Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Hải quân Nhân dân Việt Nam

Những người chiến sĩ của Hải quân Nhân dân Việt Nam sẵn sàng tư thế chiến đấu tại Đảo Len Đao trong mọi thời điểm. Ảnh: Vietnam+

Cách đây 68 năm, ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày nay.

Sự kiện này đánh dấu một mốc son quan trọng trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, mở đầu cho thời kỳ xây dựng và phát triển của Quân chủng Hải quân anh hùng.

Từ năm 1955 đến năm 1975 đánh dấu bước phát triển của Hải quân Nhân dân Việt Nam cả về quy mô tổ chức và sức mạnh chiến đấu, là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, chiến đấu trên chiến trường sông, biển, hải đảo của Tổ quốc; thể hiện ý chí làm chủ, giành quyền làm chủ vùng biển của Tổ quốc cũng như khai thông luồng lạch, góp phần bảo đảm giao thông thông suốt, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.

Những chiến công của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Đó là chiến thắng trận đầu ngày 2/8 và ngày 5/8/1964; chiến thắng vang dội của lực lượng đặc công hải quân trên chiến trường sông, biển; chiến công của những con tàu không số làm nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển...

Với những chiến công đó, bộ đội Hải quân xứng đáng với thư khen của Bác Hồ: “Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, tích cực tiêu diệt địch, bắn rơi máy bay, đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc”.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã phối hợp với một bộ phận lực lượng vũ trang Quân khu 5 “Thần tốc, táo bạo, bí mật, bất ngờ” tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

Sau năm 1975, khí phách anh hùng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc lại được cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam tô thắm.

64 liệt sĩ đã nằm lại rạn đá Gạc Ma trong sự kiện Trường Sa 1988. Các anh đã kê cao thêm nền Tổ quốc giữa đại dương bao la, để biển, đảo Việt Nam một màu xanh bất tử. Sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã tạo nên khí phách Trường Sa. Đó là lòng yêu nước, trí tuệ con người Việt Nam; truyền thống nhân nghĩa, hữu nghị; mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng Quân chủng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”.

Quân chủng Hải quân được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng nên phát triển nhanh về tổ chức biên chế, mạnh về vũ khí trang bị, tàu thuyền.

Cùng với phát triển lực lượng, đóng quân trên các địa bàn trọng điểm, cửa ngõ của đất nước, Hải quân Nhân dân Việt Nam được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, thế hệ mới.

Các chiến sĩ của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Vietnam+

Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay đang đặt ra nhiều thử thách, phức tạp và yêu cầu ngày càng cao. Do đó, nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân cũng ngày càng nặng nề, khó khăn hơn.

Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, sự động viên to lớn của các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước; với bản lĩnh, kinh nghiệm, truyền thống đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo, đổi mới, phát triển; phát huy truyền thống 68 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành nên từng cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam luôn nêu cao cảnh giác cách mạng, thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu kịp thời, chính xác cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về những chủ trương, chính sách, giải pháp xử lý có liên quan đến tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên hướng biển.

Mới đây, Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, đã nhấn mạnh Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là ý chí, nguyện vọng, tình cảm và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt. Xác định rõ trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang này, kế thừa truyền thống lịch sử của Quân đội, Quân chủng Hải quân anh hùng, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân luôn phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Quân chủng tập trung thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu.

Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, bảo đảm để Quân chủng luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Quân chủng cũng thường xuyên nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các lực lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quân chủng cũng đang đẩy mạnh xây dựng, phát triển lực lượng hải quân gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển vững mạnh.

Trong đó, lực lượng hải quân đẩy mạnh rà soát, kiện toàn tổ chức, biên chế các lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, đồng bộ về con người, vũ khí, trang bị kỹ thuật và cơ sở bảo đảm.

Quân chủng tập trung xây dựng lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động nhằm nâng cao khả năng tuần tra, kiểm soát, quản lý vùng biển trong thời bình và phòng thủ, chi viện, tác chiến bảo vệ biển, đảo trong điều kiện chiến tranh xảy ra.

Quân chủng cũng chú trọng kiện toàn tổ chức, lực lượng hậu cần hải quân gắn với xây dựng tiềm lực hậu cần nhân dân, hậu cần khu vực phòng thủ ven biển nghiên cứu đổi mới phương thức, nâng cao khả năng bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng, nhất là lực lượng hoạt động dài ngày trên biển, lực lượng được trang bị hiện đại.

Quân chủng phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của các cấp, ngành và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Quân chủng phối hợp với các địa phương xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ biển vững mạnh, có phương án sẵn sàng động viên, huy động các lực lượng này tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tạo điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” trên biển ngày càng vững chắc.

Theo TTXVN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/349/298261/tiep-noi-truyen-thong-ve-vang-cua-hai-quan-nhan-dan-viet-nam.html