Tiếp nối mạch nguồn tri ân - Kỳ 2: Xoa dịu nỗi đau chiến tranh

Bằng tất cả tình cảm, sự trân trọng và trách nhiệm, các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân đã cộng đồng trách nhiệm, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Những việc làm nghĩa tình, trách nhiệm này không chỉ thể hiện đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn' của dân tộc mà còn giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Trách nhiệm không của riêng ai

Sáng sớm 22-7, ngôi nhà của bà Hoàng Thị Liên (SN 1940, tổ 5, thị trấn Đak Đoa, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Quảng) đông hơn mọi ngày. 10 đoàn viên, thanh niên của thị trấn đến từ sớm để quét dọn nhà cửa, chăm sóc vườn tược và nấu “bữa cơm tri ân”. Với tinh thần hăng hái của tuổi trẻ, chỉ vài giờ sau, mâm cơm, đĩa trái cây đã được đặt lên ban thờ liệt sĩ; sau đó, từng đoàn viên, thanh niên dâng hương bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc trước anh linh liệt sĩ.

Chị Trần Thị Hạnh-Bí thư Đoàn thị trấn Đak Đoa-chia sẻ: “3 năm nay, vào dịp 27-7, Đoàn thị trấn đều chọn 1 gia đình chính sách, người có công để tổ chức “bữa cơm tri ân” và tặng quà. Đây là việc làm thể hiện sự biết ơn với thế hệ đi trước, là tấm gương để thế hệ trẻ hôm nay noi gương, học tập”.

Bên mâm cơm, đoàn viên, thanh niên nghe bà Liên kể về những năm tháng từng tham gia thanh niên xung phong ở quê nhà Hà Tĩnh, rồi sự hy sinh của liệt sĩ Quảng cùng sự day dứt sau nhiều đợt tìm kiếm ở nghĩa trang dọc các tỉnh miền Trung nhưng vẫn chưa tìm được phần mộ của chồng. Kết hôn được 4 năm thì bà nhận hung tin: chồng hy sinh tại mặt trận Bình Trị Thiên. Khi đó, con gái đầu mới 3 tuổi, con gái út 3 tháng tuổi. Nén đau thương, bà tự hứa với lòng thay chồng nuôi các con khôn lớn. Năm 1984, bà cùng 2 con vào Gia Lai lập nghiệp theo diện kinh tế mới.

“Con gái lấy chồng nên sớm tối tôi chỉ có một mình. Ăn một mình cũng buồn. Bữa cơm hôm nay đều là các món quen thuộc nhưng tôi thấy ngon hơn thường ngày”-bà Liên nói trong niềm xúc động.

Đoàn viên, thanh niên thị trấn Đak Đoa thăm, tặng quà bà Hoàng Thị Liên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Quảng). Ảnh: Phan Lài

Đoàn viên, thanh niên thị trấn Đak Đoa thăm, tặng quà bà Hoàng Thị Liên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Quảng). Ảnh: Phan Lài

Những năm qua, tuổi trẻ toàn tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” như: khám bệnh, phát thuốc cho thương-bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng; thắp nến tri ân các anh hùng-liệt sĩ; sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách; gặp gỡ nhân chứng lịch sử… Các hoạt động này góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thanh thiếu nhi toàn tỉnh.

Theo anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn: “Tri ân và tiếp nối truyền thống cách mạng là trách nhiệm của thế hệ trẻ. Công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên, bằng nhiều hình thức. Các hoạt động giúp thế hệ trẻ hôm nay nhận thức được trách nhiệm của mình để nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn cho quê hương”.

Chăm lo gia đình chính sách, người có công là trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Do vậy, song hành với thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhiều đơn vị đã tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, trong đó đặc biệt ưu tiên chăm lo gia đình chính sách, người có công. Đơn cử, Binh đoàn 15 đã tổ chức nhiều hoạt động tiếp sức cho các gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống như: tặng nhà tình nghĩa, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng bò giống, sổ tiết kiệm, tuyển dụng vào làm công nhân, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng... Còn Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn từ năm 2016 đến nay đã nhận phụng dưỡng 11 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 10 thân nhân gia đình liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Gia Lai; đồng thời, xây dựng nhà tình nghĩa tặng các hộ khó khăn...

Đại tá Nguyễn Năng Toàn-Chủ tịch Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn-chia sẻ: Việc nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng và chăm lo thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng nhằm kịp thời động viên về tinh thần, góp phần cùng địa phương quan tâm, chăm lo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các gia đình.

Đoàn viên, thanh niên dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: Phan Lài

Đoàn viên, thanh niên dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: Phan Lài

Với mục tiêu 100% hộ chính sách, người có công thoát nghèo trong năm 2022, huyện Ia Grai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giúp 22 hộ chính sách nghèo còn lại của huyện. Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của từng gia đình, huyện đã bố trí nguồn vốn và vận động các nguồn lực, phân bổ về cho địa phương triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để các gia đình phát huy nội lực, phấn đấu vươn lên; phân công các ngành, đoàn thể phụ trách giúp đỡ từng phần việc cụ thể. Theo đó, các đơn vị đã hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà, sửa chữa 2 căn nhà; tặng 18 con bò giống, 7 con heo giống, hỗ trợ phân bón cây trồng…

Bà Puih Thih (làng Út 1, xã Ia Hrung) phấn khởi chia sẻ: “Năm 2022, huyện hỗ trợ gia đình mình xây dựng 1 căn nhà mới và 1 cặp heo giống. Mình sẽ động viên con cháu cố gắng làm ăn, sớm ổn định cuộc sống”.

Ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: “Đến nay, huyện không còn hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách, người có công. Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể tiếp tục duy trì các giải pháp nhằm giúp người dân có thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững”.

Trọn nghĩa vẹn tình

Có lẽ, không ai thấu hiểu nỗi đau da cam bằng ông Nguyễn Xuân Thủy-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê. Di chứng trong những năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Nam Trung Bộ đã khiến 2 trong 3 người con của ông bị nhiễm chất độc da cam. Người con thứ 2 năm nay đã 34 tuổi song nhận thức chỉ như đứa trẻ lên 5, nói năng không rõ ràng; con út (SN 1991) phải luôn có người bên cạnh hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày. Đó cũng là lý do mà trong 16 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, ông Thủy đã cùng Ban Chấp hành Hội dành nhiều thời gian, tâm sức đồng hành, giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam; vận động các cơ quan, doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân ủng hộ quỹ hơn 9 tỷ đồng để giúp đỡ các nạn nhân.

Toàn tỉnh đã hoàn chỉnh thủ tục xác nhận trên 65.000 người hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng gồm: 9.583 gia đình liệt sĩ, 223 mẹ Việt Nam Anh hùng, 9 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 21 cán bộ lão thành cách mạng, 96 cán bộ tiền khởi nghĩa, 5.214 thương binh, 4.006 bệnh binh, 14.530 người có công với cách mạng, 3.409 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 18.831 người hoạt động kháng chiến. Kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công cách mạng năm 2023 là khoảng 353 tỷ đồng chi trả chính sách và các hoạt động phục vụ người có công.

Ông Thủy thống kê: Toàn huyện có khoảng 1.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Trong đó, 800 người hoạt động kháng chiến, 485 gia đình với trên 600 người là nạn nhân; 172 nạn nhân là con đẻ và cháu nội, ngoại của người hoạt động kháng chiến. Giai đoạn 2016-2023, ngoài việc tổ chức thăm hỏi, tặng quà, Hội đã triển khai chương trình nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm để cải thiện đời sống, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam.

Cụ thể, Hội đã hỗ trợ 56 con bò giống, 12 con dê với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng cho gia đình nạn nhân. Từ sự hỗ trợ này, 27 gia đình vươn lên thoát nghèo, có hộ thu nhập 70-80 triệu đồng/năm, nhà cửa được sửa sang, nâng cấp… Bên cạnh đó, Hội nhận hỗ trợ, nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng cho 144 em là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2, thứ 3 và trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng tại gia đình với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng (mỗi em được nhận hỗ trợ 400 ngàn đồng/tháng, thời gian hỗ trợ 2-7 năm)…

Những con số trên là minh chứng rõ nét cho sự tâm huyết, đồng cảm, sẻ chia của cá nhân ông Thủy cũng như Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện thời gian qua.

Nhắc đến tỷ phú cựu chiến binh Ngô Công Đoan (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh) hẳn nhiều người không còn xa lạ. Ông đang sở hữu trang trại rộng hơn 50 ha, vừa nuôi yến kết hợp trồng các loại cây ăn quả, hồ tiêu, cây lấy gỗ; mỗi năm thu về hàng tỷ đồng. Song điều khiến nhiều người luôn ấn tượng về ông chính là trách nhiệm sẻ chia với cộng đồng.

Ông Đoan quan niệm: “Gia đình có được cuộc sống như hôm nay là nhờ sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cha anh đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.

Ông Nguyễn Xuân Thủy (bìa phải) tặng bò giống cho gia đình nạn nhân chất độc da cam ở xã Chư Pơng (huyện Chư Sê). Ảnh: Phan Lài

Ông Nguyễn Xuân Thủy (bìa phải) tặng bò giống cho gia đình nạn nhân chất độc da cam ở xã Chư Pơng (huyện Chư Sê). Ảnh: Phan Lài

Từ nhận thức đó, năm 2007, gia đình ông Đoan đã nhận chăm sóc bà Rơ Me-mẹ liệt sĩ ở làng Le, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ. Năm 2015, ông tiếp tục nhận hỗ trợ cháu Ksor H’Phước-nạn nhân nhiễm chất độc da cam ở làng Krol, xã Ia Krêl. Ông chia sẻ: “Tôi thường xuyên tới thăm và chăm sóc mẹ, sửa chữa nhà cửa giúp mẹ có chỗ ở ấm cúng; hàng tháng chu cấp sinh hoạt cho mẹ đầy đủ. Mẹ đã mất cách đây 2 năm. Riêng với cháu H’Phước đang ở cùng gia đình và chỉ nằm một chỗ. Hàng tháng, gia đình tôi hỗ trợ 500 ngàn đồng và thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, Tết”.

Ngoài ra, nhiều năm nay, gia đình ông còn ủng hộ xây dựng 18 nhà tình nghĩa cho hội viên cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách; ủng hộ quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, ngân hàng bò, xây dựng nông thôn mới... trị giá hàng tỷ đồng.

Tính từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm 1.920 ngôi nhà cho gia đình chính sách, người có công với tổng kinh phí trên 59 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng mới 1.282 nhà, sửa chữa 683 nhà. Công tác chăm sóc sức khỏe đối với người có công được chú trọng; 100% người có công, thân nhân gia đình liệt sĩ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được điều dưỡng theo quy định. Trung bình mỗi năm có trên 6.000 lượt người có công được điều dưỡng tại nhà và trên 200 lượt người có công được điều dưỡng tại các cơ sở điều dưỡng tập trung.

Hàng năm, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức đưa 30 người có công tiêu biểu đi tham quan tại Hà Nội; thăm gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thăm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử các tỉnh miền Trung, Phú Quốc, Côn Đảo; dự hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức. Các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngoài khoản trợ cấp của Nhà nước hàng tháng, các mẹ còn được các tổ chức, cá nhân phụng dưỡng với mức hỗ trợ từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Đời sống của gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Hàng năm, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh-liệt sĩ (27-7), Tết cổ truyền của dân tộc, tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân đối với những người đã có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công; gặp mặt Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu, đặc biệt là đối với thương binh, bệnh binh nặng.

PHƯƠNG DUNG

PHAN LÀI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tiep-noi-mach-nguon-tri-an-ky-2-xoa-diu-noi-dau-chien-tranh-post243923.html