Tiếng máy vùng biên
Đó là sáng kiến đưa các máy móc nông nghiệp hiện đại lên với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) của cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Đồn Biên phòng (BP) Làng Mô, giúp cho bà con đỡ vất vả trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Hơn thế nữa, chương trình còn là nguồn động lực lớn khuyến khích bà con tích cực lao động, mở rộng sản xuất, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Giải phóng sức lao động cho phụ nữ
Những khó khăn về điều kiện tự nhiên, địa hình và nhận thức là những rào cản truyền thống khiến cho đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã miền núi, biên giới Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) khó có thể “tự lực cánh sinh” vươn lên trong cuộc sống. Rất khó có được một chiếc “chìa khóa” vạn năng để cùng lúc có thể giải quyết những vấn đề nêu trên trong ngày một ngày hai. Trong khi không thể thay đổi những yếu tố như điều kiện tự nhiên, địa hình, thì việc tạo dựng ý thức về giá trị và điều kiện lao động, sản xuất là việc làm rất thực tế và khả thi.
Đại úy Trần Thanh Nam, Chính trị viên Phó Đồn BP Làng Mô cho biết, những chuyến công tác vào bản Dốc Mây cách trung tâm xã hơn 20km, với hơn 5 giờ đồng hồ đi bộ, CBCS Đồn BP Làng Mô bị ám ảnh bởi hình ảnh những người phụ nữ Bru-Vân Kiều vẫn còn giã gạo, xay lúa bằng tay. Bản Dốc Mây chưa có đường dây điện, thì máy xay xát lúa không thể hoạt động.
Ngay sau đó, cũng chính các anh đã tìm thấy câu trả lời cho nỗi trăn trở này. Ở một số tỉnh miền núi phía Bắc đã khá phổ biến một loại máy xay nghiền mini, vừa có thể sử dụng được bằng động cơ điện, vừa có thể sử dụng bằng động cơ xăng. Và họ đã tìm hiểu, kêu gọi các nhà hảo tâm, nhà tài trợ kinh phí để mua cho bằng được.
Đầu tháng 9-2020, chiếc máy xay nghiền mini “đa năng” đầu tiên được các anh “gùi, cõng” lên tặng cho những người phụ nữ ở bản Dốc Mây. Từ đó, bàn tay của những người phụ nữ nơi đây không phải canh cánh nỗi nặng nhọc xay, giã, dần, sàng gạo cho cả gia đình. Cũng từ đây, Chương trình “Tiếng máy vùng biên” của Đồn BP làng Mô đã ra đời và thu hút được sự quan tâm của các nhà tài trợ, tạo nên một phong trào hỗ trợ các phương tiện, máy móc sản xuất nông nghiệp hiện đại lên vùng miền núi, biên giới. Hiện, đồn đã kết nối, kêu gọi hỗ trợ người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn 9 máy xay nghiền “đa năng” và 3 chiếc máy tuốt lúa, 4 máy cày mini.
Ngày các CBCS Đồn BP Làng Mô mang chiếc máy xay nghiền đa năng về lắp đặt, người Bru-Vân Kiều ở bản Đá Chát, ai nấy đều rất háo hức, vui mừng. Bà con trong bản, già trẻ, lớn bé đều đi xem cái máy hoạt động. Nhiều người còn mang cả lúa, ngô, sắn đến xay. Chị Hồ Thị Thư, Trưởng bản Đá Chát nói rằng: “Không ngờ người ta lại có thể sáng tạo ra cái máy chỉ nhỏ chưa bằng 1 nửa cái máy xay lúa ở bản Cây Sú, mà lại làm được nhiều việc như vậy, vừa xay xát lúa, vừa có thể nghiền ngô, khoai, sắn.Ở bản Cây Sú cũng có 1 cái máy xay xát gạo nhưng vì ở xa (cách 5km), chị em trong bản không có phương tiện đi lại và không lái được xe máy nên cũng ít khi mang lúa đi xay. Vì vậy, hầu hết chị em đều giã gạo bằng tay. Từ xưa đến nay, giã gạo, xay lúa là công việc rất nặng nhọc, thế nhưng người phụ nữ Bru-Vân Kiều vẫn phải làm. Mỗi lần giã phải mất cả buổi, nhưng cũng chỉ đủ gạo ăn khoảng 1 đến 2 ngày. Từ khi có cái máy này, phụ nữ trong bản không phải cực nhọc, mất công sức, thời gian để giã gạo như trước nữa. Nhờ vậy mà chị em siêng ra đồng, lên rừng làm việc hơn”.
Chị Thư cho biết, trước đây, sắn, ngô trồng được nhiều, ăn không hết, bà con cũng chỉ thái lát nhỏ hoặc bóc hạt, rồi phơi khô để cất giữ, chứ không có cách bảo quản, chế biến nào khác. Giờ có cái máy này, sắn, ngô có thể nghiền nhỏ để chăn nuôi. Vì vậy, chăn nuôi lợn, gà giờ đây cũng không mệt và vất vả như trước nữa. Nhiều nhà trong bản đã mua thêm lợn, gà về chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
“Lợi ích của những chiếc máy này là giá thành không cao (giá trị một chiếc từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng), một số tiền có thể kêu gọi, vận động các nhà tài trợ hỗ trợ. Những chiếc máy xay nghiền mini rất dễ sử dụng, vừa có thể xay xát gạo, vừa xay nghiền ngô, sắn để làm thức ăn chăn nuôi. Còn máy cày nhỏ rất phù hợp và tiện lợi cho việc làm đất ở những diện tích nhỏ, hẹp và dễ cơ động ở các địa hình đồi, dốc. Và điều quan trọng và ý nghĩa hơn cả là những phương tiện này không chỉ giúp cho bà con đỡ vất vả trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, mà còn là nguồn động lực lớn, khuyến khích cho bà con tích cực lao động, mở rộng sản xuất, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”, Đại úy Trần Thanh Nam cho biết.
Ấp trứng... trong thùng xốp
Đến nhà anh Hồ Xuân Trung, Bí thư Chi bộ bản Đá Chát, ai nấy đều tò mò và bị thu hút bởi một chiếc hộp xốp rất lạ. Ngạc nhiên và thích thú, chúng tôi đến gần và mở nắp chiếc thùng xốp này ra, thì quả thực bên trong chiếc lò này đang ấp mấy chục quả trứng. Anh Trung cho biết: “Đó là chiếc lò ấp trứng của cán bộ BP. Số trứng ngan (60 quả) này đã ấp được gần 2 tuần. Hiện tại, chúng đang phát triển rất tốt.
Mặc dù chiếc lò có chế độ tự động đảo, nhưng mỗi ngày tôi phải kiểm tra 2, 3 lần để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm cho phù hợp. Nếu “mẻ” này thành công, không chỉ tôi mà đồng bào không phải lo chuyện con giống để chăn nuôi. Bởi, con giống gia cầm như ngan, gà, vịt người ta lên bán tại đây rất đắt, từ 25.000 đến 30.000 đồng/con”.
Anh Trung còn cho biết, sau đợt lũ tháng 10-2020, nhiều nhà tài trợ về đây hỗ trợ các loại con giống gà, vịt. Nhưng không hiểu sao, nuôi được một thời gian thì chết hết. Bà con ở đây hiện rất cần con giống các loại vật nuôi.
Đứng bên cạnh chúng tôi, Đại úy Trần Thanh Nam tủm tỉm cho hay: “Lò ấp trứng này đến nhà anh Trung đã được chuyển giao sang nhà thứ 2. Trước đó, lúc ở nhà chị Nguyễn Thị Thảo cũng ở bản Đá Chát, nó đã cho “ra đời” 2 lứa gà hơn 50 con gà (tỷ lệ trứng nở thành công lên đến 90%). Mặc dù chiếc lò ấp này đã có được những thành công nhất định, song đang ở giai đoạn thử nghiệm”.
Ngạc nhiên và có chút phân vân, chúng tôi đem chuyện hỏi Thượng tá Lê Văn Sỹ, Chính trị viên Đồn BP làng Mô, thì được biết: “Đó là sản phẩm của tâm sức của anh em trong đơn vị. Đại úy, Chính trị viên phó Trần Thanh Nam đã "tìm thấy" nó trên mạng Internet. Sau khi trao đổi, xin ý kiến đơn vị, đồng chí Nam liền đặt hàng mua về. Tôi đã thấy anh em gắn nó vào một cái thùng xốp nữa. Rồi chính tay anh em mang về lắp đặt và tặng cho bà con ấp thử nghiệm vào tháng 12-2020. Tổng giá trị của cái lò này không lớn (600.000 đồng/máy) nhưng nếu có thể giải quyết được vấn đề con giống gia cầm cho bà con thì giá trị của nó là rất lớn”.
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Sơn Hải cho hay, những máy móc, phương tiện sản xuất do Đồn BP làng Mô kêu gọi giúp đỡ cho bà con đã tạo nên bước tiến mới, góp phần cải thiện điều kiện sản xuất cho bà con nơi đây. Trên cơ sở đó, thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường vận động bà con chủ động tổ chức và mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.
Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202104/tieng-may-vung-bien-2187625/