Tiếng trống da trâu trong thẳm sâu nếp làng
Một năm mới ở làng quê bắt đầu bằng những âm thanh thiêng liêng, đấy là tiếng chuông chùa và trống làng, trống họ. Nếu như tiếng chuông chùa gọi là pháp âm an lành trong tín ngưỡng, thì tiếng trống được coi như là 'khỉ lệnh' của làng để báo hiệu hoạt động của con dân bắt đầu. Tiếng trống thuần túy là tiếng của làng quê Việt tự bao đời.
Tiếng trống làng
Rạng sáng Nguyên đán, tiếng trống làng tôi (làng Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong) sẽ được cử. Trên đường quê các cụ ông khăn đóng áo dài là những người đầu tiên khởi hành đi về phía đình làng.
Các cụ trong ban hương sự làm lễ cáo ở đình làng. Sau lễ cáo đình làng thì tiếng trống ở các nhà thờ dòng họ mới được cử, các cụ trong họ tộc làm lễ cáo ở nhà thờ họ tộc của mình. Đấy là những chiếc trống lớn treo trong đình, trong nhà thờ. Nghi lễ ở làng có hai nhạc cụ là trống và chiêng. Những người đến tuổi sáu mươi sẽ được cử vào ban nghi lễ và giao việc đánh chiêng trống, phải mặc áo dài khăn đóng đen mỗi khi đánh.
Nhưng vinh dự lớn nhất ở làng là cụ đại bái làng (trưởng làng, hội chủ làng). Những tiêu chí của một đại bái làng rất khắt khe và nghiêm ngặt, bao hàm cả về tuổi tác, đạo đức, gia thế và phải được làng bầu ra. Đại bái làng sẽ được cất giữ một cái trống con, có cán gỗ. Trống này có thể bồng vừa khít trước bụng nên ở quê gọi là trống bồng.
Khi có việc đám tang, làng sẽ họp để bầu ra một ban trị sự lo việc lễ. Ông trưởng ban trị sự (thường là đại bái làng, hoặc do đại bái làng chỉ định ủy quyền) sẽ được cầm trống bồng. Bắt đầu lễ, người dẫn xướng sẽ hô: “Mời làng khỉ lệnh” (khỉ trong tiếng Hán tức là khởi, bắt đầu - từ dạng mật ngữ trong nghi lễ). Lúc này ông trưởng ban trị sự sẽ gõ ba tiếng trống bồng, rồi chiêng trống mới được đánh. Điều này tương tự trong phường bát âm cũng có một người chủ xướng giữ trống bồng để dẫn lệnh cho đội kèn, bầu, nhị.
Trống được đặt nơi khô ráo, tránh nước mưa. Nếu bị ẩm, mặt da trống sẽ không còn giữ độ căng chuẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiếng kêu, thậm chí có thể gây thủng trống. Mỗi làng chỉ có dăm ba cái trống và được giữ gìn cẩn thận trong chùa, đình làng, các nhà thờ họ tộc.
Ngày trước, một cái trống được làng chọn lựa rất kỹ lưỡng. Khi người thợ căng mặt trống, các cụ sẽ đến tận nơi để nghe tiếng, bao giờ vừa ý mới được cho nêm ngạt cố định mặt da. Trống thành ra một vật thiêng liêng của nghi lễ làng quê. Vì tính thiêng ấy nên rất hiếm khi có chuyện thay trống, nếu có hỏng thì làng sẽ gọi thợ về tu sửa. Vì thế, nghề làm trống không phải là nghề thịnh hành.
Trống Trường Sơn trên đất Quảng Trị
Quả đúng nghề làm trống không phải thứ chạy theo thị trường được, mà nó là cái nghề truyền thống của gia đình, của làng quê - ông Phạm Chí Sơn, chủ xưởng trống Trường Sơn ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị chia sẻ. Giọng Bắc ấm, ông Sơn cho biết quê ông ở làng Đọi Tam, tỉnh Hà Nam, nơi có nghề làm trống truyền thống nức tiếng. Cha của ông trước đây là bộ đội Trường Sơn chiến đấu ở Quảng Trị. Sau giải phóng cụ ở lại lập nghiệp tại mảnh đất chiến trường này và đưa luôn nghề làm trống vào đây từ năm 1973. Tên trống Trường Sơn cũng từ đời lính đó mà ra.
Được biết, từ thế kỷ thứ X ở làng Đọi Tam có hai anh em họ Nguyễn đi qua, thấy đất đai tốt lành, cây mít to gốc cho trái vàng ươm thơm ngọt nên ở lại lập nghiệp. Năm 986, vua Lê Đại Hành về làng Đọi Tam dự lễ tịch điền, hai anh em họ Nguyễn chặt một cây mít lấy gỗ làm cái thùng. Lại thịt một con trâu mộng lấy da căng lên gỗ mít để gõ tiếng hân hỷ mừng vua. Vua nghe tiếng trống kêu to ấm giòn, dội khắp ba ngọn núi Đọi, tiếng rền vang như sấm nên phong cho người anh là Trạng Sấm. Sau đó làng Đọi Tam có nghề trống và Trạng Sấm được phong thành hoàng làng, xem là ông tổ nghề trống. Vĩ thanh của câu chuyện trên còn cho biết, về sau vua mời người làng Đọi Tam lên Thăng Long và lập nên phố Hàng Trống vẫn còn ở Hà Nội hôm nay.
Ông Phạm Chí Sơn vừa làm trống vừa trò chuyện, cứ như đấy là một nghề nhàn hạ thong thả, hóa ra không phải đơn giản. Cơ sở trống Trường Sơn sản xuất toàn bộ mọi công đoạn. Mít được mua về xẻ thành những thanh cong, bản rộng bằng bàn tay để làm tang trống. Ghép những cái tang gỗ lại, cố định bằng keo và dây mây để thành thùng trống. Đặc điểm gỗ mít là các sới gỗ mịn, độ cứng vừa phải, không bị cong vênh co giãn vì thời tiết. “Gỗ mít đánh ít kêu nhiều”, trống làm từ gỗ mít có độ bền và tiếng kêu luôn ấm. Những cái trống bồng, trống con thì khoét luôn một thân cây mít để làm thùng.
Da trâu sau khi đem về được căng lên khung phơi khô. Mùa mưa thì nhen lửa hun khói sấy. Sau đó thợ cạo lông mặt ngoài, nạo bớt lớp mặt trong cho đều nhau, dùng giấy nhám đánh phẳng mặt. Đấy là công đoạn quan trọng, đòi hỏi cảm tính mạnh để nhận biết độ dày mặt da trâu.
Da được phủ lên thùng gỗ và néo bằng dây để căng mặt trống. Vặn xoắn đều đặn từng mối dây, đồng thời dùng dùi gõ để kiểm tra tiếng kêu. Đến khi nào tiếng trống ấm, vọng, nghe vừa tai thì dừng. Những chiếc ngạt tre được đóng nêm cố định mặt da trâu vào thùng trống.
Mỗi cái trống trải qua ba công đoạn như trên, gồm làm thùng trống, xử lý da và căng mặt trống. Trông thật đơn giản nhưng công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và nhất là kinh nghiệm: đoán định độ dày của da, nghe tiếng thử.
Ông Sơn cho biết cơ sở của ông mỗi năm làm trên một nghìn cái trống lớn nhỏ. Trống lớn là loại trống làng, trống trường, trống hội; trống nhỏ là các loại trống cho phường bát âm, trống trung thu, trống cơm... Cao điểm của nghề trống là phục vụ cho mùa trung thu, phải chuẩn bị từ tháng năm, nên ông thuê thêm thợ từ ngoài quê Đọi Tam vào làm liên tục. Thị trường cung ứng của trống Trường Sơn là trong tỉnh Quảng Trị và lân cận. “Làm vì yêu nghề, vì giữ nghề truyền thống ngàn năm chứ chẳng dám nghĩ gì cao xa”, ông Sơn tâm sự.
Ngụ ngôn tiếng trống
Trống được làm từ vật dụng thân thuộc của làng quê. Nghe tiếng trống, như nghe âm hưởng đồng quê vang vọng. Cây mít lâu năm trong vườn được xẻ ra làm tang trống. Gỗ mít còn để làm mõ, bàn thờ, điêu khắc tượng, cũng là những đồ vật thiêng liêng.
Con trâu, đầu cơ nghiệp, đến khi chết cũng để lại một lớp da có ích. Chỉ có da trâu làm được mặt trống bền và tiếng kêu ấm. Nó xuất phát từ nguyên lý sinh học, trâu là động vật nhai lại nên có một lớp da rất bền nhờ được co giãn thường xuyên. Dãi dầu mưa nắng trên đồng, chịu thử thách khắc nghiệt của đất trời, nhẫn nại cùng nhà nông cày ruộng, da trâu chắc nịch. Thế mới có thành ngữ: “Khỏe như trâu”.
Lại có tục ngữ: “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”. Đây là một trong những câu tục ngữ hay nhất trong kho tàng văn học dân gian truyền miệng. Hay ở chỗ nó vừa có nghĩa đen, vừa có nghĩa bóng. Về cấu trúc lại giống một cặp vế đối ngẫu: da và tiếng.
Tục ngữ ấy quả là lời dạy của tiền nhân về lẽ sống ở đời: sống không phải chỉ cho hôm nay mà còn để tiếng cho mai sau. Sống đẹp thì để thanh danh. Sống xấu thì ô danh. Bài học ấy chẳng đâu xa mà xuất phát trong nếp sống cộng đồng, gắn liền với các thiết chế văn hóa - đạo đức của hương thôn. Và tiếng trống “khỉ lệnh” đầu năm mới của làng, phải chăng cũng hàm ý lời răn dạy này?