Tiếp bước vua Hùng, dựng xây đất nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: 'Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước'. Lời dạy ấy đến ngày nay vẫn còn nguyên ý nghĩa. Muốn giữ nước và dựng xây đất nước thì mỗi người, với vai trò và vị trí riêng, có cách thể hiện hết sức riêng. Nhưng sau tất cả là vì mục tiêu chung 'tiếp bước Hùng Vương, dựng xây đất nước'.
1. Là cựu chiến binh, hơn ai hết, ông Trần Ngọc Hưởng (ấp Phú Xuân 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) hiểu rất rõ giá trị của những ngày tháng bình yên sau chiến tranh. Đó là những năm tháng hào hùng nhưng gian lao, vất vả. Ông Hưởng nói: “Trước đây, tôi và đồng đội đã trải qua những tháng ngày gian khó để bảo vệ đất nước thì ngày nay càng phải đóng góp xây dựng quê hương”.
Ông Hưởng luôn là người đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Dù là đóng góp làm đường, lắp camera, lắp đèn đường hay tặng quà cho hộ nghèo trong xã, ấp,… ông đều có mặt. Khi chính quyền vận động, dù ít, dù nhiều, ông đều ủng hộ bằng tất cả niềm vui và mong được góp phần đổi mới quê hương. Phú Ngãi Trị ngày nay đường bêtông vào tận ngõ, nhiều tuyến đường được lắp đèn sáng rực, vùng quê bình yên khởi sắc. Đó là kết quả từ sự chung tay của chính quyền, người dân và những mạnh thường quân như ông Hưởng.
Khi được hỏi về những gì đã làm, ông Hưởng chỉ cười, bởi chính ông cũng không nhớ hết mình đã làm được những gì. Ông tâm niệm, khi kinh tế phát triển thì đóng góp cho địa phương là trách nhiệm, việc cần thiết để xây dựng quê hương và làm gương cho thế hệ trẻ. Người cựu chiến binh chia sẻ, những tháng ngày trong quân ngũ đã dạy ông cách sống biết nghĩ về người khác nên ông xem những việc mình làm là điều bé nhỏ, hiển nhiên. Phú Ngãi Trị có nhiều tuyến đường, cầu giao thông nông thôn, hệ thống lắng lọc, công trình thắp sáng,… mang dấu ấn của ông Hưởng. Nhiều hộ nghèo, bệnh tật cũng biết đến ông như một mạnh thường quân đầy lòng nhân ái. Ngày từng ngày, ông Hưởng âm thầm góp công góp sức xây dựng địa phương.
2. Nép dưới bóng cây giữa cái nắng oi của tháng 4, chị Nguyễn Thị Thu Kiều - Bí thư Đoàn xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉ mẩn quét sơn lên từng chiếc vỏ xe. Vừa xong việc, chị đem vỏ xe phơi nắng, vội vã đi hàn khung sắt. Khi chị đem được chiếc khung sắt trở lại trụ sở UBND xã cũng là lúc các đoàn viên lần lượt đến, mỗi người một tay, công việc nhanh hơn, không khí sôi nổi hẳn lên. Chẳng bao lâu, bồn rửa tay ngay trước cổng UBND xã Thanh Phú đã hoàn thành với thiết kế lạ mắt, màu sắc nổi bật và rất thân thiện với môi trường vì toàn bộ đều sử dụng các sản phẩm tái chế.
Xong việc, chị quay sang chuẩn bị dung dịch rửa tay khô mang ra chợ. Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, Đoàn xã đã bố trí nhiều điểm rửa tay khô tại khu chợ trong xã, nhưng vì sợ các địa điểm ấy không thu hút được người dân nên “thủ lĩnh” Đoàn Thanh niên xã Thanh Phú nghĩ ra cách làm mới, nhằm thu hút sự chú ý của người dân, tăng hiệu quả truyền thông. “Làm sao gắn được chai nước rửa tay khô vô đây?”, “cột dây thử xem”, “yếu quá, như vầy không dùng được lâu đâu, để tôi khoan bắt vít vào”, “hay bỏ vào cái rổ, để tôi đi mua rổ”, “phải đặt làm sao cho người ta dễ thấy, tìm cách cố định cả chai nước rửa tay vào luôn nha”,… Dưới cái nắng như thiêu, những bạn trẻ mười tám đôi mươi vừa làm việc, vừa góp ý. Các bạn hầu hết là học sinh trên địa bàn xã, “bị chị Kiều dụ” nên hoạt động nào của Đoàn xã cũng có mặt.
Thùy Dương - học sinh lớp 12, cho biết, trong đợt nghỉ tránh dịch kéo dài, em tham gia hoạt động cùng Đoàn xã chung tay phòng, chống dịch bệnh. Tham gia hoạt động cùng Đoàn xã, đoàn viên, thanh niên chỉ lo không đủ thời gian theo chân người “thủ lĩnh” chứ chị Kiều thì không bao giờ thiếu mô hình, hoạt động và ý tưởng. Hoàn thành công việc của hôm nay, chị lại tự hỏi mình “ngày mai làm mô hình gì?”. Chị Kiều chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ trong đầu phải làm gì cho mới mẻ, hiệu quả và thu hút đoàn viên. Nếu chỉ tham khảo và nhân rộng các mô hình nổi bật từ địa phương khác sẽ tạo tâm lý nhàm chán mà lại không phù hợp với địa phương mình. Do đó, tôi luôn cố gắng làm điều gì đó mới mẻ”.
Phương châm ấy đã giúp Đoàn xã Thanh Phú duy trì hiệu quả các mô hình: Tủ quần áo yêu thương, Nồi cháo yêu thương, Tổ vá xe lưu động,… Hiện tại, Đoàn xã Thanh Phú còn nhận đỡ đầu một trẻ em nhiễm chất độc da cam trên địa bàn. Mỗi tháng, đoàn viên, thanh niên đến thăm, tặng quà cho bé 500.000 đồng. Với nỗ lực của mình, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, chị Kiều được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã.
3. Lê Đặng Hoàng Long - cựu học sinh Trường THPT Hùng Vương, được bạn bè đồng trang lứa trìu mến gọi là “anh hai”. Long là lớp trưởng lớp 12a5 (niên khóa 2018-2019) và là một lớp trưởng cực kỳ đặc biệt với tập thể 12a5 và cả Trường THPT Hùng Vương. Long đặc biệt bởi em giống một người anh, một người thầy hơn là một người bạn. Với các bạn trong lớp, em quản lý, lo lắng từng chút một, biến một tập thể rời rạc thành một khối thống nhất, vững mạnh nhất trường trong thời điểm đó. Cuối năm học, lớp có 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT, nhiều bạn đậu vào các trường cao đẳng, đại học. Thành tích đó có một phần không nhỏ công sức của Long. Khi được hỏi về học sinh nổi bật của trường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương gần như ngay lập tức nhớ đến Long, mặc dù em đã rời khỏi trường.
Long đậm người, dễ gần và với các bạn trong lớp, Long có cái “uy” riêng đến từ sự quan tâm chân thành, hành động đứng đắn và lý lẽ thuyết phục. 1 tuần sau khi năm học bắt đầu, dưới sự hướng dẫn, gợi ý của giáo viên chủ nhiệm, lớp trưởng Long tổ chức lớp ôn tập trái buổi cho các bạn. Tất cả các buổi chiều trong tuần, dù là thời gian nghỉ, cả lớp 12a5 đều đến trường, xin phòng trống của nhà trường và học cùng nhau như một lớp học chính thức. Người điều khiển, hướng dẫn lớp không ai khác là Long.
Với thế mạnh là các môn khối xã hội, Long trang bị thêm kiến thức ở nhà. Vào lớp, Long trực tiếp đứng trên bục giảng giải thích lại những vấn đề các bạn chưa hiểu, tổ chức cho cả lớp cùng giải bài tập, học và dò bài lẫn nhau. Long duy trì nề nếp bằng những quy định cụ thể và bằng cái “uy” của “anh hai” trong lớp. Nhiều lần, Long khiến các bạn bật khóc vì độ nghiêm khắc của mình, trở thành “nỗi ám ảnh” của những thành viên thường xuyên không thuộc bài, không làm bài tập. Để rồi, dù muốn dù không các bạn phải học để không vi phạm nội quy của lớp trưởng và cũng để chứng minh bản thân mình. Bằng cách đó, Long đưa 12a5 thành lớp dẫn đầu các hoạt động thi đua học tập của trường. Ngoài học, “anh hai” Long còn tổ chức cho tập thể lớp được vui chơi với các chuyến đi chơi, những buổi thể thao “cháy hết mình” cho cả tập thể. Ngày chia tay nhau, ai cũng khóc, nước mắt của tiếc nuối, của niềm vui tập thể 100% đậu tốt nghiệp.
Riêng Long, em chứng minh vị trí “anh hai” của mình khi tốt nghiệp thủ khoa và đậu vào Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Nói về cố gắng của mình, Long chia sẻ: “Học sinh trường em có khẩu hiệu “Hùng Vương thi đậu tốt nghiệp, rạng rỡ Hùng Vương, vững bước vào đời”, em nghĩ mỗi học sinh phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng học tập để học sinh trường luôn tự hào khi nói với bạn bè mình là học sinh trường Hùng Vương, mái trường mang tên Quốc Tổ”.
Mỗi cá nhân trong xã hội có một vai trò, vị trí khác nhau. Bằng nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình, mỗi người trở thành một mảnh ghép hoàn hảo tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong hành trình tiếp bước cha ông giữ nước, dựng xây đất nước./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/tiep-buoc-vua-hung-dung-xay-dat-nuoc-a92800.html