'Tiếng kẻng an ninh' vì bình yên buôn làng
Hiện nay, với sự phát triển của nhiều thiết bị truyền thông, tiếng kẻng tưởng chừng đã bị lãng quên. Thế nhưng, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Chư Prông vẫn áp dụng hiệu quả hiệu lệnh này trong mô hình 'Tiếng kẻng an ninh'.
Ở xã biên giới Ia Mơr, tiếng kẻng đã trở thành âm thanh quen thuộc và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Ông Rơ Lan Chun-Chủ tịch Hội CCB xã Ia Mơr-cho biết: Trên địa bàn xã có 4 làng Jrai: Klăh, Krông, Hnáp, Khôi. Tất cả các làng đều duy trì mô hình “Tiếng kẻng an ninh” nhằm chung sức cùng chính quyền địa phương bảo vệ an ninh biên giới.
Chiếc kẻng của làng Klăh được treo tại nhà văn hóa thôn. Kẻng được làm từ mâm xe ô tô, dùi gõ là một chiếc búa. Người phụ trách đánh kẻng là Trưởng thôn, Chi hội trưởng chi hội CCB và Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn. Ông Rơ Mah Him-Trưởng thôn Klăh-chia sẻ: Nhìn đơn giản thế thôi nhưng tiếng kẻng này vang xa lắm, bà con đi làm rẫy xa đều nghe thấy cả. Là xã biên giới, nhờ có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Ia Mơr nên tình hình an ninh ở vùng này luôn được đảm bảo. Trước đây, tiếng kẻng làng Klăh thường vang lên khi phát hiện có người khả nghi hoặc kẻ xấu vào làng. Khi đó, mọi người nhanh chóng tập trung, đứng chốt tại các cửa ngõ của làng. Hiện tại, tình hình an ninh được đảm bảo nên tiếng kẻng chỉ vang lên để thông báo họp dân. Chỉ cần đánh kẻng báo hiệu, sau 10 phút, bà con sẽ tập trung đông đủ để nghe trưởng thôn triển khai công việc tại địa phương. Ông Rơ Mah Thin cho hay: “Tiếng kẻng vang rất xa, nhà mình ở cuối làng vẫn nghe thấy. Khi có tiếng kẻng, mình biết làng có việc cần và nhanh chóng tập trung”.
Thôn 10 (xã Ia Drăng) triển khai mô hình “Tiếng kẻng an ninh” vào đầu tháng 2-2020 trên cơ sở phối hợp giữa Hội CCB và Công an xã. Chiếc kẻng được đặt ở trước cổng nhà Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Văn Thọ. Người phụ trách đánh kẻng gồm Trưởng thôn, Chi hội trưởng chi hội CCB và Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn. Họ là những người tình nguyện đảm nhận công việc mà bà con tin tưởng giao phó. Để mô hình phát huy hiệu quả, thôn 10 đã ban hành quy ước về đánh kẻng và chỉ người dân trong thôn được biết. Đặc biệt, theo quy ước, khi vây bắt được kẻ gian, người dân phải bàn giao đối tượng cho Công an hoặc chính quyền địa phương, không vì bức xúc mà có hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng của đối tượng.
Ông Vũ Xuân Bảng-Trưởng thôn 10-chia sẻ: “Thôn có 131 hộ dân với hơn 500 khẩu. Bà con chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu. Tiếng kẻng dồn dập là hiệu lệnh báo động nhân dân biết để tổ chức vây bắt kẻ trộm, đối tượng xấu nghe thấy tiếng kẻng cũng sẽ khiếp sợ. Đáng nói là từ khi triển khai mô hình đến nay, tiếng kẻng an ninh ở thôn 10 chưa vang lên lần nào. Đó là tín hiệu tích cực, thể hiện sự bình yên của thôn xóm”.
Thời gian qua, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân. Từ thôn 10, mô hình đã lan tỏa ra toàn xã Ia Drăng. Hiện nay, 11 thôn, làng của xã có đến 17 chiếc kẻng an ninh. Điển hình, thôn Bình Thanh có 3 chiếc, An Hòa 2 chiếc, Hợp Thắng 2 chiếc, Hợp Hòa 2 chiếc…
Ông Mai Khắc Tuấn-Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Prông-nhận xét: Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, đóng góp tích cực vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đến nay, Hội CCB huyện đã triển khai cho Hội CCB các xã, thị trấn nhân rộng mô hình này.