Tiếp quản Thủ đô toàn thắng, biểu hiện sinh động của chiến tranh nhân dân
Thủ đô Hà Nội được tiếp quản trọn vẹn từ tay đối phương chính là kết quả của cuộc đấu tranh kiên trung của Đảng bộ và quân dân Hà Nội dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Việc tích cực, chủ động phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang của thành phố, phối kết hợp chặt chẽ với quân đội về tiếp quản Thủ đô chính là biểu hiện sinh động của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngày 21-7-1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Theo Hiệp định Genève, Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp, sau đó ta sẽ tiếp quản. Với âm mưu làm cho Hà Nội trống rỗng, hỗn loạn, từ đó làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến, Pháp đã phá hoại thành phố với sự tiếp tay của Mỹ. Đồng thời, Pháp còn vực dậy bộ máy ngụy quyền thành phố làm công cụ phá hoại; di chuyển tài sản, máy móc, ép nhân dân di cư vào Nam; cài cắm gián điệp ở lại hòng thực hiện âm mưu phá hoại hậu chiến. Lúc bấy giờ, tiếp quản Thủ đô thắng lợi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quân, dân Hà Nội và có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của nhân dân ta.
Ngay từ đầu tháng 8-1954, Thành ủy Hà Nội đã đề ra những chủ trương quan trọng về công tác tiếp quản, đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấu suốt tình hình và nhiệm vụ mới của thành phố. Đồng thời, tăng cường cán bộ cho cơ sở; mở rộng mặt trận đoàn kết, phối hợp các mặt đấu tranh, phát triển lực lượng tự vệ mạnh mẽ và rộng khắp để bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, chống mọi hành động phá hoại của địch, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bên ngoài vào tiếp quản Thủ đô.
Ban Cán sự nội thành đã phân công cán bộ, dựa vào số quần chúng trung kiên, để phát triển cơ sở kháng chiến, vận động, tổ chức nhân dân đấu tranh với địch, bảo vệ thành phố. Đối với các nhà máy trọng yếu của thành phố, cán bộ ngành công vận cử người trực tiếp vào cơ sở nắm diễn biến tình hình hằng ngày, chỉ đạo công nhân đấu tranh, phát triển lực lượng. Nhiều cán bộ, đảng viên trước đây bị địch đánh phá phải bật ra ngoài, nhanh chóng trở về địa phương, cùng cán bộ thôn xóm, tuyên truyền, xây dựng lực lượng tự vệ, làm nòng cốt giữ gìn an ninh chính trị, trấn áp bọn giả danh kháng chiến, bảo vệ nhân dân.
Nhờ có những biện pháp kịp thời, đi sâu vào quần chúng nên chỉ sau một thời gian ngắn, cơ sở kháng chiến đã phát triển nhanh chóng. Đến cuối tháng 9, nội thành đã có 1.473 đoàn viên trung kiên ở 124/136 thôn; 20 đơn vị tự vệ với 934 đội viên. Nhiều thôn đã thành lập “Ban ủy nhiệm thôn” để điều hành công việc chung trong nhân dân và giữ gìn trị an. Bộ máy ngụy quyền nhiều xã đã bị “vô hiệu hóa”. Đầu tháng 10, chính quyền cách mạng có ở 110 thôn.
Trên cơ sở đó, các tầng lớp nhân dân đấu tranh mạnh mẽ chống địch phá hoại máy móc, di chuyển hồ sơ, nguyên vật liệu quý ra khỏi thành phố để giữ vững điện, nước, giao thông, liên lạc thông suốt, chống địch cưỡng ép giáo dân, bác sĩ, kỹ sư, công chức di cư vào Nam, ổn định mọi mặt hoạt động thành phố và sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Tự vệ ở các khu phố và xóm lao động nội thành, các làng xã ngoại thành là lực lượng chủ yếu làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác, trấn áp bọn giả danh kháng chiến hoạt động phá hoại cách mạng, xuyên tạc chính sách tiếp quản của Chính phủ. Ngoài ra, lực lượng tự vệ còn đưa đón và bảo vệ cán bộ nội thành ra vùng tự do hoặc cán bộ từ vùng tự do vào thành phố chuẩn bị công tác tiếp quản, tham gia công tác địch ngụy vận và vận động gần 12.000 người đưa anh em binh lính và một số vũ khí, xe ô tô các loại ra căn cứ.
Ngày 8-10, cùng vào với Tiểu đoàn Bình Ca có 200 cán bộ dân chính, do đồng chí Trần Danh Tuyên làm Trưởng đoàn vào nắm các cơ sở và tiếp quản các vị trí dân sự. Tiểu đoàn Bình Ca, dưới danh nghĩa là một đơn vị cảnh vệ vào tiếp quản 35 vị trí quân sự có quân Pháp chiếm đóng. Trong 2 ngày, cùng gác với quân Pháp, có nơi hợp tác tốt nhưng có chỗ Pháp đối xử không tốt, có nơi dọa tước súng, nhưng chiến sĩ ta rất kiên cường và còn địch vận trở lại. Không biết tiếng Pháp, anh em lấy bông hoa cắm vào mũi súng để tỏ thiện chí hòa bình, xem ảnh vợ, con lính Pháp, anh em ra hiệu nên về nước. Cuối cùng, ta đã giữ nguyên vẹn 35 địa điểm, đặc biệt là giữ được điện và nước. Đó là chiến công của các cơ sở cách mạng và của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca.
Ngày 9-10, các đội công tác ngoại thành phối hợp với bộ đội tiến vào tiếp quản 4 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi. Đến buổi trưa, ta tiếp quản Đại lý Hoàn Long. Nhân dân ngoại thành nô nức đón mừng chính quyền cách mạng và bộ đội về giải phóng. Bên phía quân Pháp thiết quân luật thì hết sức im ắng, còn bên bộ đội ta tiếp quản đến đâu là cờ hoa tung bay. Tại những điểm quân ta vào đều có những cảnh tiếp đón rất cảm động.
Từ ngày 6-10 đến ngày 9-10, nhờ có lực lượng tại chỗ làm chỗ dựa vững chắc chuẩn bị địa bàn thuận lợi mà cán bộ, bộ đội ở căn cứ vào thành phố đã tiếp thu nhanh gọn, an toàn hệ thống chính quyền, các khu quân sự và công trình lợi ích công cộng của địch.
Đúng 16 giờ, ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên sang phía Gia Lâm. Khi quân Pháp rút hết, quang cảnh rất nhộn nhịp, các phố đều làm cổng chào đón bộ đội. Tối 9-10, bộ đội ta thiết quân luật để giữ trật tự. Chỉ có bộ đội đi tuần tra. Nhưng tất cả các nhà đều để đèn sáng, họ không ngủ mà thức để chờ đón một ngày mới, ngày mà Hà Nội không còn bóng quân giặc.
Ngay từ 5 giờ sáng ngày 10-10-1954, không khí đã rất sôi động. Nhân dân đứng trên các vỉa hè chào đón đoàn quân chiến thắng hùng dũng tiến vào tiếp quản Thủ đô. 15 giờ cùng ngày, hàng vạn nhân dân Thủ đô phấn khởi dự lễ chào cờ chiến thắng. Lịch sử Thủ đô bước sang một trang mới.