Tiếp nhận thêm 102 hồ sơ đăng ký hiến mô, tạng tại Lai Châu

Thời gian gần đây, phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não của người dân tỉnh Lai Châu đã có sự lan tỏa mạnh mẽ.

Lễ Phát động chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng tại tỉnh Lai Châu.

Lễ Phát động chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng tại tỉnh Lai Châu.

Ngày 18/10, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lai Châu phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam, Liên đoàn lao động tổ chức Lễ Phát động chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Chương trình nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng – “Cho đi là còn mãi" và triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế và Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam.

Lai Châu là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, đa sắc tộc, địa hình phức tạp, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết/chết não của người dân tỉnh Lai Châu đã có sự lan tỏa.

Năm 2023 tỉnh Lai Châu đã có một trường hợp được nhận "trái tim nhân đạo" từ bệnh nhân chết não hiến tặng; là cháu N.P.T (sinh năm 2009, Thị trấn Phong Thổ, Lai Châu). Từ một bệnh nhân thường ngày "lấy bệnh viện làm nhà", cháu đã trở lại sống cuộc đời bình thường, lại được khỏe mạnh, đến trường nhờ được ghép "trái tim nhân đạo" từ người cho chết não. Từ những duyên lành đó, phong trào hiến mô, tạng lại càng có “cớ” để lan tỏa rộng khắp.

Đến nay, toàn tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận 2.989 đơn đăng ký hiến tặng mô tạng, trong đó có 2019 tình nguyện viên được cấp thẻ. Từ phong trào hiến tặng mô và bộ phận cơ thể người phong trào đã được lan truyền mạnh tới cơ sở.

Phát biểu tại chương trình, ông Lê Văn Lương, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: “Hiện nay, Việt Nam có đủ khả năng ghép nhiều tạng, với các công nghệ, thành quả, kiến thức của chúng ta không kém các nước ngoài. Tuy nhiên, trên thế giới tỷ lệ người bệnh được ghép từ nguồn cho chết não rất lớn, ở Việt Nam tỷ lệ đó lại trái ngược, người bệnh được ghép từ nguồn tạng hiến từ người chết não lại ít hơn từ nguồn hiến sống. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động đến các tập thể, cá nhân và mỗi gia đình là cần thiết giúp họ hiểu rõ về ý nghĩa nhân văn, nhân đạo này…”

Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tiếp nhận hồ sơ đăng ký hiến mô, tạng của Chi hội tỉnh Lai Châu.

Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tiếp nhận hồ sơ đăng ký hiến mô, tạng của Chi hội tỉnh Lai Châu.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cũng chia sẻ: "Việc hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân của chúng ta, phát huy và hưởng ứng lời kếu gọi hiến mô, tạng sau khi chết của Thủ tướng Chính phủ. Đây là việc làm đầy nhân ái gửi tới các bệnh nhân suy mô tạng cần được ghép..."

Tại Chương trình, TS. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã đọc quyết định thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và tiếp nhận 102 hồ sơ đăng ký hiến mô, tạng của Chi hội tỉnh Lai Châu.

Với quan điểm “Cho đi là còn mãi”, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia luôn phối hợp, đồng hành với các đơn vị trên cả nước để chuyển tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng sáng chói của lòng nhân ái vì con người.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/tiep-nhan-them-102-ho-so-dang-ky-hien-mo-tang-tai-lai-chau-20241018120446064.htm