'Tiếng hạt nảy mầm' trong sách tiếng việt 5 bị chê, các nhà thơ nói gì?

Đông đảo nhà thơ, nhà văn bày tỏ sự đau lòng, khó hiểu cũng như lên tiếng phân tích khi bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà bị dư luận chê bai.

Những ngày qua, bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà (in trong sách Tiếng Việt lớp 5) đã được chia sẻ trên diễn đàn Giáo viên Việt Nam cùng dòng trạng thái "Thơ thế này cũng đưa vào sách giáo khoa cho học sinh là sao?".

 Bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" được bàn luận trên diễn đàn Giáo viên Việt Nam. Ảnh: Chụp màn hình

Bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" được bàn luận trên diễn đàn Giáo viên Việt Nam. Ảnh: Chụp màn hình

Bên dưới bài đăng nhận về nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng bài thơ dùng từ khó hiểu, không phù hợp với học sinh tiểu học.

Những tranh luận xung quanh bài thơ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà thơ, nhà văn.

Được biết, bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà là bài số 5 trong tuần 3 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Đối với bài thơ này, học sinh sẽ thực hiện yêu cầu tham gia trò chơi "nghe từ ngữ, đoán âm thanh".

Đọc những bình luận trên diễn đàn Giáo viên Việt Nam, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, tác giả có 3 tác phẩm nằm trong bộ sách Chân trời sáng tạo, từng là giáo viên văn, từng là hiệu trưởng một trường THCS ở Cà Mau, viết trên trang cá nhân bày tỏ sự đau lòng khi Tiếng hạt nảy mầm (tác giả Tô Hà) bị hàng ngàn người trên diễn đàn chỉ trích.

Bằng cách cảm thụ, cách hiểu của một giáo viên dạy Văn được đào tạo bài bản, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà nhận định bài thơ Tiếng hạt nảy mầm giàu nhạc điệu, hình ảnh sống động, dễ thương, dễ hiểu.

“Bối cảnh bài thơ được viết cho một lớp học khiếm thính. Bạn hình dung không gian im lặng, hoàn toàn im lặng, mọi âm thanh không thể nào được trẻ khiếm thính cảm nhận được dù vang động đến đâu. Các em học ngôn ngữ kí hiệu, mường tượng âm thanh qua hướng dẫn của cô. Và kìa, như hạt nẩy mầm trên đá, hoa nở trong sa mạc, âm thanh cuộc sống ùa về trên bàn tay cô, trong ánh mắt ngập tràn yêu thương...

Bỏ qua sự cảm tính của Hà thì bài thơ vẫn rất trọn vẹn, dùng từ rất đắt, chọn lọc” – nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà phân tích.

Còn về từ "ánh ỏi" trong câu thơ "Hót nắng vàng ánh ỏi" bị cho cho là dùng từ sai, vô nghĩa, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà phân tích: "Ánh ỏi: Ngân vang, vút cao. Vậy thì tiếng chim hót trong nắng nó ngân vang vút cao hay nó phải màu vàng? Đến lúc này chúng ta đều biết vì sao nhà thơ dùng từ "ánh ỏi" mà không là từ "óng ả" hay từ nào đó khác. Tiếng Việt giàu và đẹp nhờ vào những biện pháp tu từ này".

Tiếng hạt nảy mầm

Mắt sáng, nhìn lên bảng

Lớp mươi nụ môi hồng

Đôi tay cô cụp mở

Báo tưng bừng thanh âm.

Cánh sẻ vụt qua song

Hót nắng vàng ánh ỏi

Các bé vẫn lặng chăm

Nhìn theo cô mấp máy.

Sau ngón tay cô đấy

Là tiếng hạt nảy mầm

Tiếng lá động trong vườn

Tiếng sớm mai mẹ gọi.

Tiếng cuộc đời sâu vợi

Con tàu biển buông neo

Ngôi sao mọc rừng chiều

Vó ngựa ran vách đá.

Bao nghĩ suy vất vả

Trong mắt người lo toan

Để từng âm có nghĩa

Bật lên từ môi em.

Nghe cánh vỗ chim non

Trước diệu kì tiếng hót

Giữa hồn nhiên lớp học

Ai nụ cười rưng rưng.

Tác giả Tô Hà

Chia sẻ với PLO về việc Tiếng hạt nảy mầm bị chê, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng ban Văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM, Ủy viên Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam cho biết nhà thơ Tô Hà là một trong những người đầu tiên làm tuyển tập về những nhà thơ hay nhất Việt Nam.

Ông đã tuyển chọn những câu thơ hay để in thành tập Những câu thơ trong trí nhớ. Qua đó, ông không chỉ là một nhà sáng tác mà còn là nhà nghiên cứu và rất cẩn trọng trong nghề nghiệp.

Ông mất năm 1991. Bài thơ này viết khoảng cuối thập niên 70. Có thể thấy nhà thơ Tô Hà không phải là một người viết tùy tiện. Ông viết điều gì cũng đắn đo. Khi viết bài thơ diễn tả một cô giáo thủ ngữ cho học sinh khiếm thị, ông đã dùng ngôn ngữ rất giàu âm thanh để chứng minh những dấu hiệu rõ ràng trong việc giáo dục. Nó phát ra âm thanh từ những động tác của cô giáo dạy.

Từ "ánh ỏi" trong bài thơ Tiếng hạt nảy mầm là một từ rất hay và bài thơ này cũng là một trong những bài viết cho thiếu nhi xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa” – nhà thơ Lê Thiếu Nhơn khẳng định.

 Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng cho rằng điều đáng luận là khi người biên soạn sách giáo khoa đều nghĩ việc tất cả học sinh thầy cô giáo đều cùng một kênh thẩm mỹ với mình.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng cho rằng điều đáng luận là khi người biên soạn sách giáo khoa đều nghĩ việc tất cả học sinh thầy cô giáo đều cùng một kênh thẩm mỹ với mình.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng cho rằng điều đáng bàn ở đây là công việc của người biên soạn sách giáo khoa. Bởi họ nghĩ việc tất cả học sinh hay thầy cô giáo đều cùng một kênh thẩm mỹ với mình.

"Việc người đọc quên mất phần gợi mở về tác giả và hoàn cảnh sáng tác đã gây ra rào cản vô hình trong việc tiếp nhận của giáo viên.

Câu chuyện này cũng là một hồi chuông cảnh báo, là câu chuyện để nhắc nhở những người làm công tác biên soạn phải nghĩ lại cách biên soạn của mình.

Không phải cứ chọn một tác phẩm mình thích là có thể đưa vào sách giáo khoa, phải có trách nhiệm giới thiệu tác giả của nó. Chí ít là trong tài liệu hướng dẫn cho giáo viên cũng phải có một số thông tin cần thiết xung quanh tác giả và tác phẩm" - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhấn mạnh.

Nhà thơ Tô Hà tên thật là Lê Duy Chiểu (1939-1991), từng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã xuất bản một số tập thơ Hương cỏ mặt trời (1978), Thành phố có ngôi nhà của mình (1988), Sóng giữa lòng tay (1990).
Đến chiều nay (7-10), bài đăng chê bai, chỉ trích bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của nhà thơ Tô Hà với hàng ngàn bình luận đã bị gỡ bỏ.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/tieng-hat-nay-mam-trong-sach-tieng-viet-5-bi-che-cac-nha-tho-noi-gi-post813750.html