Tiếng nói tâm huyết của các nhà văn

Đại hội lần thứ X nhiệm kỳ 2020-2025 của Hội Nhà văn Việt Nam đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn học Việt Nam trong thời gian tới. Bên lề đại hội, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã gặp gỡ, trò chuyện và ghi lại nhiều ý kiến tâm huyết của một số đại biểu.

Thiếu tá QNCN, nhà thơ Phạm Vân Anh (Phó chi hội trưởng Chi hội Nhà văn quân đội):

Tin tưởng về sự bứt phá của văn học Việt Nam

Trong sáng tác, tôi luôn quan niệm rằng, chỉ cần có một tình yêu với quê hương, đất nước, một tấm lòng bền bỉ với văn chương và một khát vọng hướng thiện, các cây bút có thể vượt qua được rất nhiều khó khăn để tạo dựng một con đường sáng tạo mang dấu ấn riêng mình. Hội Nhà văn Việt Nam nói chung và bản thân mỗi nhà văn chúng ta đều có trách nhiệm đối với nền văn học nước nhà. Trong đó, cần có những tác phẩm, các hoạt động văn học hữu hiệu nhằm thúc đẩy hòa hợp dân tộc, xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua văn học. Đồng thời tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng những giá trị nhân văn mới.

 Thiếu tá QNCN, nhà thơ Phạm Vân Anh.

Thiếu tá QNCN, nhà thơ Phạm Vân Anh.

Văn học Việt Nam hiện đại đã có những tác phẩm lớn đề cập đến các vấn đề của thời đại, của đất nước ngày hôm nay. Chính vì thế, Ban chấp hành khóa mới cần tăng cường kết nối, giao lưu quốc tế để quảng bá các tác phẩm văn học rộng ra khu vực và thế giới, góp phần quan trọng trong hoạt động đối ngoại nhân dân, đối ngoại văn hóa và tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học. Và tôi luôn tin tưởng rằng, dòng chảy văn học mang tâm hồn và giá trị Việt Nam trong thời gian tới sẽ có sự bứt phá ngoạn mục.

Dịch giả Lê Bá Thự (Liên chi hội Nhà văn khối các cơ quan Trung ương):

Văn học dịch hướng tới cân bằng “xuất-nhập”

Thời gian qua, văn học dịch đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vùng, miền, quốc gia là nguồn gốc của sách dịch ngày càng mở rộng, không còn chỉ tập trung vào các khu vực truyền thống trước đây như: Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, mà lan rộng tới nhiều nước Á, Phi, Mỹ Latin và Đông Âu.

 Dịch giả Lê Bá Thự.

Dịch giả Lê Bá Thự.

Số tác phẩm của các tác giả Việt Nam được dịch và xuất bản ở nước ngoài cũng ngày càng nhiều, do nỗ lực của Hội Nhà văn Việt Nam và của một số cá nhân nhà văn. Tuy nhiên, số sách văn học Việt Nam được ấn hành ở nước ngoài vẫn chưa thấm vào đâu so với sách nước ngoài được dịch và in tại Việt Nam, dẫn đến tình trạng “nhập siêu” văn học. Theo tôi, mục tiêu những năm tới đây của chúng ta là: Hướng tới cân bằng “xuất-nhập” trong văn học dịch. Thời gian tới, chúng ta cần tập trung mọi khả năng có thể cho việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Có nhiều cách và nhiều kênh để thực hiện điều này. Hội Nhà văn Việt Nam cần có kế hoạch thật bài bản, đặc biệt phải huy động mọi nguồn lực để thực hiện cho “ra tấm ra món”.

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương (Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh):

Đưa giá trị văn học ra ngoài trang sách

Tác phẩm văn học luôn là chất liệu nền tảng để chuyển thể thành kịch bản sân khấu, điện ảnh. Bản thân tôi, ngoài chuyển thể tác phẩm văn học của mình, cũng thường xuyên chuyển thể tác phẩm văn học của các bạn bè văn chương trở thành kịch bản sân khấu, điện ảnh, thu hút sự chú ý của công chúng. Và trên thực tế, chúng ta thấy, nhiều tác phẩm văn chương được bạn đọc tìm đến nhiều hơn sau khi bước lên sân khấu và màn ảnh. Công việc này lâu nay tự thân nhà văn thực hiện hoặc do các đơn vị nghệ thuật tìm đến với các biên kịch, vai trò kết nối của Hội Nhà văn Việt Nam để đưa văn học bước ra ngoài trang sách chưa thật sự hiệu quả.

 Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương.

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương.

Bước vào thời đại công nghiệp văn hóa, tôi mong muốn Hội Nhà văn Việt Nam tăng cường quảng bá tác phẩm của hội viên theo nhiều phương cách, nhất là trên mạng xã hội. Đồng thời, giao lưu quốc tế thiết thực hơn để tác phẩm của nhà văn Việt Nam được chú ý. Biết đâu sẽ có ngày những nhà làm phim nước ngoài có thể tìm thấy trong văn học Việt Nam cốt truyện cho một siêu phẩm điện ảnh?

PGS, TS, nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Văn Dân (Liên chi hội Nhà văn khối các cơ quan Trung ương):

Hội Nhà văn Việt Nam cần can dự mạnh mẽ hơn vào đời sống lý luận, phê bình

Có ý kiến cho rằng Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm đến các chuyên ngành sáng tác văn xuôi, thơ mà ít chú ý đến chuyên ngành lý luận, phê bình. Thực ra không hẳn như vậy. Hội Nhà văn đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm tập trung bàn thảo về lý luận phê bình văn học, về tác giả, tác phẩm có quy mô lớn và hết sức chất lượng. Hội Nhà văn Việt Nam cũng có hỗ trợ kinh phí, dù không nhiều, cho các công trình lý luận phê bình. Việc kết nạp hội viên chuyên ngành lý luận, phê bình mấy năm qua cũng tăng đáng kể. Giải thưởng hằng năm của hội cũng đã trao cho các công trình lý luận, phê bình có giá trị.

 PGS, TS, nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Văn Dân.

PGS, TS, nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Văn Dân.

Điều tôi mong muốn trong nhiệm kỳ mới là Hội Nhà văn Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn, tác động mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học. Lâu nay trong đời sống lý luận, phê bình văn học vẫn có một bộ phận thiên về sự khen chê theo cảm tính, nhiều khi nặng về bình tán, kể cả bình tán lý thuyết lẫn bình tán tác phẩm văn chương. Hội Nhà văn cần khuyến khích và tổ chức các cuộc tranh luận về phê bình để thúc đẩy công việc lý luận, phê bình văn học sáng tạo được những công trình có tính khoa học cao hơn nữa, từ đó giúp cho các nhà văn sáng tác ra được những tác phẩm văn học có giá trị.

Nhà văn Meggie Phạm (Chi hội Nhà văn Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế):

Thu hút cây bút trẻ tích cực sinh hoạt văn chương

Tôi rất vinh dự là hội viên trẻ nhất được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016 ở tuổi 25 và là đại biểu trẻ nhất tại Đại hội lần thứ X. Cá nhân tôi thấy gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam, được thường xuyên sinh hoạt văn chương rất có lợi: Kích thích ham muốn sáng tác, đặc biệt là được học hỏi các cây bút đi trước về kinh nghiệm sáng tác để hoàn thiện tác phẩm của bản thân.

 Nhà văn Meggie Phạm.

Nhà văn Meggie Phạm.

Tôi mong muốn Hội Nhà văn Việt Nam tăng cường hoạt động sinh hoạt văn chương thu hút các cây bút trẻ, không chỉ dừng lại ở các hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc tổ chức 5 năm/lần. Đồng thời, Ban Nhà văn trẻ của hội cần thường xuyên liên lạc, tăng cường kết nối hội viên, nhất là các hội viên ở địa phương, để chúng tôi có thể nắm bắt tình hình văn chương, tích cực tham gia các hoạt động của hội.

Nhà thơ Bùi Thị Tuyết Mai (Liên chi hội Nhà văn khối các cơ quan Trung ương):

Quan tâm hơn nữa đến văn học dân tộc thiểu số

Khi mới viết văn, làm thơ, tham gia sinh hoạt văn học, tôi được các nhà văn thế hệ cha chú động viên nên gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam. Xem đó là trách nhiệm với nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Mường yêu dấu của tôi, chứ không phải là để lấy danh tiếng. Sau này, khi đã là hội viên, tôi mới ý thức được trách nhiệm phải lưu giữ căn cốt dân tộc Mường kết đọng trong văn chương; giới thiệu bản sắc văn hóa, bề dày văn học dân gian người Mường đến với bạn bè quốc tế thông qua các hội nghị quảng bá văn học, liên hoan thơ quốc tế; khơi gợi tinh thần yêu văn chương của các bạn trẻ dân tộc Mường...

 Nhà thơ Bùi Thị Tuyết Mai.

Nhà thơ Bùi Thị Tuyết Mai.

Những năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã rất cố gắng giúp đỡ những cây bút dân tộc thiểu số phát huy hết khả năng sáng tạo. Tôi mong muốn, Ban chấp hành khóa mới hãy thúc giục các nhà văn dân tộc thiểu số đi, đọc, viết; nỗ lực sáng tác nhiều hơn nữa. Tôi cũng mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, để qua đó Hội Nhà văn Việt Nam có đủ nguồn lực đầu tư sáng tác, lưu giữ giá trị văn học các dân tộc thiểu số.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tieng-noi-tam-huyet-cua-cac-nha-van-644939