Tiếp nối truyền thống quê hương Thủ đô Kháng chiến, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, vững chắc
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng (tháng 3-1935) và chấp hành sự phân công của Xứ ủy Bắc Kỳ, tháng 6-1937, đảng viên Hoàng Văn Lịch, người Cao Bằng về hoạt động tại Mỏ than Tuyên Quang, chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở, tổ chức đảng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Văn Lịch, đầu năm 1938, tổ chức Đoàn Thanh niên dân chủ được thành lập tại Tuyên Quang và trở thành nòng cốt cho phong trào thanh niên ở địa phương. Khi cơ sở quần chúng được mở rộng, theo quyết định của Xứ ủy Bắc kỳ, ngày 20-3-1940, Chi bộ Mỏ than Tuyên Quang được thành lập.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Mỏ than, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang phát triển mạnh mẽ. Trước tình hình đó, vào giữa năm 1941, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng Tuyên Quang, đến năm 1945 phát triển thành Tỉnh ủy lâm thời Tuyên Quang (ngay sau đó là Tỉnh ủy Tuyên Quang). Trong điều kiện khó khăn của cách mạng, Đảng bộ, nhân dân và LLVT tỉnh Tuyên Quang đã làm tròn nhiệm vụ của Thủ đô Khu Giải phóng, bảo vệ trung tâm chỉ đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần cùng các địa phương trên cả nước đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đi đến thành công. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12-1946), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tiếp tục nêu cao quyết tâm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là Thủ đô kháng chiến, nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và nhiều bộ, ngành, cơ quan Trung ương đến ở, làm việc...
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết, phát huy nội lực, nỗ lực phấn đấu, đóng góp sức người, sức của phục vụ các chiến dịch, chống chiến tranh phá hoại, khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ hậu phương vững mạnh, tăng cường chi viện cho cách mạng... cùng toàn dân, toàn quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Tuyên Quang đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp-xây dựng, dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản theo phương châm “Đoàn kết thống nhất, tập trung đột phá, khai thác tiềm năng, phát triển bền vững”. Tỉnh tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: “Đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực; khai thác tiềm năng để phát triển du lịch”...
Theo đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, nêu cao quyết tâm chính trị, giành nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển và đang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, kinh tế của Tuyên Quang tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: Công nghiệp-xây dựng, các ngành dịch vụ có bước phát triển; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; tốc độ tăng GRDP bình quân/năm đạt hơn 8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp thủy sản, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; các khu công nghiệp và cụm công nghiệp hoạt động đạt kết quả tốt. Tỉnh tích cực huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, hoàn thành xây dựng nhiều công trình văn hóa, giao thông có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội sâu sắc. Các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án, dự án về phát triển du lịch. Sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều chủ trương, giải pháp, cơ chế chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp được ban hành và thực hiện hiệu quả, độ che phủ của rừng đạt hơn 60%, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước. Công tác giáo dục tiếp tục được đổi mới, phát triển, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, đầu tư có hiệu quả. Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội đạt kết quả tích cực. Tỉnh cũng thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội; phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” trở thành việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Đảng bộ tỉnh thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng và rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên được đẩy mạnh; ý thức tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức được nâng lên. Cải cách hành chính, sửa đổi lối làm việc có chuyển biến tích cực; đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ được củng cố; dân chủ trong Đảng và trong xã hội được phát huy; công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội XIII của Đảng được tiến hành chặt chẽ, đúng nguyên tắc...
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Tiếp nối truyền thống của Chi bộ Mỏ than, để xứng đáng với vị thế của quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, tỉnh anh hùng, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang tiếp tục nêu cao quyết tâm chính trị, đổi mới mạnh mẽ và vững chắc, phát huy tiềm năng, lợi thế, thực hiện có hiệu quả các giải pháp xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển bền vững.