Tiếng đàn măng-đô-lin trên sóng
Tiếng đàn măng-đô-lin của bố trên cánh đồng ngày đó không chỉ vực dậy tinh thần cho đứa trẻ lên 10 là tôi mà còn là hành trang lạc quan cho anh em tôi vào đời
Bốn mươi năm trước, Thái Bình quê tôi không có trường chuyên. Do nhu cầu học chuyên thì nơi đâu cũng có nên ngành giáo dục khắc phục bằng cách mỗi năm huyện rồi tỉnh sẽ tập trung học sinh giỏi về một ngôi trường nào đó học bồi dưỡng vài tháng để chuẩn bị "thi đấu". Học sinh học chuyên một buổi theo chương trình giáo dục phổ thông, một buổi học môn chuyên. Nơi ở trọ là một gia đình neo người nào đấy, yêu trẻ và sẵn lòng chứa một đứa nhóc tuổi dở hơi trong nhà.
Biến cố tuổi lên 10
Tôi học chuyên văn, ngay từ năm lớp 3 (là lớp 4 hiện nay vì thời ấy còn có lớp vỡ lòng) đã khăn gói xa nhà vài tháng. Sáng thứ hai đi, chiều thứ bảy về. Quyết tâm lớn lao ghê lắm vì tôi là niềm tự hào của gia đình, nhà trường và quê nhà, lại được hợp tác xã động viên cấp cho 15 kg thóc để ăn học thành tài. Nhưng mà tôi vẫn là con gái út còn rờ "ti" mẹ nên lần đầu xa nhà là biến cố lớn.
Tôi nhớ lần đầu tiên ấy, bố chở tôi bằng một chiếc xe đạp sườn ngang. Túi quần áo, đồ dùng của tôi treo ở tay lái xe. Ba-ga sau chở một túm gạo và tôi ngồi vắt vẻo trên túm gạo ấy, tay cắp cặp sách. Tối hôm trước, cả nhà tôi được đánh chén một bữa cơm thịt gà để chia tay và mừng tôi được gọi vào lớp chuyên của huyện. Con đường khoảng 7 cây số đầy ổ gà. Tôi ngồi sau bố, xương xẩu, nhỏ bé; ngổn ngang với các cung bậc tình cảm: quyết tâm, tủi thân, hãnh diện, lo lắng...
Xe đi hết làng là đến cánh đồng. Con đường thẳng tắp, một bên là dòng sông, bên kia là cánh đồng, ngày thường tôi cùng chúng bạn tụ tập chơi đủ trò, nay đi qua thấy mồn một những cảnh nô đùa hiện về. Ban đầu tôi chỉ để nước mắt chảy dài. Qua cánh đồng, qua bãi bồi ven sông, đến trạm bơm thì tôi không kìm được nữa, khóc òa. Tôi chỉ muốn nói với bố tôi rằng tôi không tha thiết gì với trường chuyên và lớp chọn nữa, tôi muốn ở nhà và học ở trường xã nơi có bao nhiêu bạn bè; muốn được đi bắt cua, bắt ốc, câu cá cờ nướng cho con mèo Mướp đang nuôi con... Tôi chỉ muốn nhảy xuống xe và chạy như bay về nhà. Chao ôi, tôi giỏi văn làm gì cho tôi khổ thế này? Có lẽ đoán trước được diễn biến tâm trạng của tôi, đến quán nước ngay đầu trạm bơm, bố dừng xe.
Sức mạnh của tiếng đàn
Bạn thuộc thế hệ 7X đời đầu bạn sẽ hiểu bước chân vào quán nước thời ấy nó lớn lao như thế nào. Bởi nơi ấy có kẹo lạc, bánh nướng, bánh nếp, cục đường vàng,... toàn những thứ nằm trong mơ của những đứa trẻ quê mùa bụng lép.
Tôi bước vào quán và chờ đợi. Một cơn thịnh nộ hay những lời trách móc và dạy dỗ?
Nhưng không có gì xảy ra. Giá như lúc ấy bố tôi mắng giận hay giảng giải, chắc chắn tôi sẽ càng quyết tâm bỏ học trường chuyên. Thậm chí, tôi có thể chạy bộ về nhà. Vào quán, bố ân cần: "Nào, gái rượu của bố, ngồi xuống đây!".
Bố và tôi cùng ngồi lên một chiếc ghế dài không có lưng tựa. Bố chào hỏi chủ quán rồi lấy tiền mua cho tôi một cái bánh nếp và giục tôi ăn. Tôi vùng vằng chưa ăn, tôi biết rõ bố mua bánh để "mua chuộc". Bố không ép mà âu yếm nhìn tôi và ngỏ lời: "Để bố đàn cho con nghe nhé!".
Tình cờ chủ quán có cây đàn măng-đô-lin treo trên vách, bố hỏi mượn rồi gảy lên những nốt nhạc của bài "Bé bé bằng bông". Tiếng đàn giòn tan như tiếng nhai kẹo lạc, ngọt bùi như nhân bánh nếp, đậm đà như mùi bánh nướng. "Mẹ mua xe gỗ. Cho bé ngồi trong. Bao giờ chiến thắng sẽ cho bé về phố đông...".
Tôi nghe đàn một lúc thì quên khóc và cũng chẳng thể kìm nổi cơn thèm thuồng của mình. Biết ý, bố lại mời: "Ăn cho khỏe, cho lớn để còn làm bao việc giúp bố".
Tôi không biết so sánh cảm giác tuyệt vời khi đứa trẻ ngày xưa được cho bánh nếp với phần quà mà đứa trẻ ngày nay nhận được là gì: iPhone, iPad, xem một bộ phim mới, đi ăn ở nhà hàng sang trọng... Không, không có thứ gì có thể sánh nổi!
Bố đàn đi đàn lại vài bận thì tôi giải quyết xong chiếc bánh và cũng đã nguôi khóc, mặt mày tươi tỉnh trở lại. Bà chủ quán đã già, tóc bạc như bà Tiên trong cổ tích nhìn tôi ân cần: "Cháu gái đi học xa nhà phải không?".
Bố ngừng đàn, đỡ lời: "Vâng, cháu nó học trường làng hết chữ rồi, nay phải đi học trường xa bà ạ. Cháu đi, chiều thứ bảy cháu sẽ lại về!".
Tôi nghe, sung sướng, hãnh diện muốn bể lỗ mũi.
Và tiếng đàn lại tiếp tục tuôn chảy, như thể bố đã quên bẵng chuyện phải chở tôi đi học xa nhà; như thể việc của hai bố con tôi chỉ là đến quán nước này, ăn xong một chiếc bánh nếp, đàn một bản nhạc, rồi quay về nhà.
Tiếng đàn quả có sức mạnh đặc biệt của nó. Trong lúc bố vẫn đàn, tôi tự vấn mình: Bánh nếp đã ăn rồi, thịt gà thì tối qua đã được mẹ thưởng cho nguyên một đùi trong bữa cơm mừng và đưa tiễn, nay mới ra khỏi làng lại quay về, mặt mũi nào? Cả con mèo Mướp, lúc đi tôi đã bế, đã dặn dò nó kỹ lắm rồi, giờ quay về, nó ra mừng, biết ăn nói làm sao với nó? Vậy nên chính tôi lại là người đưa ra đề nghị: "Mình đi tiếp đi bố!".
Bố cười, bây giờ bố không chỉ bấm nốt mà còn hát lên câu điệp khúc, hát đi hát lại đến 3 lần rồi mới trả đàn cho bà chủ quán. Trong lúc bố hát, tôi thầm nghĩ: Em bé bằng bông còn đi sơ tán, xa nhà được. Mình bằng da bằng thịt, đen sắt như thế này thì hà cớ gì… Và bố con tôi lại lên đường, hăm hở, quyết tâm hơn cả lúc khởi hành.
Âm nhạc nuôi lòng lạc quan
Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu tại sao, bằng cách nào một người nông dân như bố có thể chơi cừ ghi-ta, măng-đô-lin, đàn nhị và cả trống. Cũng chẳng hiểu tại sao một quán nước nghèo chơ vơ cạnh trạm bơm giữa đồng lại có một chiếc măng-đô-lin đủ bốn dây treo ở đó. Hỏi rồi tôi tự trả lời, chỉ bởi chữ yêu. Bởi có tình yêu nên bố tôi biết chơi nhạc cụ, cũng như sự xuất hiện của chiếc đàn trên vách quán kia không thể là một sự vô tình.
Tôi cũng nhớ ra là mình đã quên mất, chưa kịp hỏi cảm giác của bố khi chơi đàn và nhìn đứa con gái út nhỏ bé - niềm yêu thương và hãnh diện của bố - quên khóc, ngồi nghe đàn và nhấm nháp từng miếng bánh nếp. Là thương, là tội, hay tự hào? Tôi nghĩ, là tất cả.
Rồi đàn con 5 đứa của bố mẹ tôi trưởng thành, xa nhà. Cuộc sống thăng trầm nhưng ở hoàn cảnh nào thì chúng tôi cũng vẫn mang tinh thần lạc quan của bố. Máu văn nghệ của bố thấm vào chúng tôi. Mấy anh trai tôi đều chơi đàn khá, mấy chị em gái không biết đàn, biết trống nhưng thích hát hò. Tôi nhớ thời còn nghèo khó, những đêm trăng ở nhà tôi, con trai đàn, con gái hát, mê say đến quên cả đêm. Và âm nhạc luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng tôi. Khi bực, lúc buồn, lúc vui hay cả khi bế tắc, anh chị em chúng tôi biết xếp lại để tìm đến những giai điệu làm cân bằng cuộc sống và còn lan tỏa tinh thần lạc quan đến người xung quanh.
Hơn 30 năm sau, tôi về. Trạm bơm vẫn đây nhưng quán nước ngày xưa không còn dấu vết. Bố tôi cũng đã thành người thiên cổ 30 năm tròn. Nhưng mùi thơm của cánh đồng, của vị bánh nếp, kẹo lạc vẫn được gió phảng phất đưa hương. Và tiếng đàn, tiếng đàn vẫn loang trên mặt sóng gợn của trạm bơm, chảy đều vào đồng ruộng:
"Bao giờ chiến thắng sẽ cho bé về phố đông
Bao giờ chiến thắng sẽ cho bé về phố đông".
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tieng-dan-mang-do-lin-tren-song-20201003214300074.htm