Tiếp nối mạch nguồn tri ân - Kỳ 1: 'Mệnh lệnh từ trái tim'
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hòa bình hôm nay đã phải đánh đổi máu xương của biết bao người. Vậy nên, bao năm qua, phát huy đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', tiếp nối mạch nguồn tri ân của dân tộc, cấp ủy, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh Gia Lai luôn ghi nhớ công ơn và dành sự quan tâm đặc biệt đối với các gia đình chính sách, người có công.
Với tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, khảo sát, tìm kiếm, quy tập, cất bốc và đưa về an táng tại các nghĩa trang hàng ngàn hài cốt liệt sĩ.
Vẹn tròn nghĩa tình đồng đội
Chiều muộn một ngày tháng 7, chúng tôi có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Prông. Người quản trang Phạm Quang Trung (SN 1958) vẫn đang cặm cụi cắt tỉa hàng rào cây xanh, trồng thêm hoa; sau đó thành kính thắp nhang lên từng phần mộ. Trong tiếng gió, chúng tôi thoảng nghe lời ông lầm rầm trước anh linh các anh hùng liệt sĩ.
Biết mục đích đến thăm của mấy vị khách, ông Trung mời chúng tôi về nhà, cách Nghĩa trang Liệt sĩ huyện chừng 50 m. Ông Trung kể: Ông có gần 10 năm tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Năm 1988, ông xin xuất ngũ với thương tật 61%; đến năm 2001 thì vào làm quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, nơi an nghỉ của 1.728 liệt sĩ.
“Từng trải qua quân ngũ, tôi hiểu được những mất mát của chiến tranh, thấu hiểu nỗi đau của thân nhân các liệt sĩ. Với tôi, trông coi, chăm sóc nghĩa trang không chỉ là công việc mà còn là sự tri ân với những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc”-ông Trung trải lòng.
Tại buổi gặp mặt các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ diễn ra ngày 27-7-2022 tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim thôi thúc những người đang thực hiện nhiệm vụ. Ngày nào hài cốt của các liệt sĩ chưa được tìm thấy thì chúng ta vẫn còn trăn trở, day dứt, lòng chưa yên. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị-xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta”.
Mỗi ngày, ông Trung đều bắt đầu công việc từ lúc 4 giờ 35 phút. Sau khi thắp hương ở nhà thờ Bác Hồ, Tượng đài Tổ quốc ghi công, ông Trung lên đài thỉnh 9 hồi chuông. Tiếp đến, ông dành thời gian quét dọn, chăm sóc cây xanh tạo cảnh quan môi trường; tiếp đón các đoàn đến thăm, dâng hương, dâng hoa tưởng niệm; sắp xếp nghi lễ khánh tiết... 22 năm gắn bó với nơi này, ông đã nhiều lần rơi nước mắt khi chứng kiến những câu chuyện xúc động về tình đồng chí, đồng đội, giây phút đoàn tụ của gia đình với liệt sĩ sau bao năm xa cách và cả những trường hợp thân nhân đến rồi ngậm ngùi ra về vì thông tin không chính xác.
Có bố chồng là liệt sĩ Bùi Văn Nìu đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, vào các dịp lễ, Tết, gia đình bà Hà Thị Hường (thôn Lũng Vân, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) thường đến thăm viếng và thắp hương tưởng nhớ. “Mỗi lần lên đây, thấy phần mộ của bố được lau dọn sạch sẽ, nhang khói đầy đủ, tôi lại thêm ấm lòng. Gia đình cảm thấy may mắn và biết ơn khi bố đã được tìm thấy và đưa về an nghỉ tại nghĩa trang. Tôi cũng hy vọng tất cả các liệt sĩ còn nằm lại đâu đó trên chiến trường sẽ sớm được tìm thấy, đưa về an táng bên đồng chí, đồng đội và quê nhà”-bà Hường bày tỏ.
Mới đây, 2 hài cốt liệt sĩ Ma Phúc Văn (SN 1950) và Nguyễn Văn Chiều (SN 1938), cùng quê Thái Nguyên, cùng nhập ngũ tháng 9-1965 thuộc Trung đội 3, Đại đội 14, Trung đoàn Bộ binh 95; cùng hy sinh vào ngày 8-3-1975 khi đang chiến đấu đã được tìm thấy tại điểm cao 995 núi Kon Dỡng (huyện Mang Yang) và đưa về quê (xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) an táng theo nguyện vọng của gia đình. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ tiễn đưa 2 hài cốt liệt sĩ tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn Bộ binh 95, ông Nguyễn Thế Vinh (em trai liệt sĩ Nguyễn Văn Chiều) đã không ngăn được niềm xúc động. Giọng ông rưng rưng, gần như lạc hẳn khi bày tỏ lời cảm ơn cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng đã tạo điều kiện để gia đình tìm thấy anh trai, đưa về an nghỉ tại quê nhà sau 48 năm mong mỏi, đợi chờ.
Trong ngôi nhà ở số 74 đường Tô Vĩnh Diện (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), cựu chiến binh Vũ Hồng Sáu lấy ra 1 chiếc túi nhỏ đã sờn cũ đựng những vật dụng, tư liệu quý mà ông gìn giữ nhiều năm qua. Đó là cuốn sổ ghi chép thông tin về các liệt sĩ, chiếc la bàn và tấm bản đồ quân sự được ông dùng để xác định phương hướng trong quá trình tìm kiếm hài cốt đồng đội; những lá thư của thân nhân nhờ tìm liệt sĩ kèm giấy báo tử…
Ông Sáu chia sẻ: “Năm 20 tuổi, tôi nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Bộ Tư lệnh 305 Đặc công. Sau thời gian huấn luyện, tôi cùng đồng đội vào Nam chiến đấu, trải qua nhiều mặt trận. Tôi đã chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống và trực tiếp tham gia chôn cất họ. Chiến tranh kết thúc, tôi may mắn còn sống, trở về. Nhưng, tôi luôn day dứt vì nhiều đồng đội vẫn nằm lại đâu đó trong lòng đất lạnh, giữa rừng sâu nên đã bắt đầu cuộc hành trình đi tìm mộ đồng đội từ năm 1995”.
Căn cứ vào số hiệu, ký hiệu trong giấy báo tử liệt sĩ, ông Sáu giải mã, phân định địa giới, đơn vị mà các anh đã chiến đấu, hy sinh; xin danh sách những liệt sĩ đang yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; xin tọa độ ở Cục Chính sách (Quân đoàn 3). Khi có được tọa độ, ông Sáu dùng la bàn và dựa vào thông tin của người dân địa phương cung cấp để tìm hài cốt liệt sĩ. Với cách làm khoa học, kỹ lưỡng và đầy tâm huyết ấy, 28 năm qua, ông Sáu đã phối hợp tìm kiếm được 35 liệt sĩ. Ông còn là nhân chứng giúp hoàn thiện hồ sơ xét nhận chế độ chính sách cho hàng chục đồng đội. Từ chỗ tự đi tìm liệt sĩ theo đề nghị của các gia đình, nhiều đơn vị quân đội đã mời ông cùng tham gia công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Không chỉ tìm kiếm mộ đồng đội ở khu vực trong tỉnh, ông Sáu còn tham gia tìm kiếm các tỉnh Đak Lak, Kon Tum và trên đất Campuchia.
“Khi tìm được đồng đội, tự tay cất bốc hài cốt, tôi có cảm giác như nghe được tiếng nói của các anh, nước mắt cứ thế tuôn trào. Mỗi lần tham gia hỗ trợ thân nhân đưa được hài cốt liệt sĩ về quê nhà sau bao năm tháng không rõ tin tức, tôi thấy nhẹ lòng và có thêm động lực tiếp tục tìm kiếm. Tôi chỉ mong sao mình có sức khỏe, trí nhớ minh mẫn để tiếp tục hành trình đi tìm các anh”-ông Sáu bộc bạch.
“Tìm hài cốt liệt sĩ như tìm người thân”
Năm 2020, Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tiếp đến, năm 2021, đơn vị nhận Huân chương Chiến công hạng ba vì đã lập chiến công xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ trong giai đoạn 2013-2020. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ trong nước, 22 năm qua, các cán bộ, chiến sĩ Đội K52 đã có mặt ở nhiều phum, sóc thuộc địa bàn 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia (Ratanakiri, Stung Treng, Preah Vihear) thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia trong các thời kỳ chiến tranh về nước. Đến nay, đơn vị đã quy tập, hồi hương 1.468 hài cốt, trong đó, 43 hài cốt liệt sĩ xác định được thông tin.
Trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong 2 mùa khô tại tỉnh Ratanakiri, Thượng tá Hoàng Viết Ngọc-Chính trị viên Đội K52-cho hay: Gia đình anh cũng mất nhiều năm tìm kiếm, rồi xét nghiệm ADN mới tìm thấy hài cốt của người chú ruột hy sinh năm 1969 tại mặt trận Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Là người trong cuộc nên anh thấu hiểu mong mỏi của thân nhân liệt sĩ.
“Trong quá trình tìm kiếm, tôi luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ về chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và nhấn mạnh đây là nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng, cao cả, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự biết ơn đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Chỉ khi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ ý nghĩa thì mới thực hiện tốt nhiệm vụ. Và khi đã xác định rõ nhiệm vụ thì sẽ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành”-Thượng tá Ngọc khẳng định.
Khó khăn mà Thượng tá Ngọc nhắc đến không đơn giản là điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nơi ăn ở tạm bợ, địa hình thay đổi mà còn là nhân chứng cung cấp vị trí an táng liệt sĩ ngày càng ít, thông tin mơ hồ khiến cho việc tìm kiếm có khi kéo dài cả tháng mà chưa hẳn đã mang lại kết quả.
“Mùa khô 2022-2023, đơn vị khảo sát, tìm kiếm tại 695 phum, sóc, khoanh vùng, xác định địa bàn trọng điểm tại huyện Oyadav (tỉnh Ratanakiri); huyện Tha La, Siêm Pang (tỉnh Stung Treng); huyện Chăm San, Chây Sen, Rô Viêng (tỉnh Preah Vihear). Chúng tôi tiến hành đào tìm 29 địa điểm có thông tin về mộ liệt sĩ, có 5 vị trí tìm thấy hài cốt liệt sĩ và đã quy tập được 22 hài cốt liệt sĩ”-Chính trị viên Đội K52 thông tin.
Những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập mộ liệt sĩ (Cục Chính trị, Quân đoàn 3) đang tiến hành khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt tại địa bàn xã Ia Kreng (huyện Chư Păh). Đây là địa bàn đơn vị đã tìm thấy 11 hài cốt liệt sĩ tại hang đá ở khu vực núi Chư Pa vào mùa mưa năm 2021. “Nhận được thông tin từ người dân trong quá trình đi làm rẫy phát hiện một số di vật của bộ đội thời chiến tranh, đơn vị đã tiến hành khảo sát và tổ chức tìm kiếm, quy tập. 11 hài cốt liệt sĩ bị chôn vùi trong hang, miệng hang bị đất đá che lấp. Chúng tôi đã phải lật từng viên đá, cẩn thận tìm kiếm và tìm được 11 hài cốt”-Thượng tá Nguyễn Văn Quyết-Đội trưởng Đội Quy tập mộ liệt sĩ-cho hay.
Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ (Cục Chính trị, Quân đoàn 3) thành lập năm 2013, thực hiện nhiệm vụ tại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Đến nay, Đội đã quy tập được 136 hài cốt liệt sĩ, trong đó, 17 hài cốt liệt sĩ xác định được danh tính. “Khu vực đơn vị thực hiện nhiệm vụ thường là địa hình hiểm trở, vùng sâu, vùng xa; có nơi còn tồn sót bom mìn, vật liệu nổ; địa hình, địa vật thay đổi theo thời gian... Song, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn xác định tốt tư tưởng “tìm hài cốt liệt sĩ như tìm người thân của chính gia đình”-Thượng tá Quyết cho biết.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2013 đến nay, các đơn vị đã quy tập được 369 hài cốt liệt sĩ trong nước, trong đó có 26 hài cốt liệt sĩ xác định được thông tin. Với 22 đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Campuchia đã quy tập được 1.468 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 43 hài cốt liệt sĩ xác định được thông tin. Cũng từ năm 2013 đến nay, ngành chức năng đã lấy mẫu sinh phẩm 180 trường hợp để xác định ADN danh tính hài cốt liệt sĩ, trong đó, 19 trường hợp đã xác định được ADN cùng huyết thống; xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng được 32 hài cốt liệt sĩ.