Tiếp động lực để An Giang bứt phá

Dựa vào 'bệ đỡ' nông nghiệp, tăng trưởng kinh tế của An Giang tuy không quá nhanh, nhưng mang tính bền vững. Nếu được Trung ương hỗ trợ thêm điều kiện kết nối giao thông, xây dựng thành trung tâm đầu mối nông sản, trái cây, thủy sản nước ngọt của vùng ĐBSCL, An Giang kỳ vọng tạo thêm đột phá, như những lần đột phá trước đây.

Đoàn công tác Chính phủ và tỉnh khảo sát vùng nghiên cứu lúa của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành

Đoàn công tác Chính phủ và tỉnh khảo sát vùng nghiên cứu lúa của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu kết luận buổi làm việc với tỉnh An Giang

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu kết luận buổi làm việc với tỉnh An Giang

Điểm sáng và điểm nghẽn

Thời gian qua, tăng trưởng An Giang không cao. Nhưng dựa trên nền tảng nông nghiệp, tỉnh vẫn vượt qua khó khăn, có những điểm sáng. Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2023, GRDP của An Giang tăng 5,3%, cao hơn bình quân cả nước (3,3%). Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Minh Tâm cho biết, dự ước GRDP 6 tháng của tỉnh tăng gần 7%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ 2022 (gần 5%). Năm 2023, UBND tỉnh và các cấp, ngành quyết liệt điều hành kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Cùng với kinh tế tăng trưởng khá, các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh được đảm bảo.

Những tháng đầu năm 2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh thấp hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, khi tỉnh triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để khởi công Dự án thành phần 1 của dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (khởi công trước ngày 30/6/2023), ước giá trị giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt khoảng 50% kế hoạch vốn đã giao năm 2023, cao hơn cùng kỳ 2022 (gần 20%). “Với những điểm sáng phát triển, khả năng tốc độ tăng trưởng năm 2023 của tỉnh đạt từ 7 - 7,5%” - ông Nguyễn Thanh Bình thông tin.

Mặc dù “bệ đỡ” nông nghiệp khá vững chắc, nhưng khó thúc đẩy tăng trưởng nhanh, nếu thiếu cơ chế mang tính đột phá. Theo nghiên cứu của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Đại học Fullbright Việt Nam, vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so các vùng khác trong cả nước. Đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ đạt 17,7%, mới bằng 67,6% mức đóng góp của riêng TP. Hồ Chí Minh. Đối với thu hút FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), FDI của vùng ĐBSCL chỉ chiếm 5,6% dự án và 8,4% vốn đăng ký của cả nước.

Thúc đẩy An Giang phát triển

Nhân chuyến làm việc của đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan dẫn đầu, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng đề án, vận hành trung tâm đầu mối ở An Giang gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành chính sách đặc thù đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NN&PTNT, thúc đẩy liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Tỉnh cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, nhà ở đồng bộ với pháp luật về đất đai, nhằm tháo gỡ vướng mắc, chồng chéo hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị đoàn công tác báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh đầu tư một số dự án hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Đầu tư xây dựng cầu Tôn Đức Thắng thay thế phà hiện hữu; cầu Tân Châu - Hồng Ngự trên Quốc lộ N1, nối liền tỉnh Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang, kinh phí 6.200 tỷ đồng; cầu Vàm Nao nối huyện Chợ Mới - Phú Tân, kinh phí 2.500 tỷ đồng; tuyến tránh thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú), dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng; hỗ trợ triển khai các dự án kè chống sạt lở sông Hậu, bảo vệ khu vực đô thị, đông dân cư; hỗ trợ kinh phí thực hiện và ban hành chính sách đầu tư khu, cụm, tuyến dân cư để di dời, bố trí tái định cư cho người dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, An Giang từng có đột phá, đi đầu trong thời kỳ đổi mới về nông nghiệp, nhiều sáng kiến được Trung ương nhân rộng, đánh giá cao. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhờ phát huy tốt lợi thế nông nghiệp, tỉnh tăng trưởng ổn định. Thống nhất với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kỳ vọng An Giang trở thành trung tâm liên kết vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo, đồng thời là địa phương chủ lực tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, tạo chỗ dựa vững chắc cho ngành nông nghiệp miền Tây Nam Bộ.

Mặc dù có lợi thế nằm ngay sát TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ năng động, nhưng ĐBSCL không được hưởng lợi từ sự kết nối này, ngược lại còn chịu tình trạng dịch chuyển lao động lớn. Bất lợi về mặt địa lý và khả năng kết nối giao thông, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp với các chính sách ưu đãi kém hấp dẫn… khiến ĐBSCL khó khăn trong kêu gọi đầu tư. Do đó, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL, cũng như khu vực kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang - địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tiep-dong-luc-de-an-giang-but-pha-a363268.html