Tiếng đàn của học trò từng 'níu chân' nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo trước khi lìa trần
Cô Thu Anh - Con gái nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo kể cha cô đã nhập viện từ hồi giữa năm 2020. Tưởng rằng Nhạc sư đã sớm ra đi vào đầu tháng 12/2020 nhưng tiếng đàn của học trò đã níu chân Nhạc sư ở lại trên cõi trần gian thêm một thời gian nữa.
Theo cô Thu Anh, Đầu tháng 12/2020 Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã hôn mê suốt trong 3 ngày đêm, không hề mở mắt. Rất nhiều học trò đã đến thăm Nhạc sư trong những ngày đó nhưng nhạc sư hoàn toàn không hay biết. Mãi đến khi NSƯT Văn Hai, đạo diễn Tấn Phát, và Ts Lê Hồng Phước đến thăm ông vẫn còn hôn mê. Nhưng khi tiếng đàn của Văn Hai, tiếng ca của Tấn Phát và Lê Phước cất lên thì Nhạc sư chợt mấp máy môi định nói gì nhưng không nói được, nhưng tiếng đàn hòa quyện cùng tiếng ca liên tục cất lên và nhạc sư đã hé mắt nhìn. Đến khi các đệ tử đến bên giường nắm tay định từ giã ra về chợt ông mở mắt và sau đó đã kêu tên Văn Hai, Tấn Phát, Lê Phước… Thế là các học trò tiếp tục ca cho Nhạc sư nghe tiếp và khi cô Thu Anh đưa sữa cho Nhạc sư, ông đã uống được. Ông đã nắm lấy tay từng người rồi nói: “Cảm động lắm!”.. Và Nhạc sư đã uống được mấy lần sữa, tỉnh táo dần sau những ngày hôn mê.
Biết Nhạc sư vẫn còn lưu luyến với trần gian qua tiếng đàn, nhiều học trò của Nhạc sư khi tới thăm đã đem ngón đàn, tiếng hát để tặng Nhạc sư. Như có phép màu, dù các bác sỹ đã bó tay nhưng mỗi khi nghe giai điệu tài tử của quê hương, Nhạc sư lại như có thêm chút sức lực để phục hồi nghe đàn nghe hát, và mấp máy môi gọi đúng tên từng người, và có lúc Nhạc sư nói nói những câu bằng tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ mà ngày trước Nhạc sư hay dùng để làm thơ, viết văn.
Để động viên Nhạc sư, nhạc sỹ Hoài An đã sáng tác ca khúc Tiếng đờn từ trăm năm tặng Nhạc sư, người thầy từng dìu dắt Hoài An đến với âm nhạc tài tử. Ca khúc có đoan viết: "... Nghe tiếng đờn ai rao mấy câu - Nỉ non cung sầu, ôn chuyện xưa - Đờn dưới trăng. Thương nhớ bậu - Đi qua thời cuộc bể dâu - Sau bao mưa nắng dãi dầu - Đôi tay nếp nhăn in hằn - Rung, nhấn... tiếng đờn dẫn chuyện trăm năm... Chuyện từ dân ca, điệu lý câu hò -Từ đời ông cha... tiếng lòng người phương Nam...". Và Nhạc sư cũng đã nghe ca khúc này.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại Mỹ Trà (TP Cao Lãnh- Đồng Tháp). Từ nhỏ ông đã tỏ ra có năng khiếu nhạc tài tử và được sự chỉ dạy của những thầy đờn trong vùng nên 10 tuổi ông đã biết chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Năm 12 tuổi, Nguyễn Vĩnh Bảo đã tham gia nhưng ban nhạc tài tử và được nhiều nghệ nhân nhạc tài tử đánh giá cao. Sau đó do hoàn cảnh gia đình sa sút nên ông phải đi học nghề thợ bạc rồi lang bạt qua Campuchia. Tại đây Nguyễn Vĩnh Bảo thành lập gánh hát rồi trình diễn cho những Việt kiều nghe. Chính từ đây, ông đã được nhiều hãng đĩa chú ý rồi năm 1938, khi trở về Việt Nam Nguyễn Vĩnh Bảo đã được hãng đĩa Béka mời thu âm một số bản nhạc tài tử. Từ năm 1955, ông dạy môn đàn tranh và là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ tại Sài Gòn. Ngoài ra ông cũng được mời đi diễn thuyết, giới thiệu và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 1972 tại Paris, Nguyễn Vĩnh Bảo đã cùng GS-TS Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ do UNESCO tổ chức. Đây là chính là cơ sở nền tảng đầu tiên để âm nhạc Đờn ca tài tử Nam bộ được thế giới biết đến và sau này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Sau này, dù cao tuổi nhưng Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn say mê với việc cải tiến, giảng dạy về cây đàn tranh cũng như trình diễn âm nhạc tài tử. Cuối năm 2019, Nguyễn Vĩnh Bảo phải nhập viện cho sức khỏe yếu. Tuy nhiên do tuổi cao sau một thời gian điều trị Nhạc sư đã ra đi vào lúc 18g 50 phút ngày 7/1/2021 tại nhà riêng thuộc TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), hưởng thọ 104 tuổi.