'Tiếng súng Phước Long chờ mong tin thắng…'
Phước Long (nay thuộc tỉnh Bình Phước) có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi giao tiếp của 4 địa bàn gồm: Nam Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia, miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, cách mạng miền Nam có những chuyển biến mới. Theo Hiệp định, ngày 29/3/1973, Mỹ rút hết quân. Một trong hai nhiệm vụ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã được thực hiện.
Tuy vậy, chính quyền Sài Gòn vẫn phá hoại Hiệp địch, cho quân tấn công lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Vào nửa cuối năm 1974, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Nắm bắt thời cơ, Đảng ta hạ quyết tâm chiến lược: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng…”.
Chấp hành chỉ đạo, ngay đầu mùa khô 1974-1975, quân dân ta trên chiến trường miền Nam đẩy mạnh hoạt động đấu tranh quân sự. Tại miền Đông Nam Bộ, tháng 10/1974, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 (thành lập ngày 20/7/1974) mở Chiến dịch đường 14 - Phước Long nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; mở rộng vùng giải phóng, mở rộng đầu cầu tuyến hành lang chi viện chiến lược 559; tạo bàn đạp thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực sẵn sàng tiến công Sài Gòn.
Phước Long (nay thuộc tỉnh Bình Phước) có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi giao tiếp của 4 địa bàn gồm: Nam Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia, miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.
Tuyến đường 14 đi qua Phước Long dài hơn 100km trở thành cầu nối quan trọng nối liền Nam Tây Nguyên về miền Đông Nam Bộ. Trong khi đó, địch ở Phước Long tương đối mỏng (4 tiểu đoàn bảo an, 2 đại đội cảnh sát, 10 trung đội pháo binh, 1 chi đội xe bọc thép, 60 trung đội dân vệ, 3.000 phòng vệ dân sự), phân bố thành 3 khu vực chính: Đồng Xoài, Bù Đăng và thị xã Phước Long.
Sau khi nhận được báo cáo về kế hoạch tác chiến Chiến dịch đường 14 - Phước Long từ chiến trường gửi ra, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: Phước Long là địa bàn nhạy cảm về chính trị nên hoạt động quân sự của ta cần tiến hành từng bước, vừa bảo đảm chắc thắng, vừa thăm dò thực chất khả năng đối phó của quân đội Sài Gòn và phản ứng của Mỹ.
Từ nhận định đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền: Trước mắt, không sử dụng xe tăng, pháo lớn (loại 130mm), không đồng thời tiến công cả hai hướng (Đồng Xoài, Bù Đăng), mà chỉ sử dụng một lực lượng thích hợp (sư đoàn tăng cường) tập trung tiến công hướng địch yếu nhất (Bù Đăng).
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 13/12/1974, Chiến dịch đường 14 - Phước Long chính thức bắt đầu. Chiến dịch diễn ra 3 đợt:
Đợt 1 (từ ngày 13 đến 17/12/1974): Ta đánh chiếm hàng loạt đồn bốt địch ở Km19 trên đường 14; tiến công làm chủ chi khu Bù Đăng (14/12/1974); vây ép yếu khu Bù Na, truy kích quân địch ở đây rút chạy, quét sạch các vị trí địch trên đường 14 từ Bù Đăng đến sát Đồng Xoài. Kết thúc đợt 1 chiến dịch, ta thu nhiều vũ khí đạn dược, trong đó có 2 khẩu pháo 105mm với gần 6.500 viên đạn pháo).
Đợt 2 (từ ngày 23 đến 28/12/1974): Sau khi ta giành chiến thắng đợt 1, địch không điều quân ứng cứu, chỉ cho máy bay ném bom chiến thuật hoạt động ở mức thấp (2-3 lần chiếc/ngày). Nắm bắt thời cơ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo Bộ Chỉ huy Miền nhanh chóng thực hiện kế hoạch giải phóng Đồng Xoài. Để bảo đảm chắc thắng, Bộ Chỉ huy Miền lệnh cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tăng cường lực lượng (lực lượng Sư đoàn 7, Sư đoàn 3 làm nòng cốt). Quân ta nổ súng tiến công tiêu diệt các mục tiêu, giải phóng Đồng Xoài, thu nhiều vũ khí, đưa lực lượng áp sát thị xã Phước Long.
Đợt 3 (từ ngày 31/12/1974 đến 6/1/1975): Thắng lợi Đồng Xoài đã làm cho tương quan chiến dịch thay đổi có tính chất đột biến theo hướng hoàn toàn có lợi cho cách mạng. Địch bị mất 2 khu vực quan trọng vòng ngoài (Bù Đăng, Đồng Xoài), làm cho thị xã Phước Long nằm trong tình thế bị bao vây, cô lập hoàn toàn. Phản ứng của địch vẫn hạn chế, chúng chỉ đưa một tiểu đoàn bộ binh lên tăng cường cho thị xã Phước Long. Nắm bắt thời cơ, theo đề nghị của Bộ Chỉ huy Miền và Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đồng ý với quyết tâm lập tức giải phóng thị xã và toàn tỉnh Phước Long. Để bảo đảm “chắc thắng, thắng nhanh gọn”, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cho phép Bộ Chỉ huy Chiến dịch đường 14 - Phước Long tiếp tục tăng cường lực lượng, cho phép sử dụng cả xe tăng, pháo lớn 130mm. Thực hiện quyết tâm đề ra, ta tiến công đánh chiếm các mục tiêu, giải phóng thị xã và toàn tỉnh Phước Long, kết thúc thắng lợi Chiến dịch đường 14 - Phước Long.
Kết quả toàn chiến dịch, ta tiêu diệt và bắt giữ hơn 4.000 tên địch, phá hủy 15 máy bay, 4 khẩu pháo, 3 xe bọc thép, thu giữ 3.125 súng các loại, 100 xe ô tô, 10.000 viên đạn pháo; giải phóng toàn tỉnh Phước Long với 50.000 dân. Chính quyền Sài Gòn bất lực, chấp nhận mất Phước Long. Chính phủ Mỹ lúc ấy chỉ còn cách tuyên bố đe dọa chiếu lệ. Đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể lúc đó, Chiến dịch đường 14 - Phước Long là thắng lợi có ý nghĩa rất to lớn, tạo bước ngoặt đi đến quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước...
Trước đó, năm 1966, trong một lần về sóc Bom Bo, nhạc sĩ Xuân Hồng vô cùng xúc động khi thấy đồng bào S'tiêng nơi đây sẵn sàng ăn củ rừng để nhường gạo cho bộ đội. Từ già làng Điểu Nhếch đến cán bộ sóc Điểu Tơi, Điểu Lênh đều tham gia giã gạo. Ca từ “Nay nước còn gian khó, mồ hôi ta đổ” thì rõ rồi. Nhưng “Tiếng súng Phước Long chờ mong tin thắng…” thì phải chăng là một dự ước mà người nhạc sĩ tài ba đã nói trước cả chục năm… Tôi và Điểu Cóc hôm ấy đều đồng ý như thế.