Tiếp nối đạo lý Uống nước nhớ nguồn

Những việc làm thiết thực thể hiện sự chăm lo, những phần quà, lời thăm hỏi, động viên, những căn nhà tình nghĩa được xây mới, sửa chữa,... là tấm lòng, sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đến đối tượng chính sách của huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Tháng 7 về, hoạt động chăm lo ấy lại thêm phần sôi nổi, tiếp nối đạo lý Uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thủ Thừa nhiệm kỳ 2020-2025.

Chăm lo mẹ việt nam anh hùng và người có công

Những người chồng, người con hy sinh trong các cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc để lại cho những người mẹ, người vợ vết thương lòng khó phai mờ. Gánh chịu mất mát, trách nhiệm trên vai thêm nặng nhưng có lẽ những điều ấy tạo nên người phụ nữ kiên cường, mạnh mẽ để vượt qua gian khó của chiến tranh. Đó là những Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) - niềm tự hào của dân tộc. Khắc ghi đạo lý Uống nước nhớ nguồn, chăm lo cho Mẹ VNAH là trách nhiệm, nghĩa vụ chung của toàn xã hội.

Địa phương thường xuyên thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng

Địa phương thường xuyên thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng

Hiện Thủ Thừa có 10 Mẹ VNAH còn sống trong số 266 Mẹ VNAH. Trong đó, xã Long Thuận có 3 Mẹ VNAH còn sống. Công tác chăm lo cho Mẹ VNAH được xã đặc biệt chú trọng. Hàng quí, xã tổ chức đoàn đến thăm mẹ. Theo đó, đoàn viên, thanh niên địa phương tham gia phụ giúp mẹ những việc vặt trong gia đình; nhân viên y tế đo huyết áp, khám bệnh cho mẹ;... Những ngày lễ, tết, đoàn đến thăm hỏi, tặng quà và nghe mẹ kể chuyện xưa. Ngoài ra, mỗi mẹ có thêm 1 đơn vị phụng dưỡng.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận - Bùi Văn Khương chia sẻ: “Chăm lo cho Mẹ VNAH là trách nhiệm và nghĩa vụ của chính quyền địa phương, không để mức sống của mẹ thấp hơn mức sống trung bình của địa bàn dân cư nơi mẹ sinh sống. Xã có 3 mẹ còn sống, trong đó 2 mẹ có mức sống tương đối khá, 1 mẹ thì chỉ mức trung bình".

90 tuổi, khuôn mặt Mẹ VNAH Trần Thị Lời, ngụ ấp 3, xã Long Thuận, in hằn vết thời gian. Mẹ còn minh mẫn và khỏe mạnh. Mẹ nói: “Chồng mẹ, con mẹ ngã xuống vì Tổ quốc. Hòa bình lập lại, chúng ta có cuộc sống ngày càng tốt hơn, trong đó có mẹ. Trải qua những mất mát, mẹ càng trân quý sức khỏe. Mẹ không cầu mong con cháu mẹ giàu có, mà chỉ mong các con, các cháu đủ sống và khỏe mạnh là được. Mẹ cũng rất vui khi nhận được sự quan tâm của địa phương và xã hội. Những buổi đến thăm nhà, trò chuyện là sự động viên, niềm an ủi rất lớn với mẹ”.

Bên cạnh đó, việc chăm lo đối tượng chính sách là người có công với cách mạng cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Ngoài những lời động viên, thăm hỏi, phần quà, những người có công với cách mạng còn được đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe. Tùy theo đối tượng có thể đi điều dưỡng hàng năm hoặc 2 năm/lần.

Bà Dương Thị Hoa (71 tuổi) - thương binh 4/4, ngụ ấp 3, xã Long Thuận, là đối tượng được đi điều dưỡng 2 năm/lần. Với bà Hoa, những chuyến đi không chỉ giúp hồi phục sức khỏe mà còn mang lại giá trị tinh thần rất lớn. Bà Hoa tâm sự: “Trong chuyến đi, tôi gặp những người cùng thời. Kỷ niệm buồn, vui của chiến tranh được sẻ chia và xoa dịu. Chuyến đi điều dưỡng cũng giúp chúng tôi sống vui hơn, ý nghĩa hơn. Đặc biệt, mỗi chuyến đi đều có y, bác sĩ đi cùng nên ai cũng an tâm về chăm sóc sức khỏe suốt chặng đường đi, về”.

Nhà tình nghĩa ấm nghĩa tình

Căn nhà tình nghĩa được xây mới 25 năm trước của gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, trở nên xập xệ, dột nát theo thời gian. Nơi thờ cúng 2 Mẹ VNAH cùng 3 liệt sĩ cũng không ít lần bị gió lùa, mưa tạt. Bà Mỹ kể: “Nhà được xây lâu rồi nên nền thấp, ngoài dột, còn bị ngập nước mỗi khi có mưa lớn”.

Nơi thờ cúng của gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ không còn bị mưa dột như trước nữa

Nơi thờ cúng của gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ không còn bị mưa dột như trước nữa

Và bây giờ, hình ảnh trên chỉ còn là quá khứ, bởi căn nhà tình nghĩa cũ đã được thay thế bằng căn nhà tình nghĩa mới, khang trang. Căn nhà tình nghĩa vừa kịp hoàn thành trong tháng 7 - tháng tri ân những người chiến đấu, ngã xuống vì độc lập dân tộc. Căn nhà tình nghĩa ấm áp nghĩa tình mang đến niềm vui, sự biết ơn của cả 2 bên trao và nhận. Bởi, với người trao là sự đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn của dân tộc và cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của thế hệ hôm nay dành cho những gia đình chính sách; với người nhận, ngôi nhà có giá trị vật chất, tinh thần to lớn và là niềm an ủi, động viên, sẻ chia thiết thực nhất.

Bà Mỹ xúc động: “Gia đình được xây nhà tình nghĩa 1 lần, công lao những người ngã xuống của gia đình cũng xem như được đáp đền. Xây nhà tình nghĩa mới là điều gia đình không dám nghĩ đến. Nhìn căn nhà mới hoàn thành với nền cao, tường chắc và lát gạch sạch sẽ, tôi mới dám tin là sự thật”.

Hình ảnh nhà ngập nước, người lớn, người nhỏ trong gia đình bà Mỹ cùng nhau tát nước ra ngoài giờ chỉ còn là quá khứ. Căn nhà tình nghĩa mới không chỉ mang đậm nghĩa tình mà còn mang đến một tương lai mới cho những chủ nhân của nó. Bởi, an cư sẽ lạc nghiệp.

Được biết, từ đầu năm 2020 đến nay, huyện Thủ Thừa xây mới 8 căn và sửa chữa 37 căn nhà tình nghĩa. Đó là những căn nhà của hộ gia đình có công với cách mạng, thờ cúng Mẹ VNAH gặp khó khăn về nhà ở.

Những hành động đẹp, ý nghĩa ấy viết tiếp truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Thế hệ hôm nay và mai sau sẽ luôn khắc ghi điều ấy để đền đáp lại sự hy sinh, mất mát của người trong cuộc vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc./.

Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện xây mới, sửa chữa 45 căn nhà tình nghĩa

Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện xây mới, sửa chữa 45 căn nhà tình nghĩa

Ngọc Thạch

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/tiep-noi-dao-ly-uong-nuoc-nho-nguon-a99085.html