Tiếng nổ siêu thanh - Vũ khí tâm lý mà Israel dùng để gieo rắc nỗi sợ ở Liban?
Kể từ ngày 7/10/2023, Israel đã nhiều lần sử dụng tiếng ồn lớn để gây sợ hãi ở Liban.
Theo kênh Al Jazeera ngày 10/8, máy bay của Israel ngày càng gây ra nhiều tiếng nổ siêu thanh trên bầu trời Liban từ ngày 7/10/2023 – khi lực lượng Hamas ở Gaza tấn công miền Nam Israel. Nhưng những tiếng nổ vang lên ở thủ đô Beirut ngày 6/8 vừa qua là lớn nhất mà người dân từng nghe thấy ở thủ đô.
Khi máy bay bay với tốc độ nhanh hơn tốc độ âm thanh sẽ tạo ra các sóng xung kích nén lại và hợp thành một làn sóng áp lực lớn, gây ra tiếng nổ mạnh.
Sau sự kiện vào tháng 10 năm ngoái, phong trào Hezbollah ở Liban và Israel đã tham gia vào cuộc xung đột ở mức độ thấp. Ngày 9/8, Israel tăng cường các cuộc tấn công, giết chết quan chức Hamas là Samer al-Hajj trong một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) vào thành phố ven biển Sidon, cách biên giới phía Nam Liban khoảng 50km.
Tuy nhiên, trong suốt cuộc chiến ở Gaza, Israel đã gây ra các vụ nổ siêu thanh bằng cách cho máy bay bay ở độ cao thấp trên bầu trời Liban mà mục tiêu là đe dọa và gây kinh hoàng cho người dân.
Ông Ramzi Kaiss, một nhà nghiên cứu người Liban của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: “Chúng tôi lo ngại về việc máy bay Israel gây ra tiếng nổ siêu thanh trên bầu trời Liban, tạo ra nỗi sợ hãi lớn cho dân thường. Các bên trong xung đột vũ trang không nên sử dụng các phương pháp đe dọa dân thường”.
Video chiến đấu cơ Israel trên bầu trời Beirut (Nguồn: The Times of Israel):
Những vụ nổ siêu thanh ngày 6/8 xuất hiện chỉ hai ngày sau ngày kỷ niệm vụ nổ ở cảng Beirut ngày 4/8/2020, tàn phá những vùng đất rộng lớn ở Beirut, khiến trên 200 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Vụ nổ xảy ra do hỏa hoạn tại một nhà kho chứa amoni nitrat rất dễ cháy.
Vụ nổ siêu thanh này cũng xuất hiện ngay trước khi thủ lĩnh Hezbollah là ông Hassan Nasrallah chuẩn bị phát biểu.
Tháng trước, căng thẳng giữa hai bên leo thang sau khi Israel ám sát chỉ huy cấp cao của Hezbollah là Fuad Shukr ở Liban và ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh ở thủ đô Tehran của Iran.
Theo ông Lawrence Abu Hamdan, sáng lập viên Earshot (tổ chức phi lợi nhuận tiến hành phân tích âm thanh để theo dõi các hành vi vi phạm nhân quyền), sử dụng tiếng nổ siêu thanh là một phần trong xu hướng chiến tranh tâm lý lớn hơn mà Israel tiến hành nhằm vào Liban.
ÔngAbu Hamdan cho biết kể từ cuộc chiến tranh Hezbollah - Israel năm 2006, Israel đã thường xuyên điều máy bay chiến đấu vào không phận Liban. Đã có hơn 22.000 vụ việc như vậy từ năm 2006 và chỉ riêng năm 2020, đã có hơn 2.000 vụ mà Hezbollah không đáp trả.
Ông Abu Hamdan cho rằng từ tháng 10/2023, Israel cũng đã sử dụng tiếng nổ siêu thanh để nhắc nhở bằng âm thanh rằng Israel có thể biến Liban thành Gaza bất cứ lúc nào.
Việc Israel ngày càng sử dụng tiếng nổ siêu thanh nhiều cho thấy xu hướng leo thang xung đột với Hezbollah trong nhiều tháng qua. Ông nói: “Có xu hướng leo thang và chúng ta đang chứng kiến xu hướng leo thang đó về mặt âm thanh. Tất nhiên, giai đoạn tiếp theo của leo thang là phá hủy cơ sở vật chất”.
Nhiều người dân Beirut sợ hãi khi nghe thấy tiếng nổ lớn này và lo sợ bị tấn công.
Theo ông Abu Hamdan, tiếng máy bay chiến đấu và những tiếng động giống như vụ nổ khác có thể khiến những người sống sót sau các vụ nổ và chiến tranh trước đó bị tổn thương trở lại.
Theo các nghiên cứu y khoa, các âm thanh máy bay và tiếng nổ lặp đi lặp lại thậm chí có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và làm cạn kiệt lượng canxi trong tim. Ông Abu Hamdan giải thích: “Khi bạn đã tiếp xúc với những âm thanh của máy bay hoặc tiếng nổ…, thì cứ mỗi khi nghe thấy, thậm chí là âm thanh nhỏ cũng sẽ tạo ra phản ứng căng thẳng tương tự”.
Trong khi đó, căng thẳng giữa Hezbollah và Israel tiếp tục gia tăng. Ngày 10/8, Hezbollah đã tấn công một căn cứ quân sự của Israel ở phía Tây Nam thành phố Safed, miền Bắc Israel, bằng các thiết bị bay không người lái và gây thương vong cho một số binh sĩ Israel.
Thông báo của Hezbollah cho biết đã tấn công căn cứ Michve Allon của quân đội Israel, nơi được dùng để tập trung lực lượng và kho hậu cần khẩn cấp cho Quân đoàn phương Bắc của Israel. Thông báo khẳng định vụ tấn công này là nhằm đáp trả vụ một quan chức của phong trào Hamas bị ám sát trong một vụ tấn công của Israel tại thành phố Sidon, miền Nam Liban, trước đó một ngày. Theo các nguồn tin quân sự Liban, quân đội Israel đã tiến hành 10 vụ không kích nhằm vào 6 ngôi làng và thị trấn cùng ngày tại khu vực biên giới, khiến 3 dân thường thiệt mạng.
Liban đang đặt trong tình trạng đề phòng và cảnh giác cao sau vụ tấn công của Israel nhằm vào khu vực phía Nam thủ đô Beirut. Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã cảnh báo đáp trả vụ việc này.