Tiếp nối thuận lợi thương mại giữa Việt Nam - Anh
Bắt đầu từ 23 giờ hôm nay 31-12, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) chính thức có hiệu lực, là bước tiếp nối quan trọng cho thuận lợi thương mại giữa các bên ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu EU (EVFTA) hết hiệu lực thực thi đối với Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len.
Bắt đầu từ 23 giờ hôm nay 31-12, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) chính thức có hiệu lực, là bước tiếp nối quan trọng cho thuận lợi thương mại giữa các bên ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu EU (EVFTA) hết hiệu lực thực thi đối với Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len.
Thực tế, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh năm 1973, hợp tác về kinh tế giữa hai bên đã không ngừng phát triển, đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Về thương mại, trong nhiều năm qua, Anh đã trở thành thị trường lớn thứ hai tại châu Âu (sau Ðức) đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Quan hệ thương mại Việt Nam - Anh phát triển theo chiều hướng có lợi cho nhiều sản phẩm Việt Nam thể hiện qua mức xuất siêu khoảng gần năm tỷ USD/năm; cơ cấu hàng hóa Việt Nam và Anh có độ bổ sung lớn.
Các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tại thị trường Anh gồm nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ da, đồ gỗ, đồ gốm, thủy tinh, đồ nhựa, sản phẩm cao-su, máy móc, mô-tô, dược phẩm, sản phẩm từ giấy, sản phẩm từ gỗ và bột giấy, sản phẩm sắt thép, hóa chất.
Không những vậy, tại thị trường Anh, dư địa tăng trưởng cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì mới chiếm gần 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD của Anh. Trong khi đó, đến hết tháng 8-2020, Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số các nước và vùng lãnh thổ đang có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh - một trong năm nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD).
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn, là cửa ngõ để các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 630 triệu dân, GDP của khu vực là 2.560 tỷ USD. Kinh tế vĩ mô Việt Nam trong thời gian qua duy trì phát triển ổn định, GDP tăng trưởng từ 6 đến 8%/năm, tăng trưởng xuất, nhập khẩu 12%/năm, môi trường đầu tư tương đối tốt, đứng thứ chín về mức độ hấp dẫn đầu tư. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia có nhiều tiến bộ, xếp thứ 77 trong số 140 quốc gia. Hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Anh là một cường quốc có vai trò và vị trí quan trọng trong quan hệ quốc tế. Phát triển và tăng cường quan hệ đối tác nhiều mặt với Anh là định hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện tại, việc ký kết UKVFTA có ý nghĩa vô cùng to lớn và thiết thực, đồng thời là một nhu cầu hoạt động cần thiết cho cả hai quốc gia. Anh đã rời khỏi EU kể từ 23 giờ ngày 31-1-2020 sau 47 năm là thành viên. Trước đó, Anh đạt được thỏa thuận với EU về giai đoạn chuyển tiếp kéo dài từ ngày 29-3-2019 cho đến hết tháng 12-2020. Ðiều này đồng nghĩa với việc các ưu đãi mang lại từ EVFTA sẽ không còn được áp dụng tại thị trường Anh từ ngày 31-12-2020. Bởi vậy, việc ký kết một hiệp định thương mại tự do song phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA, tránh gián đoạn các hoạt động thương mại do việc Anh rời EU mang lại. Ðáng chú ý, phần lớn các điều khoản của UKVFTA tương tự với EVFTA nghĩa là hai nước không cần phải tiến hành một thập kỷ đàm phán. Theo đó, 99% thuế xuất, nhập khẩu giữa hai nước sẽ được cắt bỏ sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan, mở ra nhiều cơ hội lớn thúc đẩy thương mại giữa hai bên. UKVFTA là sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Anh đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt. UKVFTA không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.