Tiếp sau UAE, Bahrain tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Israel

Trung Đông tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận khi mới đây quốc gia Arab thứ 2 'nối gót' Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel là Bahrain. Động thái này như dội một gáo nước lạnh vào những nỗ lực của Palestine đòi lại các vùng đất bị chiếm đóng và khôi phục hòa bình ở Trung Đông.

Trung Đông dậy sóng bởi thỏa thuận hòa bình gây tranh cãi

Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo, Bahrain đã tiếp bước UAE đạt được một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel, trở thành quốc gia vùng Vịnh thứ 2 bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Do Thái này. Theo kế hoạch, vào ngày 15/9 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel - UAE tại Nhà Trắng. Dự kiến, Thủ tướng Israel Netanyahu và Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif Al Zayani cũng sẽ ký Tuyên bố Hòa bình lịch sử tại sự kiện này. Người đứng đầu nước Mỹ hy vọng, các quốc gia thuộc khối Arab thời gian tới cũng sẽ làm điều tương tự, điều này sẽ giúp xoa dịu tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông.

Trước UAE và Bahrain chỉ có Ai Cập và Jordan thiết lập quan hệ với Israel lần lượt vào các năm 1979 và năm 1994. Ai Cập là quốc gia đầu tiên gửi lời chúc mừng tới Israel cũng như Bahrain và UAE. Tổng thống Ai Cập hy vọng, các quốc gia cùng “hướng tới đạt được một giải pháp công bằng và lâu dài cho vấn đề Palestine”. Đánh giá về thỏa thuận mới này, Tổng thống D.Trump cho rằng, đây là một “bước đột phá lịch sử”.

Quốc vương Bahrain Hemed al-Khalifa (phải) và Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Quốc vương Bahrain Hemed al-Khalifa (phải) và Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Mặc dù Quốc vương Bahrain Al Khalifa giữ quan điểm thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine dựa trên “giải pháp hai nhà nước”, nhưng quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel của Bahrain đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của Palestine và các đồng minh trong khu vực. Họ cho rằng nó gây nguy hiểm cho vị thế của người Palestine trong các cuộc đàm phán đòi lại các phần lãnh thổ bị Israel chiếm đóng tiến tới xây dựng một nhà nước độc lập của người Palestine. Thậm chí, Palestine còn coi đây là một “nhát dao sau lưng”, là hành động “phản bội” của các quốc gia trong khu vực nhằm “phục vụ cho việc chiếm đóng của Israel”, người phát ngôn của nhóm vũ trang Hamas Fawzi Barhoum nói.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, quyết định của Bahrain là “một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực bảo vệ chính nghĩa của người Palestine”. Nó “sẽ cổ súy Israel tiếp tục thực hiện các hành vi bất hợp pháp đối với Palestine cũng như thúc đẩy nước này chiếm đóng vĩnh viễn các vùng đất của người Palestine”. Bộ Ngoại giao Iran còn lên tiếng chỉ trích động thái của Bahrain bình thường hóa quan hệ với Israel là hành động “đáng xấu hổ”.

Phía sau những cái bắt tay

nối lại quan hệ

Trong vòng chưa đầy 1 tháng, 2 quốc gia Arab “nối gót” nhau bình thường hóa quan hệ với Israel - động thái cho thấy có sự dịch chuyển trong quan hệ địa chính trị ở Trung Đông, đưa các nước Arab xích lại gần với đồng minh của Mỹ ở Trung Đông là Israel. Những hành động này khiến không chỉ Palestine phản đối mà Iran cũng cảm thấy “bất an” bởi khi các quốc gia giàu dầu mỏ “bắt tay nhau” câu kết với Israel, lập nên một liên minh nhằm gia tăng sức mạnh tại Trung Đông chống lại Iran, đồng thời đẩy người Palestine vào thế bị cô lập hơn.

Từ trước đến nay, Palestine luôn ủng hộ việc các nước Arab không thiết lập quan hệ với Israel cho đến khi có một thỏa thuận hòa bình được đưa ra. Vậy mà sự việc đang đi theo chiều hướng khác, người đứng đầu Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) - ông Saeb Erekat vạch trần việc bình thường hóa quan hệ với Israel là khuyến khích Israel “kéo dài việc chiếm đóng Palestine thay vì chấm dứt nó”.

Về phần mình, Mỹ coi các thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Israel với UAE và Bahrain tới đây là thành tựu đối ngoại của Tổng thống Mỹ D.Trump trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới.

Mọi sự chú ý giờ đây đổ dồn về Saudi Arabia, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất, giàu dầu mỏ và có ảnh hưởng bậc nhất trong khối Arab. Hiện tại, Saudi Arabia là đồng minh với Mỹ nhưng là quốc gia ủng hộ quan trọng nhất của Palestine. Saudi Arabia có nhiều mâu thuẫn về sắc tộc và tôn giáo với Israel. Liệu Saudi Arabia có “nối gót” bình thường hóa hay không là câu hỏi mà chỉ thời gian mới có thể trả lời...

Trần Hải

((theo Arabnews, Reuters, AFP))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tiep-sau-uae-bahrain-tuyen-bo-binh-thuong-hoa-quan-he-voi-israel-n180181.html