Tiếng kêu cứu tắt dần sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria
Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để giải cứu số lượng lớn nạn nhân ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất thảm khốc ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2.
Các đội cứu hộ đã làm việc suốt đêm 7/2 để kéo thêm nhiều thi thể ra khỏi đống đổ nát của hàng nghìn tòa nhà bị đổ sập ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Công việc đầy vất vả của họ đôi khi được thắp lên một chút niềm vui qua việc tìm thấy ai đó còn sống sót, theo AP.
Tổng số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng này hiện lên tới 9.457 nạn nhân.
Giữa những lời kêu gọi chính phủ tăng cường hỗ trợ khu vực thiên tai, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tới thị trấn Pazarcik, tâm chấn của trận động đất và tới tỉnh Hatay - khu vực bị tàn phá nặng nề nhất vào ngày 8/2.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 60.000 nhân viên cứu trợ trong khu vực hứng chịu ảnh hưởng của động đất. Tuy nhiên, với quy mô tàn phá quá lớn, nhiều người vẫn đang chờ đợi sự giúp đỡ.
Những tiếng khóc dần im lặng
Gần hai ngày sau trận động đất mạnh 7,8 độ tấn công miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria, lực lượng cứu hộ đã kéo được cậu bé 3 tuổi Arif Kaan ra khỏi đống đổ nát ở Kahramanmaras, một thành phố cách tâm chấn không xa.
Thân dưới của cậu bé đã bị mắc kẹt dưới những tấm bê tông và thanh cốt thép. Các đội cứu hộ khẩn cấp đã đắp một tấm chăn lên người cậu trong nhiệt độ gần như đóng băng, khi họ cắt những mảnh vỡ xung quanh.
“Hiện tại, cái tên hy vọng ở Kahramanmaras là Arif Kaan”, một phóng viên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khi cuộc giải cứu kịch tính được phát sóng trước cả nước.
Vài giờ sau, lực lượng cứu hộ đã kéo cô bé Betul Edis, 10 tuổi, ra khỏi đống đổ nát của ngôi nhà ở thành phố Adiyaman.
Tuy nhiên, những câu chuyện như vậy là rất ít ỏi sau hơn hai ngày khi trận động đất dữ dội tấn công một khu vực rộng lớn và làm sập hàng nghìn tòa nhà. Nhiệt độ lạnh giá và các dư chấn liên tục làm phức tạp nỗ lực cứu hộ.
Các đội tìm kiếm từ hơn 20 quốc gia đã tham gia cứu hộ cùng lực lượng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng nhận được nhiều cam kết viện trợ.
Dẫu vậy, với sự tàn phá bao trùm nhiều thành phố và thị trấn, những tiếng kêu khóc từ trong đống đổ nát dần trở nên im lặng. Nhiều người đang chờ sự giúp đỡ đã trở nên ngày càng tuyệt vọng.
Tại Syria, trận động đất đã làm đánh sập hàng nghìn tòa nhà và giáng đòn mới vào một khu vực vốn đã bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến kéo dài 12 năm.
Vào chiều 6/2 tại một thị trấn phía Tây Bắc Syria, người dân tìm thấy một đứa trẻ sơ sinh đang khóc vẫn còn dây rốn nối liền với người mẹ đã khuất của mình. Đứa bé là thành viên duy nhất trong gia đình còn sống sót sau vụ sập nhà ở thị trấn nhỏ Jinderis, người thân chia sẻ với AP.
Theo Adelheid Marschang, một quan chức cấp cao về tình trạng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, số người có thể bị ảnh hưởng trong khu vực động đất có khả năng lên tới 23 triệu người.
"Cơ hội giảm dần mỗi phút"
Trong khi đó, ông Erdogan cho biết 13 triệu trong số 85 triệu dân của đất nước phải hứng chịu ảnh hưởng của động đất. Ông cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 10 tỉnh.
Các nhà chức trách cho biết hơn 8.000 người đã được kéo ra khỏi đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 380.000 người phải trú ẩn trong các nhà tạm trú của chính phủ hoặc khách sạn.
Tại Syria, cuộc xung đột đang tiếp diễn và sự cô lập của khu vực do phiến quân kiểm soát dọc biên giới đã cản trở các nỗ lực viện trợ. Bên cạnh đó, Syria cũng không nhận được nhiều hỗ trợ của cộng đồng quốc tế do đang phải đối mặt với lệnh trừng phạt.
Liên Hợp Quốc cho biết họ đang "thăm dò mọi con đường" để tiếp tế cho vùng Tây Bắc do quân nổi dậy kiểm soát.
Ngoài hàng nghìn người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ, 37.011 người khác đã bị thương. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 79.000 người đang tham gia vào công tác tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân sau thảm họa ngày 6/2.
Khi quy mô của thảm họa trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, số người chết dường như sẽ tăng lên đáng kể. Một quan chức Liên Hợp Quốc cho biết hàng nghìn trẻ em có thể đã chết.
Tuy nhiên, cư dân ở một số thành phố bị ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự tức giận và tuyệt vọng trước những gì họ cho là phản ứng chậm chạp và không thỏa đáng của chính quyền đối với trận động đất kinh hoàng nhất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1999.
Các nhân viên cứu hộ đã phải vật lộn để tiếp cận một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đường xá bị phá hủy, thời tiết xấu và thiếu nguồn lực cũng như thiết bị hạng nặng. Một số khu vực không có nhiên liệu và điện.
Trong khi đó, truyền thông Syria đưa tin số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất trên lãnh thổ nước này cũng tăng lên 2.500 người.
“Bây giờ là một cuộc chạy đua với thời gian. Mỗi phút, mỗi giờ trôi qua, cơ hội tìm thấy những người sống sót còn sống giảm dần”, Reuters dẫn lời Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Trên khắp khu vực, lực lượng cứu hộ làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm trong khi người dân đau khổ chờ đợi bên những đống đổ nát với hy vọng tìm thấy bạn bè, người thân và hàng xóm còn sống.
Tại Antakya, thủ phủ của tỉnh Hatay giáp biên giới với Syria, lực lượng cứu hộ rất mỏng và người dân tự mình đào bới các mảnh vỡ.
Còn tại thành phố Hama của Syria, Abdallah al Dahan cho biết đám tang của một số gia đình đã diễn ra hôm 7/2.
"Đó là một cảnh tượng đáng sợ theo mọi nghĩa. Cả đời tôi chưa từng thấy điều gì như thế này, bất chấp mọi chuyện đã xảy ra với chúng tôi”, Dahan nói.