà Tĩnh, Nghệ An nhưng một số người vì mưu sinh nên vẫn ở lại, vì vậy mới có tiếng trẻ sơ sinh oa oa vọng đến chỗ tôi nằm.

Theo nhẩm tính của tôi thì vào ngày 8/10/1972 hôm ấy, đứa con gái đầu lòng của tôi đã ra đời ở Hà Nội được hơn 2 tuần (sau này khi gặp mặt thì biết con tôi được sinh ngày 17/9)".

TIẾNG CON

Trưa im ắng[1], vẳng đâu đây trẻ khóc

Oa! Oa! Oa! Im lặng, lại oa oa

Nghe réo rắt, dặt dìu trong gió thoảng

Như khúc đàn lâm ly gọi lòng cha

Cha trăn mình, bồi hồi nghe con gọi

Không phải đâu đây, tiếng gọi tự trái tim

Mà bao tháng luôn bên cha không dứt

Khi êm đềm, khi tha thiết tiếng của con.

Con ta đã ra đời trong khói lửa

Trong nỗi buồn xa cách của mẹ cha

Trong mong ước của muôn vàn thương nhớ

Trong tình đời khôn sánh: ấy lòng cha

Đừng khóc nữa, nín đi con, đừng khóc[2]

Vết thương đau, cha chẳng kịp về thăm

Đừng hờn dỗi thêm băn khoăn lòng mẹ

Vạn dặm xa rồi cũng vượt, cha về[3].

Con yêu quý! Nín đi con ngoan nhé

Bú cho no dòng sữa mẹ phần con

Trong tay mẹ - chiếc nôi êm con ngủ

Yên lòng chờ, cha sẽ trở về thăm

Trưa 8/10/1972

Hoa Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình

[1] Những ngày ấy ở Lệ Thủy (cũng như toàn Quảng Bình), suốt ngày máy bay phản lực Mỹ gào rú và thả bom, "pháo tăng tốc" từ các hạm tàu Mỹ ầm ầm bay trên đầu để rót vào tuyến đường mòn Hồ Chí Minh và phà Long Đại, chỉ cách xóm tôi nằm 4km. Tôi dùng chữ "im ắng" vì đây là một lúc buổi trưa hiếm hoi không có tiếng máy bay gào rú và đạn pháo bay rít trên trời.

[2] Lúc ấy tôi như nghe thấy một tiếng khóc oa oa khác từ trái tim mình vọng ra: con tôi khóc vì hờn dỗi khi chẳng thấy cha nó đâu.

[3] Trong bối cảnh ác liệt vô cùng ấy, khả năng tự vệ tối thiểu nhất của một người bình thường cũng không còn. Tôi nằm trơ trơ cứng ngắc trên mặt đất đón nhận may rủi. Con đường ra, ngày gặp mặt còn xa mờ trong khói của đạn bom, nhưng vào giờ khắc ấy tôi tin tưởng mãnh liệt rằng mình sẽ vượt qua, sẽ sống sót để về gặp mặt đứa con.

Nguyễn Thế Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tieng-con-bai-tho-nguoi-thuong-binh-viet-tang-con-gai-dau-long-20240727100653489.htm