Tiếp nối tinh hoa tranh Hàng Trống
Đưa tranh Hàng Trống trưng bày tại đình Nam Hương (phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một phần trong dự án 'Từ truyền thống tới truyền thống' do thầy và trò trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện. Dự án được triển khai với hy vọng kế thừa những tinh hoa mỹ thuật dòng tranh dân gian Hàng Trống, kết hợp với sức sáng tạo của tuổi trẻ để bảo tồn, phát huy biểu tượng văn hóa xứ kinh kỳ.
Cảm hứng từ tranh dân gian
Giữa phố phường nhộn nhịp, trong không gian cổ kính của đình Nam Hương, những bức tranh Hàng Trống như tìm lại được đúng vị trí của mình. Mỗi tác phẩm trong không gian trưng bày với chủ đề “Từ truyền thống tới truyền thống” là những phương án ứng tác, từ những tác phẩm mang xu hướng thiết kế, cho đến những tác phẩm mang tính thử nghiệm có khả năng tương tác cao chứa đựng những suy tư về giá trị di sản của văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại. Đến với không gian trưng bày, người xem có thể thấy “Cô Ba” - một trong những tác phẩm tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống được đặt bên cạnh một “Cô Ba” bằng chất liệu sơn mài - một chất liệu truyền thống của hội họa Việt Nam. Đặc biệt, “Cô Ba” có lịch sử hàng trăm năm đứng bên cạnh một “Cô Ba” được tạo nên bởi Hà Anh, một sinh viên còn rất trẻ. Hà Anh - sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Giữa tranh Hàng Trống với nghệ thuật sơn mài nói riêng và nghệ thuật đương đại nói chung có nhiều điểm tương đồng có thể phát triển. Trong tranh Hàng Trống sử dụng các nét rất tinh tế thì cũng giống với kỹ thuật đi nét của tranh sơn mài. Đồng thời, cách vờn tỉa trong tranh Hàng Trống cũng rất độc đáo có điểm chung với sơn mài”.
Theo Ban Tổ chức, dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” là một nỗ lực đối thoại và viết tiếp giá trị từ dòng tranh truyền thống bằng các chất liệu truyền thống khác trong nền hội họa Việt Nam, đó là sơn mài và lụa. Dự án là cơ hội để nhóm sinh viên được tuyển chọn từ chuyên ngành sơn mài và lụa thuộc khoa Hội họa, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, có thể tiếp xúc trao đổi và học hỏi từ nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Trong vòng một tháng, các bạn sinh viên tham gia dự án đã có cơ hội tiếp thu khám phá trực tiếp từ những trải nghiệm thực tế với nghệ nhân, đề xuất những phương án sáng tạo, lấy cảm hứng từ chính dòng tranh Hàng Trống.
Để viết tiếp truyền thống
Tại lễ khai mạc không gian trưng bày tại đình Nam Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết: "Không gian trưng bày “Từ truyền thống tới truyền thống” gắn với dòng tranh dân gian Hàng Trống xuất hiện từ khoảng 400 năm trước đây, với 2 dòng tranh chính là tranh thờ và tranh Tết. Những dòng tranh này hiện đang bị mai một nếu không được bảo tồn và phát huy”.
Với thời gian trưng bày gần 2 tháng (từ 30/10 đến 20/12), triển lãm lần này kỳ vọng có thể kích thích sự quan tâm của giới trẻ và cộng đồng trước những vấn đề sống còn của các giá trị di sản văn hóa nói chung, cũng như của nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống nói riêng. Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Cuộc trưng bày lần này cũng là dịp để cổ vũ và tôn vinh những sáng tạo cá nhân của những sinh viên, những nghệ sĩ trẻ trên con đường sáng tác độc lập phía trước. Đây cũng là một cách bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản một cách có tính sáng tạo hơn.
Dự án dài hơi “Từ truyền thống tới truyền thống” sẽ kết nối di sản văn hóa của tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản ứng tác với chất liệu truyền thống sơn mài và lụa trong nền hội họa Việt Nam. Dự kiến, chương trình sẽ diễn ra vào năm 2021.
Dự án lấy cảm hứng từ chính dòng tranh Hàng Trống và đình Nam Hương - mới được trùng tu, cải tạo nằm ở phố Hàng Trống, nơi đã sản sinh ra dòng tranh này. Cũng chính tại nơi đây, tranh Hàng Trống đang bị mai một dần. Từ ý tưởng đó, tôi đã xây dựng một dự án bảo tồn di sản tranh Hàng Trống, muốn lịch sử dòng tranh này được viết tiếp bởi thế hệ họa sĩ trẻ.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tiep-noi-tinh-hoa-tranh-hang-trong-400555.html