Tiếng cười bên lớp học tiếng Việt tại Hungary

Lớp học tiếng Việt của trẻ em mang hai dòng máu Việt-Hung là một trải nghiệm lý thú đối với dịch giả Nguyễn Hồng Nhung.

 Lớp học của chị Nhung tham gia ngày hội tiếng Việt ở Hungary. Ảnh: NVCC.

Lớp học của chị Nhung tham gia ngày hội tiếng Việt ở Hungary. Ảnh: NVCC.

Trong nhiều năm, lớp học tiếng Việt dành cho trẻ em được dịch giả Hồng Nhung (sinh sống và làm việc tại Hungary) mở ra để giúp các em mang hai dòng máu Việt-Hung có thể giao tiếp với bố mẹ tốt hơn. Vì hạn chế ngôn ngữ, mỗi trẻ lại phải nói chuyện với bố mẹ bằng nhiều cách khác nhau. Có khi bố nói tiếng Việt, con đoán nghĩa và trả lời bằng tiếng Hung, có em ở trong môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Hung nên rất khó cởi mở. Cũng có những em ham học tiếng Việt.

Chuyện "dở khóc dở cười" của trẻ gốc Việt

Chị Nhung mở hai lớp. Một “lớp mầm” dành cho thiếu nhi, lớp lớn hơn dành cho các bạn đã đi học cấp 3 hoặc vào đại học.

Trong một lần dạy học, khi cho cả lớp đọc đến từ con sâu, một cậu bé đã thốt lên rằng: “Mẹ con thích ăn sâu lắm”. Chị Nhung ngẩn người ra. Chưa kịp hiểu sâu là món ăn gì, một cô bé khác cũng nói rằng: “Mẹ con cũng thích ăn sâu ạ”. Anh trai cô bé đó ở bên cạnh gật gù. Sau đó, đám học trò mới tả lại hình thù “con sâu” cho chị Nhung hiểu. Thì ra đó là con nhộng, loài ấu trùng của tằm sau giai đoạn nhả tơ làm tổ. Một món ăn thân thuộc với nhiều gia đình Việt Nam là nhộng rang.

Những đứa trẻ này ít nhiều đã có sự tiếp xúc với văn hóa mang tính bản địa Việt Nam, đầu tiên là văn hóa trong ẩm thực với nguyên liệu gần gũi trong đời sống.

Lần tiếp theo, chị Nhung đưa bọn trẻ một bài thơ có hình ảnh người mẹ trưa nắng ra đồng làm lụng cùng người con. Khi hiểu được nghĩa đen, những đứa trẻ cảm thấy sao mà hai mẹ con phải khổ đến vậy. Một cậu học trò phát biểu: “Bài thơ không hay, vì toàn phải khổ”. Có em bảo rằng thích bài Con ruồi của Szabo Lorinc hơn, vậy là chị Nhung bèn dịch một bản tiếng Việt để dạy cho những đứa trẻ.

Bài thơ nói về việc cha và con cùng chơi trong một không gian ấm cúng, con ruồi bay tới, đứa con đập chết con ruồi và thấy “một niềm vui, nhưng không phạm tội”. Hai bối cảnh trong hai bài thơ hoàn toàn khác nhau cũng giúp chị Nhung hiểu thêm về nét duy cảm đặc trưng trong tâm hồn của trẻ em mang hai dòng máu Á-Âu. Chị Nhung ví những đứa trẻ này như “một cành cây với gốc rễ là bố mẹ châu Á nhưng mọc trên đất Âu, hút nước khoáng, hấp thụ không khí trời Âu” nên mỗi em đều có một điểm đặc biệt riêng.

Tăng tính kết nối với tiếng quê hương

Ở những lớp lớn, chị Nhung phải vất vả để truyền đạt hơn. Một anh chàng gốc Việt khiến chị chú ý bởi tinh thần ham học hỏi. Mặc dù cậu sử dụng các từ kính ngữ như “vâng ạ”, “dạ” khá thành thạo, chỉ riêng từ “cháu” lại không nói vì cậu bảo từ này “không dễ thương”. Cậu luôn nhầm từ câu “cháu chào bà ạ” thành câu “cháo chào bà”.

Khi được bố mẹ cho về Việt Nam, cậu đi cùng hai người bạn gốc Việt khác. Vào một quán ăn, cậu muốn gọi món nhưng chỉ biết đọc, không biết từ. Hai người bạn ngược lại, hiểu từ nhưng không biết đọc. Cuối cùng, hai người bạn đành phải dịch từ “cá rán” ra tiếng Hung, cậu hiểu rồi gọi món.Tình trạng lệch kỹ năng đọc, nghe, viết tại lớp lớn khá phổ biến.

Một nữ học sinh khác của chị Nhung lại chỉ lờ mờ nghe được bố nói và đáp lại hoàn toàn bằng tiếng Hung. Cuộc trò chuyện của hai người cứ như vậy, bố nói tiếng Việt và con trả lời tiếng Hung. Thấy vậy, chị Nhung đành giao bài về nhà hỏi bố mẹ: “Hôm nay bố có mệt không”. Có ba đáp án trả lời, chị giao học sinh ghi lại và báo cáo vào buổi sau: “1/ Mệt, con ạ. 2/ Không mệt con ạ. 3/ Hơi mệt thôi, con ạ”. Nhờ vậy, những đứa trẻ có thể giao tiếp tốt hơn với gia đình mình.

Song hành với việc dịch sách, các lớp tiếng Việt giúp chị Nhung có thêm cơ hội để gần gũi hơn với nhiều thế hệ người Việt sang Hung sinh sống. Hiện tại lớp học vẫn mở nhưng đa phần là người Việt Nam sang làm ăn. Đồng thời, chị Nhung vẫn dạy tiếng Việt tại trường Đại học Tổng Hợp Budapest - Hungary cho sinh viên Hungary.

Dù có bao nhiêu lớp, đối với chị Nhung, những buổi lên dạy cho trẻ em người Việt lớn lên bên trời Hung vẫn đem lại cung bậc cảm xúc đặc biệt. Bởi chị hiểu rằng, khi đó, chị không chỉ đơn thuần là một người giáo viên nữa, chị là người xây cầu giúp các em hiểu, tìm về được với nguồn cội của mình.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/tieng-cuoi-ben-lop-hoc-tieng-viet-tai-hungary-post1463734.html