Tiếp cận đa chiều, xã Lang Sơn phấn đấu năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%
Nhờ các biện pháp tiếp cận đa chiều, song song với việc tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, xã Lang Sơn còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Xã Lang Sơn nằm ở phía Tây Bắc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 44 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,4%, hộ cận nghèo còn 7,5%. Xã phấn đấu cuối năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 7%.
Xác định đào tạo nghề, tạo việc làm là giải pháp căn bản để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập, mỗi năm xã phối hợp với các đơn vị mở 5-10 lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Xã cũng vận động người dân phát huy thế mạnh của địa phương nhằm mở rộng diện tích trồng cây ăn quả như chuối, cam, bưởi và nuôi trồng thủy sản.
Nhờ các biện pháp tiếp cận đa chiều, song song với việc tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục..., mỗi năm, xã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có chứng chỉ đạt gần 70%.
"Đã làm là phải trúng", cấp ủy, chính quyền xã Lang Sơn chú trọng triển khai hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo đến người dân.
Với những hộ thiếu vốn sản xuất, UBND xã chỉ đạo rà soát, xác định rõ nhu cầu vay vốn và phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi, giúp nhiều hộ vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.
Vợ chồng anh Phan Văn Cơ ở khu 1, xã Lang Sơn, là một trong những hộ vượt khó khăn vươn lên nhờ mạnh dạn vay vốn sản xuất. Mô hình nuôi ốc nhồi trong bể bạt kết hợp trồng trọt và chăn nuôi gia cầm được gia đình anh triển khai nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm và chịu khó học hỏi, cùng với nguồn vốn vay đầu tư. Mô hình đem lại nguồn thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm.
Nhằm khuyến khích người dân đầu tư phát triển cây ăn quả, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, năm 2024, chính quyền địa phương tiếp tục tạo mọi điều kiện về đất đai, phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân, góp phần nâng cao giá trị kinh tế.
Trên toàn huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, công tác giảm nghèo được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện đã huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, quyết liệt triển khai các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, tạo động lực giúp người dân từng bước vươn lên. Nhờ đó, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 6,38%, cận nghèo giảm còn 4,64%.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Phú Thọ giao, năm 2024, Hạ Hòa giảm tối thiểu tỷ lệ hộ nghèo thêm 0,8%, nghĩa là tỷ lệ hộ nghèo tại huyện này phải giảm về khoảng 5,5% năm nay.
Trước thực tế đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, ngoài vận dụng hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giống cây trồng, vật nuôi, vay vốn tiết kiệm để phát triển kinh tế.
Trong 5 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” từ huyện đến cơ sở đã vận động, ủng hộ được trên 7,1 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với các tổ chức thành viên, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức trao kinh phí xóa 466 nhà tạm cho các hộ nghèo với số tiền trên 9,3 tỷ đồng; hỗ trợ đời sống cho các hộ nghèo, học sinh nghèo vượt khó.
Mới đây, với nguồn vốn huy động từ Quỹ Nhân đạo, sau khi triển khai rà soát, khảo sát thực tế các đối tượng nghèo - khó khăn tại địa bàn, ngày 24/5, Hội Chữ thập đỏ huyện Hạ Hòa đã tổ chức trao tiền hỗ trợ vốn vay cho 3 hộ nghèo phát triển mô hình sinh kế là nuôi bò sinh sản và vốn làm nghề. Đây là một trong những hoạt động góp phần an sinh xã hội, giảm nghèo của huyện năm 2024.