Tiếng Việt giàu đẹp: Sai một ly, đi một dặm...
Rất nhiều ca khúc nhạc Việt khi đối chiếu lời ca phổ biến qua thu âm, thu hình của ca sĩ hiện nay với văn bản gốc có sự khác biệt. Đáng nói là sự sai lời này làm sai lệch ý nghĩa mà tác giả diễn đạt qua từ ngữ tiếng Việt như những dẫn chứng sau đây.
Ca khúc làm thay đổi số phận của nhạc sĩ Lam Phương, "Thành phố buồn", lâu nay người ta vẫn hát: "Rồi từ đó, chốn phong ba, em làm dâu nhà người", liệu có đúng?
"Chốn phong ba", nghe cũng có lý, nghĩa là nơi nhà chồng cô ấy sắp về làm dâu ("phong ba bão táp"), vì thế mới "âm thầm anh tiếc thương đời". Nhưng chẳng phải vậy, ở đây, tác giả dùng từ "trốn" (trốn chạy/ trốn tránh) khỏi cuộc tình lắm phong ba để yên bề gia thất, "làm dâu nhà người" nhằm kết thúc cuộc tình đó, khiến cho "anh" đau buồn sững sờ, ngay cả "Tiếng chuông chùa chầm chậm thê lương, tiễn đưa người quên núi đồi, quên cả tình yêu". Ta thấy rõ "em" chủ động trong sự chia tay này, vì thế cung bậc cảm xúc của Lam Phương mới đớn đau, da diết tiếc nuối đến vậy.
Tương tự, "Bài thánh ca buồn" của nhạc sĩ Nguyễn Vũ có câu mà nhiều ca sĩ hát: "Rồi một ngày áo trắng phai màu", tất nhiên, theo cách hiểu theo năm tháng trôi đi, chiếc áo nhuốm màu thời gian không còn trắng như xưa. Thật ra, chính xác phải là "thay" chứ không phải "phai". Nếu "phai" sẽ không ăn nhập gì với câu kế tiếp: "Em qua cầu xác pháo theo sau". Nghĩa là cô gái mà tác giả yêu say đắm nay đi lấy chồng (hình ảnh tượng trưng qua cụm từ "xác pháo"). "Thay" ở đây không chỉ nhằm nói lên sắc màu của áo sử dụng trong ngày "lên xe hoa", mà còn nằm trong chuỗi từ "thay lòng đổi dạ" nữa. Ngụ ý sâu xa là thế.
Với sự cân nhắc có chủ đích, người nhạc sĩ đã gửi gắm dù chỉ trong một từ nhiều ẩn ý của mình, vì vậy khó có thể thay đổi. Điều này còn thấy qua "Bông bí vàng" của Bắc Sơn, có một câu mà nhiều người đã hát: "Hái bông bí em trồng, anh đem luộc cầu xin". Ai đời, đi hỏi con gái người ta mà lại hái bông bí đem luộc làm quà sính lễ?
Vậy, đúng là "anh đem lụa cầu xin"? Cho dù anh nghèo ("Nhà anh, dậu đổ bìm leo") nhưng cũng không vì thế mà không có quà sính lễ tương xứng với em là "lụa". Từ "lụa" rất đắc địa khi nó còn là hình ảnh để nói về người thiếu nữ như ca dao có câu: "Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai". Thì nay, em vào tay anh đấy, ngụ ý qua hành động "anh đem lụa cầu xin". Ấy là ý tại ngôn ngoại.
Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: "Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình", ta hiểu rằng khi tác giả trải qua cuộc tình - cuộc tình đó đã xa, đã trở thành quá khứ thì ngay cả thành phố, chốn phồn hoa đô hội đó cũng trở nên hoang vu, vì rằng cảm giác này thuộc về tâm lý: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" (Truyện Kiều). Chỉ "một lần" đó thôi mà đã thấy "thành phố hoang vu", thế mới buồn xiết bao, tâm tư xiết bao. Thế nhưng có người lại hát: "Thành phố hoang vu như đời mình trong cuộc tình". Như thế là nói vống lên, không sát thực tế, hoàn toàn không thể xảy ra, thành phố ăn nhập gì với "đời mình trong cuộc tình" mà nó trở nên hoang vu? Nó chỉ hoang vu khi chính mình cảm nhận bằng cảm giác và so sánh "như một lần qua cuộc tình". Chỉ "một lần đó" mà thôi. Còn nếu thành phố hoang vu như đời mình, suốt cả đời mình thì không thể.