Tiếng khóc xé lòng của người thân các nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu

Vụ sập cầu xảy ra vào sáng 9/9, công tác cứu hộ vẫn đang được tiến hành khẩn trương, quyết liệt tại xung quanh khu vực sập cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.

Chiều tối 9/9, sau khi nghe tin về vụ sập cầu Phong Châu khiến 8 phương tiện rơi xuống lòng sông, rất nhiều người dân là người thân, là vợ, là chồng, là anh, chị, em và họ hàng của các nạn nhân mất tích đã đến hiện trường vụ việc.

Ghi nhận của PV, xung quanh khu vực 2 đầu cầu Phong Châu hiện đã được phong tỏa, tuy nhiên rất đông người dân vẫn đứng theo dõi, hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn của cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ.

Bà Dương Thị Hoa bật khóc khi mong ngóng tin tức của em trai.

Bà Dương Thị Hoa bật khóc khi mong ngóng tin tức của em trai.

Tại hiện trường, bà Dương Thị Hoa (trú tỉnh Phú Thọ) bật khóc nức nở. Bà Hoa cho biết, chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng bị rơi xuống sông trong vụ sập cầu do em trai bà Hoa điều khiển. Nam tài xế gặp nạn tên Cường (44 tuổi). Ông Cường là tài xế lâu năm, hiện đang làm việc cho một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tam Nông.

Bà Hoa kể lại, sáng cùng ngày, bà đang ở nhà thì nghe tin cầu Phong Châu bị sập. Lập tức, bà Hoa lấy điện thoại liên hệ cho em trai nhưng không được.

“Qua liên lạc, công ty cho biết định vị chiếc xe tải do em ấy lái đã rơi xuống cầu. Tôi giờ chẳng biết em ấy ra sao, còn chút hi vọng, tôi chỉ mong em trai bình an. Vợ nó xem clip xong đã ngất, giờ đang nằm ở trung tâm y tế gần nhà. Còn các anh em, họ hàng đều đã đến đây”, bà Hoa nói.

Tiếng khóc xé lòng của người thân các nạn nhân tại hiện trường cứu hộ vụ sập cầu Phong Châu.

Tiếng khóc xé lòng của người thân các nạn nhân tại hiện trường cứu hộ vụ sập cầu Phong Châu.

Cũng là một trong những người đến ngóng chờ tin tức người thân, chị Hồng (trú tỉnh Phú Thọ) cũng đang chờ đợi phép màu đến với chị Yến (chị dâu). Chị Hồng chia sẻ, chị Yến có 3 con nhỏ, làm nghề buôn bán ở chợ, mỗi ngày đều phải di chuyển qua cầu Phong Châu.

“Khi nghe tin cầu sập, tôi đã gọi cho các bạn cùng buôn bán ở chợ nhưng không có thông tin, gọi gia đình cũng không được. Nước lũ chảy xiết như thế này, chị ấy sao có thể qua khỏi. Còn 3 đứa con nhỏ của chị ấy phải làm sao?”, chị Hồng cảm thán với PV.

Công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được thực hiện khẩn trương, quyết liệt.

Công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được thực hiện khẩn trương, quyết liệt.

Qua cuộc trò chuyện, PV được biết, cả bà Hoa và chị Hồng đều đã được lực lượng chức năng cho xem camera trích xuất vụ sập cầu và xác định người nhà của mình đã rơi xuống sông. Lúc này đây, tất cả người thân của các nạn nhân đều mong mỏi một phép màu, một kỳ tích sẽ đến. Nước lũ vẫn chảy xiết trên dòng sông Hồng, những tiếng khóc xé lòng đan xen với tiếng còi hú của xe cứu thương, xe cứu hộ tạo nên một khung cảnh đau thương nơi cầu Phong Châu đổ sập.

Trước đó, chiều 9/9, UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 - siêu bão Yagi, nước lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, tại Ấm Thượng đạt +27,25m, trên báo động III 1,25m.

Do nước sông lên cao, chảy xiết, vào khoảng 10h02 cùng ngày, cầu Phong Châu tại km18+300 quốc lộ 32C, kết nối 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính gồm nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông.

Cầu Phong Châu sập 2 nhịp cầu giữa sông vào khoảng 10h02 sáng 9/9.

Cầu Phong Châu sập 2 nhịp cầu giữa sông vào khoảng 10h02 sáng 9/9.

Sơ bộ xác định tại thời điểm xảy ra sự cố có 08 phương tiện gặp nạn, trong đó có 01 xe tải, 01 xe con, 05 xe máy, 01 xe đạp điện. Các lực lượng chức năng đã cứu, đưa 05 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Do nước lũ dâng cao, chảy xiết nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn; chưa xác định cụ thể về số người bị mất tích.

Đức Sơn

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tieng-khoc-xe-long-cua-nguoi-than-cac-nan-nhan-vu-sap-cau-phong-chau-447389.html