Tiếp cận và giải pháp công nghệ xử lý nước thải phi tập trung

i mặt với thực trạng nguồn nước thải ngày càng lớn, thì việc chi những khoản kinh phí cho việc đầu tư xây dựng và vận hành các hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung tại hàng trăm đô thị lớn, nhỏ tại Việt Nam hiện nay vẫn là bài toán nan giải đối với chính quyền địa phương. Do vậy, quản lý nước thải (QLNT) phân tán chính là một giải pháp quan trọng, khắc phục những nhược điểm và khoảng trống của quản lý nước thải tập trung, quy mô lớn, thích hợp cho các đối tượng khác nhau.

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ mạng lưới thoát nước ở các đô thị nước ta chỉ đạt khoảng 30-70%. Mới chỉ có 10% nước thải đô thị được xử lý. Tại các vùng nông thôn, tỷ lệ bao phủ của các công trình vệ sinh là trên 70%. Tuy nhiên, tỷ lệ công trình vệ sinh phù hợp còn thấp, chỉ khoảng 18%. Còn có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng, miền… mà trở ngại lớn để nâng cao mức độ bao phủ trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh là tài chính.

Trên thế giới đã có rất nhiều công nghệ và thiết bị, các mô hình QLNT phân tán được phát triển và ứng dụng. Phương pháp tiếp cận này đã được chính thức ghi nhận cũng như được phát triển thành cả một ngành công nghiệp ở nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngành công nghiệp môi trường vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và rất thiếu các giải pháp công nghệ, các thiết bị và công trình đáp ứng đòi hỏi to lớn của thực tế trong lĩnh vực này. Việc nghiên cứu làm sạch nước thải tại chỗ cho các hộ gia đình hay các cụm dân cư bằng các công nghệ phù hợp, vừa đơn giản, có chi phí xây dựng và vận hành thấp, đảm bảo vệ sinh môi trường là hướng giải quyết hợp lý và khả thi.

Hiện nay, Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (IESE) - Đại học Xây dựng và các đối tác đã tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ XLNT sinh hoạt theo kiểu phân tán phù hợp với điều kiện Việt Nam, đã và đang chuyển giao, ứng dụng rộng rãi trên khắp cả nước.

Bể tự hoại cải tiến (bể BASTAF) là một công nghệ XLNT phân tán “Made in Việt Nam” đang được sử dụng rộng rãi tại các chung cư cao tầng, các đô thị mới ở nội thành và ven đô, các hộ gia đình đơn lẻ, trường học… bởi đây là công nghệ rất hiệu quả để xử lý nước thải sinh hoạt, cho phép đạt hiệu suất xử lý cao, chất lượng đầu ra ổn định.

Bên cạnh đó, còn có bể tự hoại bằng bê tông cốt thép đúc sẵn dung tích lớn phù hợp với yêu cầu sử dụng thực tếm xử lý nước đen từ nhà vệ sinh hay cả nước đen và nước xám hộ gia đình với giá thành tương đương với bể tự hoại xây bằng gạch tại chỗ. Ngoài ra, trạm xử lý nước thải hợp khối xây dựng bằng bê tông cốt thép AFSB-C; trạm xử lý nước thải hợp khối chế tạo sẵn bằng composite AFSB-F cho phép xử lý linh hoạt ngay cả khi tải lượng đầu vào tăng gấp 2 lần mà không cần xây dựng thêm bể mới; bể xử lý nước thải bằng composite chế tạo sẵn BASTAFTAT-F…

Các bể tự hoại cải tiến BASTAF, cụm bể XLNT tại chỗ BASTAFTAT, trạm XLNT phân tán hợp khối AFSB đều là các sản phẩm mới, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao, lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam với giá thành rẻ hơn nhiều so với giá các sản phẩm nhập ngoại có tính năng tương đương.

Các sản phẩm XLNT tại chỗ hợp khối theo kiểu mô đun, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với điều kiện Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào thúc đẩy nghiên cứu, triển khai, cung cấp cho thị trường các giải pháp XLNT phân tán phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường XLNT ngày càng tăng ở Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ khác phát triển.

Tuy nhiên, để có thể triển khai cách tiếp cận này nhanh chóng và hiệu quả, cần có sự nỗ lực và vai trò tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các bộ, ngành liên quan cùng với chủ thể các nhà khoa học, các doanh nghiệp.

Các giải pháp đồng bộ cần triển khai như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền để các chủ nguồn thải có ý thức trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường cần được ban hành một cách phù hợp. Các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng thành lập một cơ quan có chức năng thẩm định, cấp giấy chứng nhận phù hợp về công nghệ và đánh giá thực tế vận hành, quản lý các hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nhà nước cho phép và công nhận hoạt động thẩm định, cấp chứng chỉ về chất lượng sản phẩm xử lý nước thải của các hiệp hội ngành nghề có lĩnh vực và năng lực hoạt động chuyên ngành phù hợp.

Ngoài ra, cần có sự kết nối tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường được tiếp cận nguồn tài chính phù hợp, có chính sách ưu đãi thuế…

PGS.TS Nguyễn Việt Anh
Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường - Đại học Xây dựng

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/tiep-can-va-giai-phap-cong-nghe-xu-ly-nuoc-thai-phi-tap-trung.html