Tiếp nối dòng chảy tri ân với người có công nơi biên giới, biển, đảo
'Uống nước nhớ nguồn' - đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam không chỉ được lưu truyền trong lời ru, câu ca, mà còn được khắc sâu trong hành động, nghĩa cử của mỗi người dân đất Việt. Với lực lượng BĐBP, truyền thống tri ân ấy luôn được giữ gìn, phát huy bằng những việc làm thiết thực, lan tỏa yêu thương, kết nối nghĩa tình. Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), những người lính quân hàm xanh lại tiếp tục hành trình 'đền ơn đáp nghĩa', góp phần thắp sáng ngọn lửa tri ân khắp dải biên cương của Tổ quốc.

Đoàn viên, thanh niên Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên chăm lo các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Him Lam, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Anh Dũng
Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” là sợi dây thiêng liêng kết nối các thế hệ, hun đúc thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn gian khó, dựng xây và bảo vệ Tổ quốc suốt chiều dài lịch sử. Và nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tựa đề "Uống nước nhớ nguồn", trong đó có đoạn: Không thể có một Việt Nam hòa bình, đổi mới, phát triển và hội nhập sâu rộng như hôm nay, nếu thiếu sự hy sinh thầm lặng của bao lớp chiến sĩ cách mạng, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những người mẹ, người cha từng sẵn sàng tiễn con ra trận, nhường phần gian khổ, mất mát về mình, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Thấm nhuần đạo lý cao cả ấy, những người lính quân hàm xanh nơi tuyến đầu Tổ quốc luôn coi việc tri ân các thế hệ đi trước, chăm lo gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công là bổn phận thiêng liêng, là hành động cụ thể để góp phần giữ vững chủ quyền biên giới, lan tỏa đạo lý tốt đẹp của dân tộc và xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ngay từ cơ sở.
Với đặc thù hoạt động và bề dày truyền thống, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP cũng thường xuyên quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, thân nhân liệt sĩ ở khu vực biên giới, biển, đảo. Hưởng ứng đợt cao điểm “Đền ơn đáp nghĩa” năm 2025, ngay từ đầu tháng 7, các đơn vị BĐBP đã triển khai đồng bộ các hoạt động tri ân hướng về các đối tượng chính sách, thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đã có hàng nghìn suất quà được trao tặng, hàng trăm ngôi nhà được sửa sang, hàng chục công trình dân sinh được khởi công và bàn giao đúng dịp 27/7, trở thành những minh chứng sinh động cho tấm lòng nghĩa tình, đạo lý của người lính quân hàm xanh.
Tại Quảng Trị - vùng đất lửa năm xưa ghi dấu bao trận chiến ác liệt, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các lực lượng địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Thăm hỏi, tặng quà 58 gia đình chính sách; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 200 lượt người; tu sửa, chỉnh trang và dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập còn giúp đỡ một số hộ gia đình chính sách sửa sang nhà cửa, vệ sinh khuôn viên, thể hiện tinh thần "Lá lành đùm lá rách" đầy nhân văn của người lính Cụ Hồ.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lai Hòa, BĐBP thành phố Cần Thơ và các ban, ngành, đoàn thể xã Lai Hòa thăm hỏi, động viên, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hai nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025). Ảnh: Văn Long
Tại các tỉnh Tây Nam Bộ như An Giang, Đồng Tháp, Long An, nơi địa bàn đặc thù vừa biên giới, vừa sông nước, các đồn Biên phòng chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống, tuyên truyền về lịch sử đấu tranh cách mạng, công ơn của các anh hùng liệt sĩ. Những câu chuyện cảm động về các bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh vượt khó, cựu chiến binh mẫu mực... được kể lại, không chỉ khơi dậy lòng tự hào dân tộc, mà còn lay động trái tim của lớp lớp chiến sĩ trẻ.
Ở vùng biển đảo phía Đông Bắc, BĐBP tỉnh Quảng Ninh, BĐBP thành phố Hải Phòng đã huy động lực lượng tổ chức nhiều đợt vệ sinh, tu sửa bia tưởng niệm liệt sĩ trên các đảo tiền tiêu, đồng thời phối hợp tổ chức dâng hương, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ ven biển. Trong ánh sáng lung linh của hàng nghìn ngọn nến, những người lính Biên phòng cùng nhân dân và thanh thiếu niên địa phương đã dành phút mặc niệm đầy trang nghiêm, xúc động, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh.

Lãnh đạo Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai tặng quà các gia đình có công với cách mạng. Ảnh: Quốc Vinh
Không chỉ vậy, nhiều đơn vị còn tổ chức lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ; phối hợp các hội, đoàn thể thực hiện các chương trình “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Hành trình tri ân”, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để lan tỏa thông điệp "Uống nước nhớ nguồn” tới cộng đồng; tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách; phối hợp với cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương tổ chức các diễn đàn, tọa đàm về truyền thống cách mạng và lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với các thế hệ cha anh đi trước. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, trong đó có các chiến sĩ mới và đoàn viên, thanh niên vùng biên giới. Tại nhiều địa phương, BĐBP còn đảm nhận đỡ đầu học sinh là con em gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”, tạo điều kiện để các em vươn lên trong học tập, giữ gìn ước mơ từ di sản tinh thần của những người có công đã ngã xuống vì đất nước.
Đặc biệt, các hoạt động tri ân không chỉ gói gọn trong ngày 27/7 mà đã trở thành việc làm thường xuyên, có chiều sâu, có kế hoạch cụ thể, gắn với công tác dân vận và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị BĐBP trong toàn lực lượng. Qua đó, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân nơi biên cương, đồng thời củng cố vững chắc thế trận lòng dân nơi phên dậu của Tổ quốc.