Tiếp cận tổng thể, tổng hợp, công bằng trong hợp tác quản lý tài nguyên nước
Ngày 23/3, tiếp tục chương trình tham dự Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) Rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu của thập kỷ hành động 'Nước vì sự phát triển bền vững' giai đoạn 2018-2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự với tư cách diễn giả chính tại Phiên đối thoại về hợp tác nước.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu tại phiên đối thoại, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ quan điểm về quản lý tài nguyên nước tổng thể, tổng hợp, công bằng. Đây là chủ đề có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh yêu cầu cấp bách về tăng cường hợp tác trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, các lưu vực sông. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết 60% lượng nước của Việt Nam được sản sinh từ các dòng sông xuyên biên giới. Việt Nam cũng tham gia mô hình hợp tác Ủy hội sông Mekong, được nhiều quốc gia quan tâm. Trên phạm vi thế giới hiện có hơn 40% dân số toàn cầu đang sinh sống tại các lưu vực sông, hồ xuyên biên giới.
Phó Thủ tướng đã chia sẻ một số giải pháp tiếp cận tổng thể, tổng hợp, công bằng trong hợp tác quản lý tài nguyên nước. Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường khuôn khổ pháp lý toàn cầu và khu vực về quản lý và sử dụng nguồn nước xuyên biên giới; áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng hợp, thuận theo tự nhiên, coi nguồn nước xuyên biên giới là một thực thể thống nhất trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, chương trình, dự án; tăng cường cơ chế tham vấn công khai, công bằng giữa các nước; đồng thời, nhấn mạnh việc hợp tác khai thác, sử dụng nước cần tính toán đảm bảo sinh kế, các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống và hệ sinh thái gắn với nước xuyên biên giới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề xuất thành lập các cơ quan, tổ chức thuộc LHQ để điều phối, hỗ trợ về khoa học, công nghệ và tài chính, hình thành cơ sở dữ liệu toàn cầu về nước xuyên biên giới và các lưu vực sông và hệ thống quan trắc, thiết lập tiêu chuẩn đạo đức trong ứng xử với nước xuyên biên giới.
Chia sẻ những áp lực ngày càng lớn liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đang phải đối mặt, đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu, cùng với nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngày càng tăng ở các quốc gia thượng nguồn, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với các tổ chức, các đối tác quốc tế, nhất là các quốc gia trong Ủy hội sông Mekong quốc tế, các quốc gia tham gia cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về nước xuyên biên giới.