'Tiếp lửa' cải cách

Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện giảm từ 58% xuống 48% và tỷ lệ DN gặp khó khăn khi xin giấy phép giảm từ 42% xuống 34%.

Doanh nghiệp Việt Nam nói chung; trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng hiện nay đang cần nhất một chính sách tốt trong một môi trường bình đằng. Ảnh Minh họa /TTXVN

Doanh nghiệp Việt Nam nói chung; trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng hiện nay đang cần nhất một chính sách tốt trong một môi trường bình đằng. Ảnh Minh họa /TTXVN

Con số trên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nổi bật là nhiều bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6% so với yêu cầu). Riêng Bộ Tài chính ban hành 17 Thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí. Trong đó, bỏ quy định thu 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí (được chi tiết thành 17 dòng phí, lệ phí); điều chỉnh giảm mức phí đối với 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí (được chi tiết thành 47 dòng phí, lệ phí) với mức giảm khoảng từ 5% - 25% so với mức hiện hành; cá biệt có một số khoản phí điều chỉnh mức giảm trên 30%...

Có thể khẳng định, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cải cách quyết liệt thực hiện những mục tiêu rất cụ thể của Chính phủ, chứ không chỉ hô hào chung chung. Nhờ đó mà chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện từ vị trí thứ 99 vào năm 2013 lên vị trí thứ 70 vào cuối năm 2019 và năng lực cạnh tranh quốc gia cũng tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng 190 nền kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuy nhiên, kết quả trên vẫn chỉ ở mức trung bình trên thế giới. Ở khu vực ASEAN, Việt Nam chưa lọt vào nhóm 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất.
Phản ánh từ cộng đồng DN cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của DN. Như hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% số DN cho rằng “cán bộ suy diễn bất lợi cho DN” và 30% số DN cho biết, tồn tại chi phí không chính thức khi thanh tra, kiểm tra thuế.

Liên quan đến giấy phép xây dựng, các DN phải đi lại để nộp hồ sơ rất nhiều lần (trung bình 3 lần cho mỗi thủ tục). Tỷ lệ DN phải xin xác nhận phòng cháy - chữa cháy lên đến 63% và có đến 30% số DN cho rằng họ gặp khó khăn khi làm thủ tục.

Đặc biệt, tiếp cận vốn vẫn là khó khăn lớn đối với các DN khi 39% số DN cho biết, tình trạng bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến. Một nhận định rất đáng lưu ý khác là việc mức độ công khai, minh bạch thông tin về đất đai lại đang có chiều hướng xấu đi...

Thực tế trên dẫn đến lo ngại về khả năng khó đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, bởi lẽ những cải thiện trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa đồng đều. Đến cuối tháng 6-2019, mới có Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi. Hầu hết các bộ chưa có hướng dẫn, tập huấn cho địa phương hoặc đơn vị thực thi và doanh nghiệp về nội dung cắt giảm điểu kiện kinh doanh; cũng như chưa giám sát tình hình thực thi những cải cách này.

Gần 20 năm qua, chúng ta đã có 2 đợt cắt giảm mạnh mẽ các quy định về điều kiện kinh doanh. Sau mỗi đợt cắt giảm, môi trường kinh doanh có được cải thiện theo hướng quyền tự do kinh doanh được mở rộng hơn, bình đẳng hơn, cơ hội kinh doanh nhiều hơn, giảm được phần nào tình trạng sách nhiễu...

Tuy nhiên, thực tế trên cho thấy vẫn còn rất nhiều dư địa để các bộ, ngành tiếp tục cải cách và cần nỗ lực cải cách thực chất hơn nữa về điều kiện kinh doanh. Tinh thần cải cách cần được thổi bùng mạnh mẽ lên hơn nữa.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tiep-lua-cai-cach/