Tiếp nhận nhiều tài liệu quý của Nhạc sĩ Doãn Nho
Ngày 2/1, tại Hà Nội, Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho đã trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III nhiều tài liệu, hiện vật quý, trong đó có bản thảo nhiều tác phẩm đã đi cùng năm tháng như: 'Năm anh em trên một chiếc xe tăng', 'Người con gái sông La', 'Chiếc khăn Piêu', 'Tiến bước dưới quân kỳ'…
Tiết lộ nhiều điều thú vị về ca khúc "Năm anh em trên một chiếc xe tăng"
Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, nhiều trang bản thảo đã có trên 50 năm. Các tài liệu, hiện vật được nhạc sĩ trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III mới chỉ là một phần và được chọn lọc khá kỹ trong số tài liệu ông đang lưu giữ tại nhà riêng ở Hà Nội.
Cùng với lễ trao tặng tài liệu, dịp này, nhạc sĩ lão thành đã có một buổi giao lưu thân tình, ấm áp với các cán bộ, nhân viên của Trung tâm. Ông tiết lộ nhiều chi tiết bất ngờ quanh các sáng tác. Đặc biệt, nhạc sĩ còn cho biết, hiện nay, khá nhiều người hát chưa đúng lời ca khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Đây là ca khúc được ông phổ thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh năm 1971.
Nhạc sĩ là người lính, gắn bó lâu năm với lực lượng Quân đội nhân dân. Khi đọc được bài thơ nói trên của nhà thơ Hữu Thỉnh trên báo, thấy tác phẩm nói về người bộ đội, về lính xe tăng đúng quá nên phổ nhạc rất nhanh. Ca khúc nhanh chóng được đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân yêu thích. Đến nay, đây vẫn là một trong số các ca khúc được phổ biến sâu, rộng. Tuy nhiên, có một chỗ trong phần lời của bài hát là “cái nết ở, ăn mỗi người một tính”, hiện nay đang bị nhiều người hát thành “cái nết ở anh mỗi người một tính”. Nhạc sĩ không phiền lòng về chi tiết này và rất vui vì tác phẩm được mọi người yêu thích. Tuy nhiên, ông vẫn mong lời ca khúc được hát chính xác hơn…
Nhạc sĩ cũng cho biết, có nhiều người thắc mắc, vì sao xe tăng có 3 người mà ca khúc của ông lại viết 5 người? Tuy nhiên, thời trước, biên chế xe tăng là 5 người lính, sau đó mới còn 3 người. "Sau này, xe tăng không người lái thì không còn biên chế nào. Ca khúc của tôi... vẫn đúng" - nhạc sĩ hóm hỉnh chia sẻ.
Bổ sung nguồn tư liệu quan trọng
Được biết, đây là lần thứ 2 nhạc sĩ Doãn Nho trao tặng tài liệu cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Trước đó, vào năm 2012, ông đã trao tặng trung tâm này 50 hồ sơ, bao gồm hàng ngàn trang bản thảo các sáng tác thanh nhạc và khí nhạc, được ông viết bằng tiếng Việt và tiếng Nga, từ năm 1950 đến năm 2009.
Trong đợt này, nhạc sĩ tiếp tục trao tặng bổ sung cho trung tâm thêm một số tài liệu là bản thảo giấy các sáng tác và đĩa CD, DVD các tác phẩm về thanh nhạc và khí nhạc mà ông đã cất giữ, nâng niu trong suốt sự nghiệp hoạt động âm nhạc của mình. Trong khối tài liệu mới trao có nhiều bản thảo tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ và tác phẩm đã được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tiêu biểu trong số đó có các tác phẩm: "Năm anh em trên một chiếc xe tăng", "Tây Nguyên mừng đón thơ Bác", "Bài thơ Kpakơlơn", "Người con gái Sông La", "Chiếc khăn Piêu", "Tiến bước dưới quân kỳ"… Về khí nhạc và hợp xướng có các tác phẩm: "Sóng Cửa Tùng", giao hưởng liên khúc 3 chương “Chiến thắng”, thơ giao hưởng số 1 “Tháng Tám lịch sử”, thơ giao hưởng số 2 “Thánh Gióng”…
Ngoài những sáng tác thanh nhạc, nhạc sĩ Doãn Nho còn viết thanh xướng kịch, một số tác phẩm khí nhạc như: thơ giao hưởng số 1 “Tháng Tám lịch sử”, thơ giao hưởng số 2 “Thánh Gióng”, thanh xướng kịch “Hoa Lư - Thăng Long” (chương 1). Ngoài ra, nhạc sĩ còn viết nhạc cho kịch, kịch múa và nhạc phim. Gần đây, ông viết nhạc cho vở ballet “Một thời và mãi mãi” dựa trên xúc cảm về hình tượng hai liệt sĩ trẻ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm... Nhạc sĩ từng nhận bằng Tiến sĩ lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Kiev từ năm 1982 và đã có nhiều bài tiểu luận, tham luận, phê bình âm nhạc.
Với những cống hiến, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng đất nước và cho nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Doãn Nho đã được tặng Huân chương Chiến thắng hạng Ba (1954), Huân chương Lao động hạng Ba (1958), Huân chương Chiến công hạng Ba (1969), Huân chương Độc lập hạng Ba (1976), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2017) cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, buổi lễ là sự kiện nhiều ý nghĩa trong dịp kỷ niệm Ngày Lưu trữ Việt Nam (3/1/1946 – 3/1/2024). Các tài liệu trung tâm tiếp nhận vô cùng giá trị. Cùng với các tài liệu của nhạc sĩ Doãn Nho đang bảo quản tại trung tâm, các tài liệu được trao tặng lần này góp phần phản ánh toàn diện và sinh động sự nghiệp sáng tác và nghiên cứu âm nhạc của ông, đồng thời là nguồn tư liệu quan trọng để phục vụ nghiên cứu lịch sử nền âm nhạc cách mạng Việt Nam nói chung và các nhu cầu nghiên cứu khác của đời sống xã hội. Sự kiện thêm một lần tôn vinh những sáng tác nhạc của nhạc sĩ, hơn nữa còn là dịp để tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhạc sĩ với sự nghiệp lưu trữ, gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc.