Tiếng trống trong đời sống người Việt
Trống là nhạc cụ gắn bó với đời sống người Việt từ xa xưa. Đặc biệt, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, tiếng trống luôn là biểu tượng của lòng yêu nước mãi ngân vang bản hùng ca dân tộc trong các cuộc đấu tranh chống giặc cứu nước.
Thời đại Hùng Vương, trống đã xuất hiện trong đời sống người Việt cổ, đa dạng về loại hình như trống đồng, trống da, trống khẩu. Tuy nhiên, trống đồng là đại diện tiêu biểu cho một nền văn minh rực rỡ - văn minh Đông Sơn. Thông qua các cuộc khai quật khảo cổ học, trống đồng thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn, gắn với từng địa điểm phát hiện như trống đồng Ngọc Lũ, trống Pha Long, trống Phú Phương, trống Sao Vàng, trống Tiên Nội 1. Tất cả các trống đồng nêu trên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Tại vùng đất núi Ấn - sông Trà, năm 1996, một chiếc trống đồng Đông Sơn đã được phát hiện tại núi Bàu Lát (TP.Quảng Ngãi). Cùng với đó, di vật “thanh kiếm lưỡng kim cán đồng lưỡi sắt” thuộc văn hóa Đông Sơn được phát hiện tại di tích Gò Quê, xã Bình Đông (Bình Sơn) vào năm 2004 đã minh chứng sự giao lưu mạnh mẽ, bền chặt, khăng khít giữa Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Đông Sơn.
Hoa văn trên trống đồng đa dạng loại hình, điển hình trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có khoảng hơn 50 hoa văn. Người nghệ nhân Đông Sơn đã có những đồ án tạo hình mang giá trị thẩm mỹ với các đề tài như hoa văn hình kỷ hà (hoa văn chữ V lồng hay còn gọi hoa văn bông lúa, hình tròn, lông công, rẽ quạt, hình trâm), hoa văn đề tài động vật, hoa văn về đề tài con người và các sinh hoạt xã hội. Chiếm số lượng nhiều nhất và nằm ở vị trí trung tâm mặt trống là hoa văn hình sao mặt trời vừa là nơi để đánh trống, vừa mang ý nghĩa trung tâm của vũ trụ và thờ thần mặt trời.
Khi nhắc đến trống đồng, chúng ta cũng không hề xa lạ với những hình ảnh mạnh mẽ, oai hùng, thanh âm hào hùng, dồn dập của tiếng trống trong những cuộc đấu tranh bảo vệ nước nhà. Cách đây gần 2.000 năm, Bà Trưng nặng lòng bốn chữ “nợ nước thù nhà” mà xây nên nghiệp lớn và trở thành nữ vương đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Cuộc Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở cửa sông Hát (nay là Phúc Thọ, Hà Tây) vào đời vua Quang Vũ, nhà Hậu Hán, năm thứ 16 hiệu Kiến Vũ (năm 40 SCN), trong tiếng trống lệnh, Hai Bà Trưng cưỡi voi xung trận cùng những lạc tướng, lạc dân, nhân dân khắp các quận, huyện từ Mê Linh, Chu Diên đến Cửu Chân, Giao Chỉ, Hợp Phố, Nhật Nam và 65 tỉnh, thành.
Từ thời xưa, các tướng lĩnh Việt Nam đã nhận thức rõ thanh âm tiếng trống tác động mạnh mẽ tư tưởng, tình cảm và quy tụ nhân dân. Chuyện kể rằng, trong cuộc kháng chiến Nguyên - Mông, quân nhà Trần đã sử dụng trống đồng để khích lệ tinh thần chiến đấu của binh lính khiến quân giặc khiếp sợ. Sau cuộc chiến, Trần Cương Trung, sứ nhà Nguyên đã viết hai câu thơ, tạm dịch: “Lờ mờ giáo sắt lòng kinh khiếp/ Văng vẳng tiếng trống đồng tóc bạc phơ”. Cuối thế kỷ XVII, một nhà sư Trung Hoa sang thăm Đàng Trong. Ông đã nhiều lần chứng kiến việc sử dụng trống đồng để làm hiệu lệnh cho thủy quân và thúc voi xông trận. Vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, trong tiếng trống trận, dưới sự lãnh đạo của Quang Trung hoàng đế, nghĩa quân Tây Sơn đã chỉ huy 300 voi chiến đánh Nam -dẹp Bắc, đại phá quân Thanh.
Trong những ngày đầu chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, Trương Định (1820 - 1864), người con ưu tú của quê hương núi Ấn - sông Trà, một tướng tài của Triều Nguyễn đã cùng nhiều sĩ phu, phú hào, bá hộ, điền chủ, tướng sĩ, binh lính triều đình và đông đảo nông dân về tụ nghĩa làm nên một làn sóng đấu tranh, lan trên diện rộng khắp tỉnh Nam Kỳ, vượt qua phạm vi trong nước lên tới biên giới Campuchia. Sau khi hy sinh, dưới ngòi bút sắc sảo của cụ Đồ Chiểu, hình ảnh anh hùng dân tộc Trương Định đang gióng trống kêu gọi dân binh “vì nước quên thân” trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc được ông hồi tưởng, tiếc thương qua bài "Điếu Trương Định": “Binh sương lác đác nắng liền thâu/Cờ lau đã xếp trên Giồng Tháp/Trống sấm còn gầm dưới cửa Khâu/Cảnh ấy những mơ người ấy lại/Hội này nào thấy tướng quân đâu?”.
Tiếng trống lại tiếp tục ngân vang trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Mùa xuân năm 1930, thực hiện chủ trương Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Quảng Ngãi do ông Nguyễn Nghiêm làm Bí thư đã tổ chức cuộc đấu tranh biểu tình đánh chiếm huyện đường Đức Phổ. Ngày 8/10/1930, trong tiếng hô vang khẩu hiệu, tiếng trống dồn, cổ động 5.000 quần chúng từ các làng Hùng Nghĩa, Tân Hội, Vân Trường, Mỹ Thuận, Liên Chiểu, An Tây... Tên tri huyện Phan Lang và toàn bộ lại mục, binh lính bỏ trốn. Quần chúng xông vào huyện đường, đốt phá công văn, giấy tờ, hồ sơ, thả tù nhân, treo cờ đỏ búa liềm, biểu tình tuần hành xung quanh huyện và các xã lân cận. Quân và dân Đức Phổ lại tiếp tục sử dụng trống như pháo lệnh trong các trận đánh cho đến ngày miền Nam giải phóng, nước nhà thống nhất...
Trống đồng Đông Sơn nói riêng và các loại trống nói chung ra đời nối tiếp nhau và trải qua từng giai đoạn lịch sử nước nhà từ cổ đại đến hiện đại. Dẫu qua bao thế kỷ, trống luôn hiện hữu trong đời sống người dân và gắn liền với câu chuyện kể về lịch sử dân tộc.
Bài, ảnh: TẠ HÀ