TIẾNG VIỆT GIÀU ĐẸP: 'Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm'

Không phải ngẫu nhiên, vài năm trở lại đây đã có nhiều đầu sách bàn về tiếng Việt, kể cả trang mạng xã hội cũng có diễn đàn tương tự.

Điều này cho thấy đây là một tín hiệu rất đáng mừng khi mọi người cùng quan tâm đến tiếng mẹ đẻ. Nói như thế bởi trong sự giao thoa của các nền văn hóa, tiếng Việt không đứng yên, giẫm chân tại chỗ mà phải vay mượn các từ mới; và có những từ mới phát sinh... Điều này rất đỗi bình thường. Tuy nhiên hiện nay, có một điều rất đáng lo là không ít người đã cố tình viết sai chính tả khiến tiếng Việt dị dạng một cách hài hước nhiễu nhại, dù không cố ý nhưng cũng khó có thể chấp nhận.

Trao đổi với chúng tôi, nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết khi ông tập trung nghiên cứu về tiếng Việt cũng còn mục đích giúp cho bạn đọc thấy rằng tiếng Việt của mình luôn trong sáng và đủ khả năng diễn đạt mọi tình huống, mọi trường hợp, kể cả gây cười, chứ không nhất thiết phải sử dụng bằng cách thể hiện méo mó, dị dạng mới đạt hiệu quả như mong muốn.

Bìa cuốn sách “Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm”

Bìa cuốn sách “Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm”

Với cuốn sách "Tiếng Việt - lắt léo và lịch lãm" (NXB Trẻ - 2024), một lần nữa cho thấy nhà thơ Lê Minh Quốc vẫn tiếp tục với chủ đề xuyên suốt mà ông đã theo đuổi từ nhiều năm nay: "Lắt léo tiếng Việt" (2017), "Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt" (2021).

Nhìn chung, đây là một hành trình, nỗ lực hết sức đi tìm lại vốn từ trong tiếng Việt đã mất dấu vết, nếu còn chăng chỉ có thể trong các tác phẩm văn học của nước nhà hoặc từ ca dao, tục ngữ, thành ngữ... Do các từ đó đã phai nghĩa theo năm tháng để hiện nay chúng ta có thể sử dụng sai, hoặc không hiểu.

Trong tập sách vừa phát hành, Lê Minh Quốc đã nêu ra những trường hợp như: "Té nước theo mưa", "Đất giăng dây, cây cắm sào", "Nay tát đầm, mai tát đìa, ngày kia giỗ hậu", "Trai tay không chẳng ăn mày vợ, gái trăm mẫu đợ cũng ăn mày chồng"... Không những thế, hiện nay, đã có những cuộc tranh luận về những điều hết sức bình thường, ví dụ với câu ca dao: "Chim quyên ăn trái nhãn lồng", ta hiểu thế nào về trái nhãn lồng? Hoặc món ăn thịt heo kho tàu thì "tàu" có nghĩa là gì?... Trong tập sách này, Lê Minh Quốc đã lý giải. Có thể nói qua tập sách, người đọc tìm được khá nhiều văn liệu thú vị từ ca dao, tục ngữ, kể cả từ vay mượn, tiếng lóng, bên cạnh đó ông còn thu nhập những vốn từ mới được sử dụng trong thời gian gần đây như bỉm sữa, trẻ trâu, ảo tung chảo, bom hàng, lùa gà, úp sọt...

Tất nhiên, bàn về tiếng Việt, chúng ta không thể không nhắc đến đặc điểm của phương ngữ vùng miền. Dù cũng sự vật/ sự việc đó nhưng Bắc, Trung, Nam có thể sử dụng vốn từ khác nhau. Vì vậy, Lê Minh Quốc khẳng định không một ai, kể cả các nhà nghiên cứu ngôn ngữ tài ba nhất cũng khó có thể hiểu hết ngữ nghĩa của tiếng Việt. Ông đơn cử trường hợp nhà văn hóa Nam Bộ Sơn Nam lúc ra đến Quảng Bình, không hiểu câu nói của cư dân địa phương: "Rào rú ngái ngôi mô nỏ chộ"; ngược lại, chắc gì chúng ta đã hiểu rõ nghĩa câu ca dao ở miền Nam nếu Sơn Nam không giải thích, thí dụ: "Thương em, anh phải đi đêm/ Phần do bắt được đánh mềm như dưa"...

Do quan niệm, không có ai có thể hiểu hết các từ tiếng Việt, vì thế khi trình bày về một vấn đề nào đó, Lê Minh Quốc đã sử dụng lối viết như tâm tình, đôi lúc dí dỏm nhằm tạo không khí thân mật giữa người viết với bạn đọc.

Thiên Hương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tieng-viet-giau-dep-tieng-viet-lat-leo-va-lich-lam-196240817211139025.htm