'Tiếp bước cha anh - Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ'
Đó là chủ đề của buổi tọa đàm đầy ý nghĩa do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Người đi trước truyền lửa cho thế hệ sau, hậu bối tri ân tiền nhân.
Đại tá Huỳnh Trí (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) hoạt động cách mạng từ khi còn thiếu niên. Hơn 30 năm phục vụ quân đội, trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới Tây Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, người lính ấy đã anh dũng trực tiếp tham gia chiến đấu hàng trăm trận. Thành tích của cá nhân ông đã tô thắm thêm thành tích của lực lượng vũ trang An Giang trong những năm kháng chiến.
Trong buổi sáng se lạnh của tháng 12 hào hùng, đại tá Huỳnh Trí một lần nữa kể lại những câu chuyện xưa - nhưng chưa hề cũ - về ngày tháng chiến đấu nghẹt thở bên đồng đội. Ông mở đầu phần chia sẻ của mình bằng nét dí dỏm thường thấy: “Được mời nói chuyện hôm nay, tôi muốn nói một ít việc, kỷ niệm xưa của quân và dân tỉnh nhà. Chuyện thì nhiều lắm, lớn lắm, nên tôi chỉ chọn nói chuyện “nhỏ nhỏ” cho các em, các cháu nghe”.
Đó là câu chuyện “bất thình lình tay không bắt được giặc” và “dùng răng cắn đứt dây mìn lay-mo”, mà ông là nhân chứng trực tiếp tham gia, lập chiến công từ năm 1970. Câu chuyện ông cho là “nhỏ”, lại thể hiện sinh động sự mưu trí, lấy ít địch nhiều, thoát khỏi hiểm cảnh trong gang tấc, lật ngược thế cờ từ thua thành thắng. Đó là tinh thần “quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh”, người lính trẻ năm xưa sẵn sàng hy sinh giây phút quý giá bên vợ con, một lòng thẳng tiến ra chiến trường, vì “vợ con là chuyện cả đời, còn đánh giặc là chuyện hôm nay”.
Bên cạnh những chiến thắng giòn giã, những công trạng quý đưa ngày độc lập đến gần với dân tộc hơn, ông không thể quên cảnh đồng đội lần lượt hy sinh. Day dứt nhất là từ ngày 7 - 28/4/1975, trong 21 ngày đêm, chỉ vài hôm nữa độc lập toàn thắng, Tiểu đoàn 512 đánh khu vực Thanh Bình, Đại đội 1 hy sinh tổng cộng 11 đồng chí! “Suốt những năm chiến tranh, tôi chứng kiến hàng trăm đồng đội hy sinh. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn nhớ rất rõ tên, địa chỉ, cấp bậc, chức vụ của từng người. Chắc có lẽ, tôi chỉ quên các anh khi mình nằm xuống” - ông ngậm ngùi.
Lắng nghe chuyện kể của đại tá Huỳnh Trí, thượng úy Nguyễn Thiện Đức (Chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 512, Trung đoàn 892) bày tỏ: “Chúng tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước hòa bình. Nhưng khi xem tư liệu lịch sử, chia sẻ của người từng tham gia chiến tranh như bác Hai Trí, chúng tôi có dịp hiểu thêm về mức độ ác liệt của chiến tranh, hun đúc thêm lòng tự hào, biết ơn thế hệ cha anh đã không ngại hy sinh, gian khổ, giành độc lập cho đất nước. Khi khoác lên mình quân phục, đứng vào hàng ngũ Quân đội, tôi càng thêm thấu hiểu trách nhiệm lớn lao của mình là phải tiếp tục kế thừa, giữ gìn, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của lực lượng vũ trang, xứng đáng với công lao của anh hùng liệt sĩ”.
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh (Bí thư Xã đoàn Bình Long, huyện Châu Phú) không giấu được niềm xúc động: “Bộ đội luôn là biểu trưng của lòng yêu nước, tinh thần hy sinh, trách nhiệm, ý chí quyết tâm. Trong thời bình, các anh tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, luôn luôn bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Từ đó, đoàn viên, thanh niên được truyền cảm hứng sống mạnh mẽ, trở thành công dân với “cái đầu đầy trí tuệ, trái tim đầy đạo đức”. Chúng tôi cam kết trung thành với Tổ quốc, đoàn kết, kỷ luật, vì tương lai tươi sáng, vì hòa bình mai sau”.
“Bác Hồ nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Khoảng 1 triệu anh hùng, liệt sĩ đã nằm xuống cho chúng ta có ngày hôm nay. Còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ đang nằm rải rác khắp chiến trường trong nước, Campuchia, Lào, chưa thể quy tập về đất mẹ. Rõ ràng, độc lập được đổi bằng xương máu, bằng những hy sinh mất mát không thể nào bù đắp. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó. Hy vọng rằng, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên hôm nay tiếp tục giữ vững bản lĩnh, trau dồi kiến thức để kế thừa sự nghiệp cách mạng ông cha đã trao truyền” - đại tá Huỳnh Trí nhắn nhủ.
Đại tá Nguyễn Thúc Linh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, tọa đàm là một trong những hoạt động trọng tâm nằm trong chuỗi hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, mang ý nghĩa sâu sắc. Qua đó, kết nối truyền thống, tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh, cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, học sinh trên địa bàn đóng quân về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng vũ trang tỉnh An Giang.
“Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang An Giang hôm nay nguyện ra sức đoàn kết, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; không ngừng phát huy truyền thống của quân đội và truyền thống đơn vị anh hùng, tập trung thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, xây dựng thế trận lòng dân, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” - đại tá Nguyễn Thúc Linh khẳng định.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-tiep-buoc-cha-anh-xung-danh-bo-doi-cu-ho--a411833.html