Tiếng tù và
Thế hệ chúng tôi là những đứa trẻ miền núi, sinh ra đã thấy tiếng tù và khắc sâu vào trí nhớ tuổi thơ, đến mức những giấc mơ cũng nhuốm màu thần bí.
Bà tôi dặn chúng tôi không được đến gần chiếc túi bí mật của ông thầy cúng, mỗi lần ông ấy sửa soạn tới một gia đình trong làng làm lễ. Chiếc túi vải chàm khâu tay thật khéo, cũ kỹ nhưng trong đó rổn rảng rất nhiều đồ cúng, đạo cụ, nhạc khí, vỏ sò xin âm dương, lá ngải cứu và lẫn cả cơi đựng giầu của ông. Đặc biệt, có một thứ không thể thiếu được, đó là chiếc sừng trâu đực già đã được chế tác thành một chiếc tù và đen bóng, đầu thổi có bịt bạc và gắn tua len đỏ.
Tín ngưỡng Đạo giáo quan niệm Ngọc Hoàng là vị vua tối cao của bầu trời, tạo ra ánh sáng, đất đai, cây cỏ và muôn loài. Hầu hết các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc có tín ngưỡng Đạo giáo đều không xa lạ gì với tiếng tù và, đặc biệt là người Mường, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu, Cao Lan, Tày, Nùng...
Trong các lễ cúng, không thể thiếu được tiếng tù và vì tù và cùng với thanh la, não bạt, chiêng, trống, mõ, pháp khí... hợp thành một bộ đạo cụ hành lễ. Lúc trước tiên và kết thúc một bài cúng, ông thầy ghé miệng vào chiếc tù và to và nặng trên tay, thổi một tiếng như tiếng âm thanh hút qua họng núi, váng óc. Ông nói đó là tiếng gọi Ngọc Hoàng chứng dám, tiếng gõ cửa Thiên Đình. Tiếng báo hiệu một nghi lễ thiêng liêng bắt đầu.
Trước đây, các bản làng ở sâu trong rừng, trong núi, chỉ dựa vào nhau và dựa vào mối quan hệ thân tộc để chống trọi với thiên nhiên hoang dã, tiếng tù và là tiếng kêu khẩn thiết mong mỏi mùa màng bội thu, cầu cho thái bình, thịnh vượng, cầu các chư thần phù hộ, hành thiện, diệt ác.
Đối với các làng bản nơi thâm sơn ấy, mỗi ông thầy cúng như thể có phép thuật cao tay lắm. Khi nhà nào có người ốm cậy nhờ, ông lại sửa một lễ cúng nhỏ, và tiếng tù và lại cất lên, người ta tin rằng mọi nỗi ai oán, bệnh tật thế nào rồi cũng qua đi, chỉ còn lại bình yên, hạnh phúc. Mỗi ông thầy đều được người người nể trọng, coi là âm công, có thể đối thoại với trên là trời, dưới là đất là cầu nối với các thế lực thần linh, mà kỳ lạ thay lại chỉ thông qua những tiếng tù và.
Mỗi khi ông thầy tuổi già sức yếu, người ta lo lắng lắm. Bởi bỗng thấy tiếng tù và nhỏ hẳn đi, yếu ớt, âm thanh phát ra từ chiếc sừng trâu thiêng ấy không còn rung lên mạnh mẽ, thị uy mà hụt hơi thì lúc ấy, ông thầy phải lựa chọn hậu bối của mình, cộng đồng làng bản phải tìm kiếm một thầy cúng mới.
Thổi được tù và phát ra âm thanh không dễ chút nào. Bà nội tôi bảo dân gian truyền tụng câu nói: “Muốn học cúng, phải học thổi tù và” là để nói rằng nếu biết thổi tù và thì hãy học làm thầy cúng, đó là điều kiện tiên quyết, là kỹ năng cơ bản. Đó cũng là cách nói bóng gió rằng làm việc gì cũng phải nắm được căn cơ, kỹ thuật, sau mới tính đến chuyện lớn hơn.
Chiếc tù và là một sáng tạo về nhạc khí rất độc đáo của dân gian. Con trâu đực già có cặp sừng rỗng vừa phải, độ cong vút thì sẽ làm được chiếc tù và phát ra tiếng trầm hùng, vang xa. Có những khi ông thầy cúng muốn truyền nghề lại cho ai đó, rất lâu sau mới có thể chọn được con trâu đực khỏe và lấy được chiếc sừng ưng ý, chuẩn bị chế tác thứ nhạc khí độc đáo này, giúp cho học trò bước vào đời làm một ông thầy cúng.
Cái tiếng tù và vang xa trong rừng núi làng bản ấy đã đi vào tiềm thức biết bao thế hệ con người sinh ra mà gắn bó với tự nhiên.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tieng-tu-va-post437242.html