Tiếng gọi thao thiết trong lũ

'Bộ đội ơi, vẫn còn người già trong nhà, nhờ các anh đưa thuyền vào chở ra'; 'Bộ đội ơi, có người bị nước cuốn, nhờ các anh đưa xuồng ra cứu'; 'Bộ đội ơi...'

Xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) từ sáng đến chiều 12-9 đâu đâu cũng là hình ảnh bộ đội cùng lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ, cứu giúp người dân.

Chúng tôi có hỏi một số người dân vì sao chính quyền vận động sơ tán thì không đi, để đến hôm nay (12-9) mới lên xuồng, thuyền, lên ô tô đặc chủng của Quân đội, thì đều nhận được câu trả lời phần lớn do chủ quan, không ai nghĩ nước lên nhanh đến vậy.

Anh Đàm Văn Ca (thôn An Lạc) yên tâm hẳn sau khi bà ngoại mình là cụ Trần Thị Tám (101 tuổi) được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 12) và Nhà máy Z49 đưa tới nơi tránh trú an toàn. Anh Ca cho hay: “Chiều tối 11-9, địa phương cũng đưa thuyền vào, vận động sơ tán nhưng thuyền bé, nước lại dâng cao, chảy xiết nên gia đình không yên tâm. Phải đến khi bộ đội Nhà máy Z49 đưa thuyền cứu hộ cứu nạn (VSN-1500, VSN-1500-M1 - PV) vào thì người dân mới an tâm lên thuyền”.

 Bộ đội đưa người dân thôn An Lạc, xã Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) đến nơi an toàn.

Bộ đội đưa người dân thôn An Lạc, xã Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) đến nơi an toàn.

Quán bia hơi Huyền Cường ở thôn An Lạc trở thành địa điểm trung chuyển, đưa đón người dân đến nơi tránh trú. Bản thân họ hàng của chủ quán bia này cũng có 3 cụ già, 3 cháu nhỏ được bộ đội đưa ra khỏi vùng ngập lụt trong sáng 12-9.

Chị Bùi Thị Nhung (sinh năm 1980, người dân thôn An Lạc) đi thuyền ra quán bia hơi Huyền Cường nghe ngóng tình hình. Chị bảo với chúng tôi: "May quá, tôi còn kịp đưa con lợn nái ra đây. Ở nhà tôi vẫn còn một con lợn, một đàn gà cùng cặp chó hai ngày nay chưa được ăn". Vừa kể chuyện, chị Nhung vừa tranh thủ cho lợn ăn. “Lúc tôi ra đây, con lợn ở nhà cứ ngửa cổ lên mặt nước để thở, tội lắm chú à”, chị Nhung than thở.

Chính ngọ, bộ đội vẫn giúp người dân bị ngập nặng ở Trung Giã di tản. Ở hai thôn Hòa Bình, An Lạc, nhiều nhà bị ngập đến tầng 2. Có hộ dân vẫn chủ quan, còn giăng lưới bắt cá trong sân nhà; trong khi một vài hộ dân vội vã đeo phao (can nhựa) cho bò để tìm chỗ di chuyển. Thấy chúng tôi lội nước tiến sâu vào thôn, bà Nguyễn Thị Chanh (công tác tại sân bay Nội Bài) cảnh báo: “Cẩn thận đấy, kia là chùa An Lạc, còn chỗ kia là cái ao rất to của thôn đã chìm trong biển nước”. Vừa lúc đó, thuyền của Nhà máy Z49 đưa một tốp chừng 20 người già và trẻ em ra quán bia Huyền Cường để lên xe ô tô. Gương mặt ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi. Có người còn rơm rơm nước mắt vì nước ngập mấp mé bàn thờ gia tiên hay đau lòng khi nghĩa trang của thôn chỉ còn nhìn thấy tấm biển.

Trước khi đi đến cửa hàng của con trai, bà Chanh cẩn thận quay lại dặn chúng tôi: “Đừng đi về phía ruộng. Ruộng ở đây sâu lắm, cách mặt đường 2-3m đấy. Tiếc quá, nhà tôi mất 10 sào lúa, trong đó có 6 sào nếp cái hoa vàng. Đồng ruộng đẹp là thế mà phút chốc ngập trắng”. Bà Chanh buồn vì xóm làng ai cũng bị thiệt hại khi nước lên nhanh, mưa lớn. Nhiều nhà xe máy, tủ lạnh, ti vi, máy giặt, điều hòa hết thảy chìm nghỉm. Nấn ná trò chuyện thêm một hồi, bà Chanh chia sẻ: “Bộ đội về thôn, về xã giúp cho mọi chuyện đâu vào đấy. Thuyền nào tiến, thuyền nào vào nhà dân, nhà nào cần mấy chiến sĩ giúp... đều nhịp nhàng vào việc. Có thuyền to, xe lớn của bộ đội, người dân thêm an tâm di rời”.

12 giờ hơn, các thành viên gia đình chị Nguyễn Hà (thôn An Lạc) tỏa đi các hướng, lội nước đến bẹn mời các chú bộ đội, công an vào ăn cơm: “Bộ đội ơi, mời các anh vào đây. Các anh đừng ăn bánh mì vội, đợt một chút là có cơm”. Sân nhà chị Hà rộng hơn 100m2, là nơi các lực lượng nghỉ ngơi lấy sức, cũng là nơi tập kết hàng cứu trợ. Khi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141, Nhà máy Z49 vừa chuẩn bị mở hộp cơm thì bất chợt có người chạy vào hô hoán: “Bộ đội ơi, nhờ các anh cứu giúp, có hai người bị nước cuốn”. Anh em chiến sĩ chạy túa ra ngoài, nhảy ào lên thuyền... Lát sau, có tiếng người nói to: “May cho các ông vì các chú bộ đội đến kịp nhé!”. Bữa cơm trưa chỉ tầm 10 phút mà ai cũng thấp thỏm trong lòng. Cứ có bóng người chạy vào sân là người người đều trong tư thế bật dậy. Đến chiều, các lực lượng vũ trang vẫn tích cực di chuyển người dân, đặc biệt là người già bị bệnh tới nơi an toàn.

Bóng chiều chạng vạng, trong mênh mang biển nước lũ tại Trung Giã, chốc chốc lại vang lên tiếng gọi thao thiết: "Bộ đội ơi...".

Bài và ảnh: ĐÌNH HÙNG - HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/tieng-goi-thao-thiet-trong-lu-794140