Tiếng Việt giàu đẹp: 'Vành chơi' là gì?
Nhà viết chèo tài ba Tào Mạt, phút cuối đời, có viết câu thơ:
Trăm năm tròn một vành chơi thì về
Có lẽ với ông Tào Mạt, phải đến lúc "sọ đầu/ già đầu/ già đời/ sỏi đời" thì "mới vỡ lẽ đời".
Nhưng còn câu thơ: "Trăm năm tròn một vành chơi thì về", thử hỏi: "vành chơi" là gì?
"Vành: phần xung quanh miệng ở phía ngoài một vật hình tròn: vành nia, vành rổ, vành thúng, vành thùng" - theo "Việt Nam tự điển" (1970). Tuy nhiên, cái từ vành này cũng có thể thay đổi qua từ khác, chẳng hạn: đai, khoanh, vòng, niềng…; là vị trí trước nhất, bên ngoài của vật dụng, sự vật nào đó, hiểu theo nghĩa rộng là vòng tròn như vành trăng... "Truyện Kiều" có câu:
Thiếp như hoa đã lìa cành
Chàng như con bướm liệng vành mà chơi
Ta thấy con bướm chỉ mới liệng, lượn bay ở ngoài vành/ vành hoa ấy, hiểu như thế còn có gì đó khiến ta lăn tăn bởi hoa đã lìa cành thì héo rũ, còn đâu là vành? Thật ra, từ vành ở đây còn hiểu theo nghĩa bóng là mánh khóe, ngón nghề, mánh lới… "Chàng như con bướm liệng vành mà chơi" là ý nói ngón nghề chơi/ chơi bời của chàng còn non cơ, còn nai tơ, mới chỉ tấp tễnh bên ngoài mà thôi, trong khí đó nàng đã ngược lại.
Chúng ta từng nghe câu "Tròn vành, rõ chữ"; "Đại từ điển tiếng Việt" (1999) giải thích theo hai nghĩa: "1. (Nói hát) rõ ràng từng âm, từng tiếng một; 2. (Sự việc) rất rõ ràng, không che giấu, úp mở gì". Cách giải thích này hợp lý nhưng nếu muốn hiểu sâu, cần phải có thêm phân tích về chuyên môn nữa.
Trong bài viết "Sự tròn vành rõ chữ của tiếng hát dân tộc" (Viện Nghệ thuật, Hà Nội 1976 - số 12), giải thích: "Thuật ngữ "tròn vành rõ chữ" là cách nói khái quát của cha ông ta về yêu cầu và quan niệm đối với nghệ thuật ca hát, và về kỹ thuật, phương pháp ca hát cổ truyền dân tộc. Tiếng hát "tròn vành" là âm thanh nghe gọn gàng, đầy đặn, trau chuốt sáng sủa; "rõ chữ" là lời ca nghe rõ ràng, không phải đoán nghĩ mới hiểu, không thể hiểu lầm ra ý khác. "Tròn vành rõ chữ" vì vậy là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật âm nhạc và tiếng nói dân tộc, là sự nâng cao, làm đẹp, khai thác, phát huy đến cao độ tính tượng hình, tượng thanh và mọi đặc điểm ngữ âm dân tộc bằng nghệ thuật âm thanh của giọng hát".
Khi nhà viết kịch Tào Mạt tự nhủ bản thân mình: "Trăm năm tròn một vành chơi thì về" là trái ngược với "Chàng như con bướm liệng vành mà chơi". Chơi của Thúc Sinh trong câu thơ "Truyện Kiều" là chơi bời trai gái, dan díu nguyệt hoa, còn ở Tào Mạt ngụ ý là ông đã chơi "tròn vành" là chơi đâu ra đó,vẹn toàn, đã chín trong nghệ thuật mà mình đeo đuổi hết một đời (trăm năm). Từ "chơi" ở đây hiểu theo nghĩa là nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã từng sử dụng:
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tieng-viet-giau-dep-vanh-choi-la-gi-196250118203351014.htm